Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Quá trình đô thị hóa và sự “CHÔNG CHÊNH” của di sản

Thứ Hai 17/06/2019 | 09:37 GMT+7

VHO- Tại hội thảo “Bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM” do Hội đồng nhân dân TP.HCM phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức, câu chuyện bảo tồn di sản văn hóa đang phải đối mặt với quá trình phát triển đô thị lại tiếp tục được các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa xới lên.

 Di sản lịch sử - văn hóa là ký ức của cộng đồng cần phải được bảo tồn

Nhiều nhận định cho rằng di sản văn hóa đang bị khai thác thiếu đi tính bền vững như một sự đánh đổi nhân danh sự phát triển và lợi ích cộng đồng theo quan niệm kinh tế thực dụng.

Mất đi nhiều “hồn vía”

Theo TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, các di sản đô thị ngoài mục tiêu bảo tồn lịch sử - văn hóa còn hướng đến các mục tiêu khác như: bảo tồn tài nguyên di sản; đào tạo các ngành lịch sử - nghệ thuật; nghiên cứu, giới thiệu và quảng bá các hoạt động, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhóm cộng đồng, du khách, góp phần tạo nên hình ảnh đô thị, quốc gia. “Những năm gần đây TP.HCM đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên sự thay đổi này đã làm mất đi khá nhiều những dấu tích xưa cũ là “hồn vía” Sài Gòn, phá hủy khá nhiều di sản văn hóa thể hiện bản sắc Sài Gòn”, TS Hậu bày tỏ.

Cùng có chung nhận định như vậy, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và Phát triển TP.HCM tâm tư, quá trình đô thị hóa đã làm mất đi nhiều di sản quý. PGS Trân dẫn chứng: “Khu Ba Son bị chuyển mục đích sử dụng sang phát triển dự án bất động sản trong khi nơi đây vốn là kiến trúc công nghiệp có giá trị về nghệ thuật và cả về lịch sử. Cũng như thế, hệ thống đình chùa, miếu mạo của Thủ Thiêm đã phải nhường bước cho xây dựng đô thị. Tại đây có 28 cơ sở văn hóa - tôn giáo tín ngưỡng dân gian, đa số đã bị san bằng”. Theo PGS Trân, các dự án phát triển đô thị đều phải tôn trọng các di tích văn hóa đã được xếp hạng. Việc xếp hạng các di tích đã phần nào làm chậm lại tốc độ xâm hại các di sản văn hóa. Tuy nhiên, có một chênh lệch lớn giữa tốc độ phát triển đô thị với công tác xếp hạng di sản văn hóa, công tác xếp hạng di sản không đón đầu được những tác động của đô thị hóa.

Hiện TP.HCM có 172 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, có 56 di tích quốc gia (gồm 2 di tích khảo cổ học, 30 di tích kiến trúc nghệ thuật và 24 di tích lịch sử), 114 di tích cấp thành phố (66 di tích kiến trúc nghệ thuật và 48 di tích lịch sử). Trong tổng số 172 di tích đã xếp hạng, có 72 di tích là cơ sở tín ngưỡng; 35 di tích là cơ sở tôn giáo - Phật giáo; 41 di tích là trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội; 24 di tích là công trình, địa điểm thuộc quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất của tư nhân. Đến nay, TP.HCM chưa ban hành Quy định phân cấp quản lý di tích và danh lam thắng cảnh, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Cần nhìn nhận là một “đô thị di sản”

Theo ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích TP.HCM, thực tế cho thấy công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn TP còn gặp nhiều khó khăn và bất hợp lý, nhất là các công trình, địa điểm gắn với kiến trúc đô thị, khảo cổ học. Do quá trình đô thị hóa, áp lực về kinh tế… dẫn đến các công trình kiến trúc cũ bị phá bỏ nhường chỗ cho công trình cao ốc mới, không gian di sản bị phá vỡ, các địa điểm khảo cổ chưa được nghiên cứu sâu.

TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM thẳng thắn bày tỏ quan điểm, khi mà nhà quản lý vẫn luôn chăm chăm vào việc đơn vị này thu bao nhiêu, đơn vị kia nộp ngân sách thế nào, khi mà trong cơn lốc đô thị hóa, bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, di sản văn hóa đang bị khai thác thiếu đi tính bền vững như một sự đánh đổi hoặc hy sinh nhân danh sự phát triển và lợi ích cộng đồng theo quan niệm kinh tế thực dụng thì sự “chông chênh” của di sản là tất yếu. Người ta cũng dễ dàng đánh đồng hiệu quả hoạt động kinh tế với hiệu quả xã hội bằng việc so sánh hiệu quả kinh doanh giữa một hệ thống nhà hàng, khách sạn hơn là đánh giá về hiệu quả của việc xây dựng một truyền thống, một bản sắc văn hóa mà phải mất vài thập kỷ mới vun trồng được từ hoạt động di sản.

Các chuyên gia cho rằng, Sài Gòn - TP.HCM cần được nhìn nhận như một “đô thị di sản” vì có hệ thống công trình kiến trúc có giá trị nhiều mặt. Tính hệ thống và toàn diện là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng chiến lược bảo tồn di sản đô thị. Việc nhận dạng giá trị của các loại hình di sản đô thị sẽ cung cấp luận cứ cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị, hướng đến xây dựng đô thị hiện đại có một không gian sống với chiều sâu ký ức của nó. Bảo vệ di sản văn hóa là để con người sống tốt hơn cho hôm nay chứ không chỉ là bảo vệ một ý niệm nào đó của quá khứ dù đẹp đến đâu. Di sản văn hóa là một nguồn vốn xã hội cho sự phát triển bền vững. 

 TÙNG THƯ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top