Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Cách học mới không phải bắt nguồn từ công nghệ

Thứ Sáu 11/10/2019 | 09:58 GMT+7

VHO- Đó là một trong các chia sẻ của nhiều diễn giả tại Hội nghị Giáo dục 2019 với chủ đề “Định hướng tương lai” do Forbes Việt Nam (ấn phẩm của Báo Văn Hóa) tổ chức tại TP.HCM ngày hôm qua 10.10. Hội nghị thu hút 350 đại biểu trong và ngoài nước là các nhà đầu tư, nhà giáo dục, nhà hoạch định chính sách cùng công chúng quan tâm đến lĩnh vực giáo dục.

 Các diễn giả chia sẻ tại phiên thảo luận “Lựa chọn thích hợp”, một hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Giáo dục 2019

 Tại các phiên thảo luận, các đại biểu đã chia sẻ tầm nhìn và hướng phát triển của giáo dục hiện đại và sự tiến bộ của thế hệ tương lai.

Giáo dục mới cần nuôi dưỡng tinh thần học tập suốt đời

Theo các diễn giả, với dân số đứng thứ ba tại Đông Nam Á, Việt Nam có 23,5 triệu HSSV đang học tập, đưa giáo dục trở thành lĩnh vực nhiều tiềm năng phát triển. Những năm qua, bên cạnh hệ thống giáo dục công lập được Nhà nước đầu tư, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước liên tục rót vốn để nâng cấp cơ sở vật chất, cải tiến các chương trình học tập nhằm thay đổi môi trường và nâng cao chất lượng giáo dục.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cung cấp nhiều góc nhìn chuyên sâu, khái quát bức tranh giáo dục trong thời gian tới, từ vấn đề cụ thể liên quan đến sự thay đổi chính sách xen lẫn những dự báo tương lai của việc làm hay những mô hình học tập mới. Các chia sẻ cho thấy nhiều mô hình giáo dục mới được nhập khẩu, hướng tới việc phát triển đào tạo những kỹ năng toàn diện và đa dạng cho thế hệ tương lai. Bên cạnh đó, những chuyển dịch chính sách thượng tầng gần đây càng tạo điều kiện cho khối giáo dục ngoài công lập tăng tốc phát triển.

Với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, nhiều gia đình tại Việt Nam có nhiều lựa chọn để con cái tiếp thu môi trường giáo dục thích hợp. Theo ông Stephan Ulrich, Giám đốc chương trình của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), học tập giờ đây không còn bị giới hạn ở các lớp học với bốn bức tường. Những mô hình học tập mới đang đưa người học với những cách tiếp cận mới gắn với gợi mở, sáng tạo, nuôi dưỡng tinh thần học tập suốt đời. Giáo dục trong nước đang cung cấp cho người học nhiều mô hình để lựa chọn, từ miễn phí, chi phí thấp tới linh hoạt đào tạo, song ngữ hay các trường quốc tế đạt chuẩn toàn cầu hay du học từ sớm. Các phiên thảo luận cũng đã chia sẻ về những quy mô và hình thái phù hợp cho các nhà đầu tư, nhà giáo dục và các phụ huynh trước đòi hỏi chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao ở Việt Nam.

Giáo viên phải là người truyền cảm hứng…

Chia sẻ về “cách học mới” mang lại hiệu quả trong thời đại 4.0 hiện nay, TS Nguyễn Quốc Toàn, đồng sáng lập và CEO, Tập đoàn giáo dục Hoa Kỳ EQuest nói rằng, cách học mới không phải bắt nguồn từ công nghệ. Công nghệ không phải là “cứu cánh”, là tất cả. Công nghệ chỉ là phương tiện giúp giáo viên trong việc truyền tải kiến thức. Người giáo viên giỏi cần biết ứng dụng những kiến thức mới nhất của khoa học về não bộ, tâm lý học, các lý thuyết làm việc hiệu quả… để dạy học thành công. “Cái quan trọng nhất trong việc giáo dục của người thầy là truyền cảm hứng cho học sinh, là sự dìu dắt, quan tâm và bên cạnh để hỗ trợ các em. Do đó, dù ở thời đại nào thì vai trò của người thầy vẫn quyết định sự nghiệp giáo dục”, TS Toàn nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ: “Tôi nhớ có nhiều nhân vật thành công trong cuộc sống, sau khi chia sẻ đâu là yếu tố tạo nên thành công này, thì họ đều tự hào rằng vì thời trẻ họ luôn có một người thầy bên cạnh, một người hướng dẫn luôn đồng hành. Tôi không thấy ai nói là nhờ học ở một ngôi trường tiên tiến hay một bộ sách giáo khoa tốt… Điều này để khẳng định rằng không có công nghệ hay phương tiện nào có thể thay thế người thầy. Bởi vậy cho nên khi tuyển chọn giáo viên, chúng tôi luôn đặt tiêu chí say mê dạy học, yêu thương sinh viên của người giáo viên lên hàng đầu rồi mới tính tới các khả năng khác.

Theo các đại biểu, giáo viên không chỉ là những người cung cấp dịch vụ giáo dục mà là những người mang đến cảm xúc, đam mê và sự tin tưởng cho học sinh. 

 Cái quan trọng nhất trong việc giáo dục của người thầy là truyền cảm hứng cho học sinh, là sự dìu dắt, quan tâm và bên cạnh để hỗ trợ các em. Do đó, dù ở thời đại nào thì vai trò của người thầy vẫn quyết định sự nghiệp giáo dục.

(TS NGUYỄN QUỐC TOÀN, đồng sáng lập và CEO, Tập đoàn giáo dục Hoa Kỳ EQuest)

THÙY TRANG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top