Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 8 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

NGHIÊM THANH

VHO - Sáng 24.4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp thứ 8 của Ủy ban để đánh giá về công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số thời gian qua, các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số năm 2024 và thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 8 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp - Ảnh: VGP

Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ủy ban; lãnh đạo các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin.

Phiên họp được tổ chức trực tuyến toàn quốc tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ và điểm cầu Trụ sở các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại điểm cầu Bộ VHTTDL, chủ trì điểm cầu là Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương. Cùng dự là đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 8 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - ảnh 2

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương chủ trì điểm cầu Bộ VHTTDL

 Đây là phiên họp nhằm tập trung đánh giá tình hình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số từ đầu năm tới nay và thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 8 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - ảnh 3

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ VHTTDL

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đã qua 1/3 chặng đường của năm 2024 - năm bứt phá trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Nhiệm vụ tập trung là thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, trong đó có phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Chú trọng 3 đột phá chiến lược gồm: Thể chế, trong đó có thể chế liên quan đến chuyển đổi số; nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trong đó trọng tâm là nhân lực phục vụ chuyển đổi số; kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng số.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách (như dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới…) và thanh toán không dùng tiền mặt.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời, nâng cao hiệu quả các chính sách người có công, trợ giúp xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có chi trả trợ cấp cho các đối tượng chính sách không dùng tiền mặt.

Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số là khâu đột phá, một nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà sách nhiễu, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại… cho người dân và doanh nghiệp. Càng số hóa mạnh mẽ, như đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thì càng tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng khẳng định, chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao công tác chuyển đổi số quốc gia, bảo đảm hiệu quả và thực chất. 

Thủ tướng cho biết, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số vừa ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024, trong đó xác định trọng tâm của Chuyển đổi số quốc gia với chủ đề "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững".

Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung báo cáo, thảo luận về những nội dung chính. Thứ nhất, đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia từ sau phiên họp thứ 7 với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có minh chứng bằng số liệu cụ thể (kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, rào cản, điểm nghẽn và nguyên nhân). Thứ hai, chia sẻ những cách làm hay mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn; phân tích các bài học kinh nghiệm. Thứ ba, các giải pháp trọng tâm để thực hiện cao nhất nhiệm vụ đã được đề ra tại Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban, nhất là các giải pháp mang tính đột phá.

Tại hội nghị, các báo cáo và ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp đã đánh giá tình hình, nêu bật những thành tựu, kết quả, tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, chia sẻ cách làm hay, những bài học kinh nghiệm trong công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số thời gian qua; nêu các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và đề xuất, kiến nghị thời gian tới.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến; giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Kết luận của Phiên họp để thống nhất triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới đồng bộ, hiệu quả.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương, các chủ thể liên quan; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

“Chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ý kiến bạn đọc