Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Châu Á có 6 suất dự World Cup 2023: Thời cơ và thách thức cho tuyển nữ Việt Nam

Thứ Hai 28/12/2020 | 10:36 GMT+7

VHO- Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) vừa chính thức thông báo châu Á sẽ có 6 suất tham dự World Cup bóng đá nữ 2023. Điều này mở ra cơ hội cho Bóng đá nữ Việt Nam.

Các cô gái "vàng" của bóng đá nữ Việt Nam có cơ hội tiến gần hơn tới World Cup Ảnh: VFFa

Tuy nhiên, để biến giấc mơ thành hiện thực, Bóng đá nữ Việt Nam còn quá nhiều việc phải làm.

Mở ra cơ hội

Nhằm tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của bóng đá nữ và sau thành công của World Cup bóng đá nữ 2019, FIFA quyết định nâng tổng số đội tham dự World Cup 2023 từ 24 lên 32 đội. Theo quy định mới được công bố, khu vực châu Á có 6 suất trực tiếp trong đó với vai trò là nước chủ nhà, Australia sẽ có một suất chính thức, còn 5 suất sẽ chia cho các đội còn lại. Trong 5 suất này, cơ hội khó tuột khỏi tay 4 “chị đại” của bóng đá nữ châu lục là Nhật Bản (xếp thứ 10 trên bảng xếp hạng của FIFA tháng 12.2020), Trung Quốc (xếp thứ 15), Hàn Quốc (xếp thứ 18) và Triều Tiên. Suất còn lại sẽ là cuộc cạnh tranh đầy thú vị giữa Thái Lan, Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc), Uzbekistan và chủ nhà của vòng chung kết khu vực châu Á là Ấn Độ. Ngoài 6 suất trực tiếp, châu Á có thêm 2 suất tham dự vòng play-off với 8 đội của các châu lục khác để tranh 3 tấm vé cuối cùng tham dự World Cup 2023.

Xét về thực lực, khả năng Việt Nam kiếm vé trực tiếp sẽ dễ dàng hơn việc cạnh tranh để kiếm vé play-off. Hiện đội tuyển nữ Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 34 trên bảng xếp hạng của thế giới trong khi Thái Lan xếp ở vị trí thứ 38, Đài Loan đứng thứ 39, Uzbekistan ở vị trí 41. Dù trên bảng xếp hạng tạm thời, Ấn Độ chỉ đứng ở vị trí thứ 53 nhưng vì là chủ nhà của vòng loại khu vực châu Á World Cup 2023, các cô gái Ấn Độ hoàn toàn có khả năng làm nên bất ngờ. Trong số các đội cạnh tranh suất còn lại nêu trên, căn cứ vào thực lực, có thể thấy đội tuyển nữ Việt Nam và đội Thái Lan là những đối thủ chính. Bên cạnh đó, còn phải tính đến yếu tố may mắn ở các lá thăm. Tuy Australia (hiện đứng thứ 7 thế giới) đã chắc suất vào VCK với tư cách là nước chủ nhà, nhưng đội bóng đá nữ xứ sở chuột túi vẫn sẽ tham gia tranh tài tại vòng loại. Và như thế 5 chị lớn của bóng đá châu lục sẽ được xếp vào 2 bảng đấu trong đó một bảng có 3 đội và một bảng có 2 đội mạnh. Nếu lá thăm may mắn đưa đội tuyển nữ Việt Nam vào bảng đấu nhẹ hơn, cơ hội sẽ cao hơn và ngược lại.

Còn nhiều việc phải làm

Căn cứ vào thành tích của đội tuyển nữ trong thời gian qua, cùng quyết tâm của Bóng đá Việt Nam thì chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan. Càng lạc quan hơn vì đội tuyển bóng đá nữ Thái Lan dù đã có 2 lần lọt vào World Cup, nhưng gần đây nhất tại VCK Asian Cup 2018, Thái Lan đã vô cùng may mắn khi rơi vào bảng dễ cùng với Trung Quốc và 2 đội bóng yếu là Philippines và Jordan, trong khi bảng B của Việt Nam toàn các “chị khủng” là Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Thế nên trong khi tuyển Thái Lan ung dung có mặt tại World Cup thì thầy trò HLV Mai Đức Chung phải ngậm ngùi nói lời giã từ.

Đẳng cấp không hơn tuyển nữ Việt Nam, thậm chí hiện tại còn kém hơn nhưng tuyển nữ Thái Lan vẫn 2 lần có mặt tại World Cup, ngoài yếu tố may mắn còn phải kể đến quyết tâm và bản lĩnh của các cô gái xứ sở chùa Vàng. Nói thế không có nghĩa tuyển Việt Nam yếu hơn về bản lĩnh nhưng nếu muốn đạt được mục tiêu thì không còn cách nào khác, ngoài việc nâng cao trình độ, các cô gái vàng của Việt Nam cũng cần phải trui rèn thêm sự dày dặn. Nhận định về cơ hội của tuyển nữ Việt Nam khi FIFA công bố 6 suất cho khu vực châu Á, bình luận viên Ngô Quang Tùng cho rằng cơ hội thì đã mở ra nhưng vấn đề là chúng ta phải tập trung cao độ với lực lượng dày và xác định đúng đối thủ để “chiến đấu”.

Về mặt lực lượng, Bóng đá nữ Việt Nam luôn phải đối mặt với bài toán thiếu trước, hụt sau khi quanh đi quẩn lại chỉ có vài địa phương làm bóng đá nữ. Dù VFF nhiều nỗ lực nhưng giải bóng đá nữ vô địch quốc gia trong suốt những năm qua quanh đi, quẩn lại cũng chỉ có Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hà Nam, Sơn La và Thái Nguyên. Trong số 6 địa phương này, Sơn La và Thái Nguyên luôn phải đối mặt với bài toán về kinh phí duy trì đội bóng. Chính vì lực lượng tại các địa phương mỏng nên khó có thể cung cấp đầy đặn cho các đội tuyển ở tuyến trên. Để bù đắp tình trạng thiếu hụt đó, hằng năm VFF đều tập trung các đội U13, U15 tại Trung tâm đào tạo Bóng đá trẻ Việt Nam. Tháng 9 vừa qua, 54 cầu thủ thuộc 2 đội này cũng đã được triệu tập. Đây cũng sẽ là lứa cầu thủ được đào tạo để thay thế dần trong tương lai, giúp cho tuyển nữ khắc phục được nỗi lo về lực lượng như hiện nay.

Những nỗ lực đó đang giúp cho Bóng đá nữ Việt Nam tiến gần đến mục tiêu World Cup hơn bao giờ hết và năm 2023 sẽ là bài test đầu tiên để chúng ta thử nghiệm. 

 THU SÂM

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top