Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Chương trình lớp 1 mới: Không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh

Thứ Tư 07/10/2020 | 11:06 GMT+7

VHO- Rất nhiều phụ huynh than phiền chương trình lớp 1 năm nay quá nặng khi họ phải vất vả kèm con học ở nhà, có khi đến hơn 22h đêm trẻ mới được nghỉ... Đại diện Bộ GD&ĐT nói “chưa nhận được bất cứ phản ánh chính thức nào bằng văn bản”; còn chuyên gia biên soạn SGK thì cho rằng “không có cơ sở để nói sách tiếng Việt mới nặng”...

Sách giáo khoa lớp 1 mới

 Tuy nhiên mới đây, Bộ GD&ĐT đã phát đi văn bản hỏa tốc gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh. Theo đó, yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường nắm bắt thông tin phản ánh từ các nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh để trao đổi, cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời... Phải chăng, ở đây có sự mâu thuẫn giữa thực tế với phát ngôn của những người có liên quan?

Kêu trời khi dạy con học ở nhà

Mặc dù mới được đưa vào dạy đại trà khoảng một tháng nhưng trên các trang mạng xã hội và trao đổi với báo chí, đại đa số các ý kiến đều phàn nàn môn Tiếng Việt lớp 1 thiết kế rườm rà, quá sức đối với lứa tuổi các em, số tiết học trong năm lại đáng kể so với chương trình cũ khiến cả học sinh và phụ huynh đều rất áp lực. Theo kế hoạch giáo dục của chương trình mới bậc tiểu học, số tiết Tiếng Việt ở lớp 1 lên tới 420 tiết so với 350 tiết ở chương trình cũ. Việc kéo dài thêm 70 tiết học khiến thời khóa biểu của lớp 1 có đến 12 tiết Tiếng Việt/ tuần, trung bình có đến 2,4 tiết tiếng Việt trên tổng số 7 tiết một ngày (bao gồm cả những tiết như chào cờ, sinh hoạt lớp, hướng dẫn học, thể dục...). Thời lượng học tăng khiến giáo viên cũng buộc phải tăng nhịp độ dạy, dẫn đến tình trạng học sinh không thể tiếp thu.

Ở chương trình cũ, mỗi ngày học 2 tiết Tiếng Việt, học sinh chỉ cần nắm hai âm mới cùng với 4 từ đơn giản và một câu ngắn gọn. Trong khi hiện có những bộ sách Tiếng Việt mới, bài đọc dài khoảng 3 câu; có bộ quy định chưa đến một tháng các em phải học thuộc bảng chữ cái trong khi học sinh không được học trước. Chẳng hạn, mới học tới bài 12 của sách mới, học sinh vừa làm quen với âm “g” và âm “h” đã buộc phải qua phần tập đọc để ghép thành câu như: “Hà ho, bà ạ”; “Để bà bế bé Lê đã”; “A, ba! Ba bế bé Hà! Ba bế cả Hà, cả bé Lê”… Chưa kể đến việc học các âm ghép như “nh”, “ng” hay “ngh” được đẩy lên đầu. Với tốc độ học “tên lửa” ngay từ đầu năm, nhiều phụ huynh học sinh tỏ ra rất mệt mỏi khi kèm con ở nhà. Và với đặc trưng của chương trình và SGK như vậy, nhiều người cho rằng chắc chắn phải dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1, nếu không, trẻ không thể theo kịp chương trình.

Với độ khó của chương trình mới, nhiều gia đình đã buộc phải cho con đi học thêm, bởi chính bố mẹ cũng ko biết kèm con như thế nào cho chuẩn. Nhiều giáo viên trực tiếp đứng lớp cũng nhận xét, mặc dù học sinh có buổi học 2 để luyện tập, nhưng sẽ khó khăn để trẻ tiếp thu toàn diện nếu không được hỗ trợ dạy thêm sau giờ học. Đặc biệt là với các cháu tiếp thu chậm, vì lớp quá đông nên giáo viên không có thời gian để kèm riêng từng em.

 Nhiều chuyên gia cho rằng học sinh lớp 1 chỉ nên “học mà chơi, chơi mà học”

Bộ GD&ĐT cùng các chuyên gia nói gì?

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông, điểm khác của chương trình lớp 1 mới là được tăng thêm 2 tiết 1 tuần, “tăng tiết là để giảm tải, chứ không phải để tăng tải”. Theo đó, nhiệm vụ của học sinh lớp 1 là phải học đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần mới biết đọc, biết viết. Hoàn thành nhiệm vụ ấy trong phạm vi 350 tiết một năm, tính trung bình 10 tiết 1 tuần sẽ “vất vả hơn hay 420 tiết một năm, tính trung bình 12 tiết 1 tuần”. Nói cách khác, GS Thuyết cho rằng, việc tăng tiết sẽ kéo dãn chương trình, giúp giáo viên và học sinh đỡ áp lực.

Trao đổi với báo chí về các phản ánh của dư luận xung quanh vấn đề này, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, chương trình mới có quy định chuẩn đầu ra cho từng môn học và khung thời lượng khi kết thúc năm học. Ví dụ, môn Tiếng Việt sau khi kết thúc năm học, học sinh phải đọc được mỗi phút bao nhiêu từ, đọc hiểu như thế nào… Để đáp ứng được chuẩn đó, chương trình quy định môn tiếng Việt có 420 tiết và các bộ SGK được thiết kế dựa trên khung thời lượng này. Ông Tài nhấn mạnh, để có được chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều công đoạn, đã lấy ý kiến của Hội đồng thẩm định Quốc gia, hội đồng các nhà khoa học. “Nếu chúng ta tiếp cận chương trình sau khi trải qua những quy trình rất chặt chẽ này mà nhận định “nặng” là chưa đủ căn cứ xác đáng”, ông Tài nói và cho biết thêm, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra quy định có thể điều chỉnh chương trình mới trong khi thực hiện, “Bộ sẽ lắng nghe những ý kiến phát sinh trong thực tế và khi đã đủ thời gian, đủ ý kiến của các nhà khoa học, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức đánh giá lại chương trình…”

Những người làm chương trình giáo dục phổ thông nói như vậy nhưng cũng có nhiều chuyên gia giáo dục lại nghĩ khác. PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, học sinh mới vào lớp 1 chỉ vừa qua bậc mầm non nên chủ yếu chỉ là học mà chơi, chơi mà học. Yêu cầu về học chữ, tập viết đối với trẻ ở độ tuổi này chỉ dừng lại ở mức vài dòng, không nên đặt yêu cầu quá cao như em cần viết đẹp, đúng ô li… Đặc biệt, không nên ép học sinh phải đọc thông, viết thạo càng sớm càng tốt, điều đó sẽ gây căng thẳng cho các em. Và trong khi chờ đợi “chương trình được đánh giá lại”, hàng vạn học sinh lớp 1 cùng người nhà vẫn phải đối diện hàng ngày với một chương trình học mà theo nhiều người đánh giá là “quá sức”. 

 Bộ GD&ĐT vừa ban hành công văn số 3977/ BGDĐT-GDTH gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp Tiểu học. Theo đó, yêu cầu các Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm kế hoạch giáo dục chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học/hoạt động giáo dục; không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, đặc biệt “không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh”; cần bảo đảm tỷ lệ và phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm học trong ngày và trong tuần, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1...

QUỐC HÙNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top