Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Quy trình phong Giáo sư, Phó Giáo sư: Cần kiện toàn theo hướng tiệm cận tiêu chuẩn thế giới

Thứ Tư 28/10/2020 | 10:25 GMT+7

VHO- Ở thời điểm hiện tại, trong số các ứng viên được đề nghị phong hàm GS, PGS của ngành y thì có tới 37 vị bị tố không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được Hội đồng ngành thông qua. Không chỉ vậy, dư luận còn ồn ào bởi thông tin tố cáo cả những người đã được phong danh hiệu từ trước đó...

 PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng

Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng để có cái nhìn sâu hơn về vấn đề hiện đang “gây sốt” trên các diễn đàn này.

P.V: Thưa PGS, ông đánh giá thế nào về việc năm nay có tới 37 ứng viên GS, PGS của ngành y bị tố không đủ tiêu chuẩn nhưng đã được Hội đồng GS ngành y học thông qua?

- PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng: Thực ra, việc các ứng viên không đủ điều kiện nhưng vẫn được thông qua không phải là chuyện cá biệt. Vào năm 2017-2018, trong tổng số 1.226 hồ sơ đủ điều kiện được công nhận chức danh GS, PGS mà Hội đồng GS Nhà nước đã công bố trước đó, có 94 ứng viên bị phản ánh là chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn đề ra. Trong số 94 ứng viên trong diện phải rà soát lại, thì có tới 41 trường hợp không đủ điều kiện để xem xét.

Còn năm nay, theo thông tin từ các cơ quan báo chí, các ứng viên GS, PGS ngành y đang bị “tố” chủ yếu do việc có các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế. Tôi cho rằng, việc một số ứng viên buộc phải tìm cách đăng bài trên các tạp chí khoa học nước ngoài không đủ uy tín là hệ quả tất yếu của một quy trình chưa đúng. Đó là quy trình xét chọn và xét duyệt GS, PGS. Hệ thống đánh giá, xét duyệt hiện hành chưa trả lời được những câu hỏi quan trọng là “muốn trở thành GS, PGS thì các ứng viên cần được đào tạo ra sao và được đánh giá thế nào? Ai là những người đủ điều kiện và có khả năng đánh giá chính xác tiêu chuẩn và cả phẩm chất cần và đủ cho học hàm GS/PGS? Các Hội đồng mặc dù tập trung những GS đầu ngành nhưng không thể đánh giá hết nhu cầu ở cơ sở (số lượng GS, PGS cần thiết), quy trình đào tạo, nghiên cứu, hiệu quả nghiên cứu của các ứng viên và nhiều yếu tố khác. Việc xét chọn, đề nghị công nhận ứng viên nhiều khi theo kiểu “lập danh sách những ứng viên đủ điều kiện” hơn là có kế hoạch từ trước và tổ chức giao việc, giám sát, quy trách nhiệm đối với các ứng viên và cả đội ngũ giảng dạy, bồi dưỡng cho các ứng viên...

 Vậy theo ông cần làm gì để khắc phục tình trạng nói trên?

- Theo tôi, để khắc phục tình trạng “quá tải” về số lượng GS, PGS như hiện nay và những bất cập phát sinh trong quá trình xét duyệt, công nhận chức danh, nhà nước nên giao cho các trường nhiệm vụ đào tạo và phong chức danh GS, PGS. Hội đồng GS nhà nước chỉ giám sát việc đào tạo và xét duyệt thôi. Theo đó, nên giao quyền làm kế hoạch (cả về đào tạo, phát triển) lựa chọn ứng viên GS, PGS gắn liền với nhu cầu thực sự về cán bộ khoa học đầu ngành và kế cận của từng chuyên ngành trong từng trường cụ thể. Mọi tiêu chuẩn đều theo chất lượng công việc hằng năm, kiên quyết loại bỏ kiểu “đánh trống ghi tên” hồ sơ một lần lúc bổ nhiệm để tránh “chạy chọt” và “xin giờ giảng” từ đơn vị cơ sở (khoa, bộ môn). Đồng thời, các trường và các viện nghiên cứu quốc gia được giao chịu trách nhiệm chính về hoạch định cơ cấu, xây dựng chiến lược, phương pháp đào tạo, xây dựng, thông qua và công bố công khai bộ tiêu chí cùng quy trình, lộ trình và phương pháp đánh giá định kỳ đội ngũ ứng viên GS, PGS.

Ông có thể nói cụ thể hơn về đề xuất này?

- Căn cứ vào nhiệm vụ cơ bản của từng chuyên ngành, các trường thiết lập danh sách ứng viên GS, PGS. Tiếp đó, nhà trường giao cho GS đầu ngành hoặc chủ nhiệm bộ môn hay trưởng khoa chịu trách nhiệm trước nhà trường và Hội đồng khoa học, Hội đồng chức danh trong việc tuyển chọn, lên kế hoạch đào tạo, chọn người thay thế. Đó chính là những ứng viên GS, PGS. Những ứng viên này được các GS đầu ngành hướng dẫn, được phân bổ các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp Bộ/ngành và cấp nhà nước, được giám sát việc nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học để đảm bảo chất lượng các bài báo từ các công trình khoa học đủ tầm quốc tế khi đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín. Các bài báo đăng trên các tạp chí nước ngoài cần được xác định rõ tác giả chính thức của công trình khoa học. Các ứng viên được đánh giá định kỳ và tổng kết điểm tích lũy theo các tiêu chí đào tạo của trường trình lên Hội đồng khoa học hằng năm và đề xuất với Hội đồng học hàm để công nhận các đối tượng trong kế hoạch bổ nhiệm PGS, chọn và đề xuất PGS xuất sắc nhất cho việc bổ nhiệm phong hàm GS thay thế.

Cùng với đó, nên nâng tiêu chuẩn phong GS, PGS cao hơn nữa và kiện toàn các Hội đồng GS theo hướng tiệm cận các tiêu chuẩn và quy trình của thế giới.

Xin cảm ơn ông! 

 QUỐC HÙNG (thực hiện)

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top