Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Người gây bạo lực gia đình​​​​​​​: Có thể bị tạm giữ theo thủ tục hành chính

Thứ Sáu 23/10/2020 | 10:39 GMT+7

VHO- Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính trong phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội vào hôm qua 22.10, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, dự thảo Luật bổ sung 4 trường hợp tạm giữ người.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình một số nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính Ảnh: X.TRẦN

 Trong đó trường hợp “tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình” là cần thiết để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Mức phạt 200 ngàn đồng cho hành vi sàm sỡ trong thang máy là không phù hợp

Bên cạnh đó, theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, một số khoản của Điều 24 sẽ được sửa đổi, bổ sung như phạt tiền đến 30 triệu đồng cho các vi phạm về hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; bạo lực gia đình… Phạt tiền đến 40 triệu đồng cho các vi phạm về an ninh trật tự, an toàn xã hội; cản trở hoạt động tố tụng; thi hành án dân sự...

Góp ý cho dự thảo quy định này, đại biểu Trần Quốc Khánh (Hà Nội) băn khoăn, trong khoản 1 Điều 24, về quy định mức xử phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực như vệ sinh môi trường, bạo lực gia đình là 30 triệu đồng, trật tự an toàn xã hội là 40 triệu đồng, trong khi đó trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thủy sản thì là 1 tỉ đồng. “Ở đây có 2 vấn đề chúng tôi băn khoăn là hành vi nào sẽ xử phạt đến 30 triệu đồng, những hành vi nào thì xử phạt 1 tỉ đồng vì cũng là vấn đề vệ sinh môi trường, cũng là vấn đề bảo vệ môi trường. Thêm nữa, hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội, quấy rối, sàm sỡ trẻ em, phụ nữ, ở đây có mức phạt từ 30 triệu đồng, 40 triệu đồng, chúng tôi không biết là như thế nào trong khi thực tiễn hiện nay đối với hành vi đó vẫn chỉ bị xử phạt 200.000 đồng”, đại biểu Khánh nêu và đề nghị phải xem xét lại quy định này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Luật chỉ quy định mức phạt tối đa trong các lĩnh vực, còn mức phạt đó được áp dụng trong từng lĩnh vực, đối với từng hành vi vi phạm hành chính cụ thể như thế nào, mức phạt là bao nhiêu sẽ được quy định cụ thể trong Nghị định của Chính phủ. “Mức phạt 200 ngàn đồng là không phù hợp cho hành vi sàm sỡ trong thang máy. Vì thế Nghị định của Chính phủ cần được rà soát lại để có quy định một mức phạt phù hợp hơn trong khung phạt 40 triệu đồng đã được quy định đối với lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội, tương tự như vậy đối với bảo vệ môi trường”, ông Tùng nhấn mạnh.

 Mới đây, vụ việc một người chồng bạo lực với vợ gây bức xúc trong dư luận Ảnh cắt từ clip 

Còn nhiều tranh luận về đề xuất cắt điện, nước công trình vi phạm

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho biết, về bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 86 của Luật Xử lý vi phạm hành chính), quá trình tiếp thu, chỉnh lý còn hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”. Loại ý kiến thứ hai cho rằng việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt hành vi vi phạm.

Đây cũng là nội dung có nhiều ý kiến tranh luận từ kỳ họp trước cho tới kỳ họp này. Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) đề nghị bỏ quy định này, còn nếu như vẫn giữ thì nên chăng chỉ áp dụng trong lĩnh vực xây dựng. Trong khi đó đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) lại cho rằng cần căn cứ vào hành vi cụ thể, trường hợp cụ thể để quyết định chứ không phải căn cứ vào lĩnh vực. “Nếu chúng ta chỉ áp dụng trong lĩnh vực xây dựng và môi trường thì đại biểu Cương đã phân tích rất kỹ. Tôi nêu thêm một ý, nếu trong môi trường chúng ta áp dụng biện pháp cắt điện, cắt nước, ví dụ như một cánh đồng tôm mà cắt điện thì chắc chắn một thời gian rất ngắn cả cánh đồng tôm sẽ chết, vừa thiệt hại kinh tế, còn gây hậu quả môi trường lớn hơn. Theo quan điểm của tôi, áp dụng biện pháp này bằng hành vi cụ thể và trường hợp cụ thể", đại biểu Trần Đình Gia nêu quan điểm.

Cũng nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng trong thực tế, rất nhiều trường hợp xây dựng trái phép được hạn chế là do cúp điện, cúp nước. Do vậy, cần xem xét về phương án cúp điện, cúp nước trong trường hợp xây dựng trái phép. Tranh luận với đại biểu Mỹ Dung (Long An), đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu quan điểm không đồng tình với việc bổ sung biện pháp cắt điện, nước: “Tôi dám cam đoan với Quốc hội là không có một vụ vi phạm hành chính nào mà chính quyền các cấp từ xã, huyện đến tỉnh phát hiện kịp thời và ngăn chặn một cách quyết liệt theo Luật Xử lý vi phạm hành chính mà không thành công. Chúng ta chỉ có thể bỏ qua, thờ ơ rồi làm không đến nơi đến chốn thì nó mới tồn tại, còn chúng ta đã quyết tâm, quyết liệt thì không có một doanh nghiệp nào, không có một cá nhân nào có thể chống lại các quyết định của cơ quan nhà nước. Tôi nghĩ rằng chúng ta là đại biểu Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị Quốc hội là đừng tạo điều kiện cho cơ quan hành pháp một cách quá dễ dàng khi mà chúng ta thấy rằng các biện pháp của pháp luật đã có thừa và có đủ rồi”…

  Trường hợp “tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình” là cần thiết để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

THU SÂM

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top