Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Những dòng văn không bao giờ cũ

Thứ Hai 28/09/2020 | 11:47 GMT+7

VHO- Trong số các cây bút “sống mãi với thời gian”, nhà văn Tô Hoài được coi là nhà văn của mọi lứa tuổi; tác phẩm của ông không lạc mốt, lỗi thời, được nhiều người yêu thích trong cả quá khứ, hiện tại và có thể cả tương lai.

 Bộ sách kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nhà văn Tô Hoài

Đây là nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, tác giả, độc giả tại tọa đàm “Tô Hoài - Nhà văn của mọi lứa tuổi” do NXB Kim Đồng tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Sự tinh tế của một cây bút lão luyện

Là một trong những tên tuổi lớn của văn học hiện đại Việt Nam, Tô Hoài đến với văn học từ cuối những năm 1930 và trong suốt cuộc đời sáng tác của mình, ông đã có một số lượng tác phẩm đồ sộ với gần 200 đầu sách, trong đó có hơn 60 đầu sách viết cho thiếu nhi. Với nhiều đóng góp đặc sắc trên bốn mảng đề tài lớn: Vùng quê ngoại thành Hà Nội - hiện tại và lịch sử; miền núi Tây Bắc và Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến; sáng tác cho thiếu nhi; chân dung và hồi ức..., có thể nói Tô Hoài là nhà văn của nhiều thời, nhiều tầng lớp, độ tuổi khác nhau và đó là lý do mà những người yêu văn chương luôn luôn đọc đi đọc lại các tác phẩm của ông.

Nhìn vào khối lượng tác phẩm đồ sộ của Tô Hoài, người ta thấy khâm phục vì sức làm việc dẻo dai, cần mẫn của ông. Theo nhà thơ Vũ Quần Phương: “Năng suất lao động của nhà văn chưa ai có thể vượt qua Tô Hoài, 90 tuổi đời, hơn 70 năm cầm bút, năm nào cũng có tác phẩm mới, đi đâu cũng viết được, trên cương vị nào ông cũng viết được”.

Còn theo PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, trong văn Tô Hoài, cái đẹp hiện ra trong chính đời thường: “Tô Hoài không chuốt văn theo cách ép hoa trong tủ hay cầu kỳ một cách thái quá để tạo nên kiểu bonsai chữ nghĩa, mà ông cắt tỉa, gọt giũa câu văn, tạo nên những cấu trúc cú pháp mới cũng là để văn gần hơn với đời sống... Ngôn ngữ của ông mềm mại, tung tẩy, “nẫu nục” chất dân gian. Đó là sự tinh tế của một cây bút cao tay, là ý thức đạt tới sự giản dị của một sự khéo léo lớn. Chính vì thế mà nhà văn Tô Hoài không bị mòn cũ theo thời gian”.

“Tác phẩm của Tô Hoài đã được độc giả rất nhiều thế hệ yêu thích, đặc biệt là Dế Mèn phiêu lưu ký. Đến bây giờ những bạn trẻ cũng rất thích thú”, PGS. TS Bùi Thanh Truyền, Trưởng khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm TP.HCM khẳng định. Có thể thấy, tác phẩm của ông hiện diện ở cả 3 cấp học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, nên qua nhà trường rất nhiều độc giả biết đến Tô Hoài. “So với những nhà văn khác, rõ ràng cũng được nhiều người biết đến, cũng được nhiều người yêu quý, nhưng có lẽ Tô Hoài có được hạnh phúc rất lớn là ông không bao giờ cũ, và ông là nhà văn của mọi lứa tuổi, cả quá khứ hiện tại và có thể cả tương lai”, PGS. TS Bùi Thanh Truyền nói.

Sức sống mãnh liệt trong lòng bạn đọc

Theo nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn và độc giả, dù có nhiều cây bút viết cho thiếu nhi, nhưng các tác phẩm của Tô Hoài vẫn vẹn nguyên sức hấp dẫn trong lòng bạn đọc qua nhiều thập kỷ. Đáp ứng nhu cầu của độc giả và thể hiện sự tri ân sâu sắc với một nhà văn hàng đầu của nền văn học Việt Nam hiện đại, NXB Kim Đồng đã cho ra mắt nhiều tác phẩm của ông. Giám đốc NXB Kim Đồng Bùi Tuấn Nghĩa cho biết, năm 2005, nhà văn Tô Hoài đã ủy nhiệm cho NXB quản lý, khai thác toàn bộ tác phẩm thiếu nhi của mình. Từ đó, thêm nhiều tác phẩm của Tô Hoài được Kim Đồng phát hành. Mới đây, đại diện gia đình nhà văn tiếp tục tin tưởng trao gửi phần tác phẩm dành cho người lớn của ông để NXB khai thác, xuất bản, ra mắt công chúng. Trong số các tác phẩm, Dế Mèn phiêu lưu ký được phát huy theo nhiều hình thức phong phú. Điều đó chứng tỏ sức sống mãnh liệt của tác phẩm trong lòng bạn đọc. Chúng tôi mong muốn một ngày nào đó chú Dế Mèn có thể được chuyển thể lên màn ảnh rộng để đến gần hơn nữa khán giả nhỏ Việt Nam”, Giám đốc NXB Kim Đồng bày tỏ.

Trong số 21 ấn phẩm cả ra mắt lần đầu và tái bản hình thức mới, có đến 12 ấn phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký, gồm tác phẩm song ngữ Việt - Anh, minh họa của họa sĩ Ngô Mạnh Lân; bản viết tay của nhà văn Tô Hoài, minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long; tác phẩm do nữ họa sĩ trẻ Đậu Đũa minh họa; truyện tranh hiện đại chuyển thể từ Dế Mèn phiêu lưu ký có tên “Cuộc phiêu lưu của Dế Út: Phần mở đầu” của họa sĩ Linh Rab; hai ấn bản đã từng xuất bản tại Thụy Điển và Nhật Bản do họa sĩ Ngô Xuân Khôi và Thành Chương minh họa; Dế Mèn bản tranh truyện comic của họa sĩ Trương Qua...

Là nữ họa sĩ đầu tiên vẽ Dế Mèn phiêu lưu ký, họa sĩ Đậu Đũa cho biết, cơ duyên đến với tác phẩm từ đồ án tốt nghiệp đại học năm 2014: “Dế Mèn phiêu lưu ký là một tác phẩm kinh điển và đã được nhiều họa sĩ lão làng minh họa. Do vậy, lúc vẽ tôi cũng gặp rất nhiều áp lực bởi không biết mình có thoát khỏi được sáng tạo trước đó của các bậc đàn anh hay không... Tôi cũng tham khảo thêm từ các bậc tiền bối, từ cuộc sống và thiên nhiên để đưa vào minh họa. Các nhân vật được nhân hóa, cỏ cây hoa lá được trang trí, cách điệu nhiều hơn là vẽ tả thực”.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng chia sẻ: “Năm 2020 kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài nhưng NXB đã tiến hành rất nhiều công việc từ năm ngoái. Bởi chúng tôi muốn mang đến bộ ấn phẩm giới thiệu đầy đủ nhất, giúp độc giả có góc nhìn toàn diện và mới mẻ về các tác phẩm viết cho thiếu nhi của cây bút không bao giờ cũ này”. 

 HÀ HOA

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top