Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Chuyến “chu du” của cổ vật Việt trên đất Nga

Thứ Tư 12/06/2019 | 09:21 GMT+7

VHO- “Chưa từng có cuộc trưng bày cổ vật Việt Nam nào có quy mô lớn như vậy ở nước ngoài. Để có được cuộc “du ngoạn” ấn tượng của 300 hiện vật cổ, “sứ giả” của nền văn hóa, lịch sử Việt Nam tại một địa chỉ đỏ về văn hóa, du lịch của thế giới là Bảo tàng Hermitage (TP. Saint Petersburg, Liên bang Nga), các chuyên gia Nga - Việt đã có sự đầu tư kỳ công chưa từng thấy...”.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm trong chuyến thăm và làm việc tại Liên bang Nga vừa qua

TS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chia sẻ về hành trình chu du đáng nhớ của hàng trăm cổ vật Việt trên nước bạn.

Cổ vật đi chuyên cơ đặc biệt

Để chuẩn bị cho trưng bày “Báu vật sông Hồng - Sưu tập Khảo cổ học từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam” tại Bảo tàng Quốc gia Hermitage, các chuyên gia Nga đã nhiều lần sang Việt Nam để cùng lựa chọn kỹ càng từng hiện vật. Ông Cường cho biết, đưa những cổ vật có giá trị đặc biệt ra nước ngoài là một hành trình đòi hỏi sự kỳ công, khoa học và kỹ lưỡng. Có những hiện vật đặc biệt không chỉ về giá trị mà còn đặc thù về kích cỡ, chất liệu như chiếc mộ thuyền. “Vận chuyển hiện vật này khá phức tạp. Mộ thuyền có niên đại hơn 2000 năm, kết cấu kém nên yêu cầu cao về kỹ thuật để có thể giữ gìn nguyên vẹn. Khó khăn nhưng các chuyên gia Nga vẫn quyết tâm tìm mọi cách đưa chiếc mộ thuyền này đến với cuộc trưng bày. Cuối cùng, phương án được lựa chọn là đưa cổ vật đi chuyên cơ đặc biệt, ông Cường cho biết.

Những di sản văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, với nhiều sưu tập hiện vật quý hiếm hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và các bảo tàng trong cả nước chính là hình ảnh đại diện để giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hoá và hình ảnh của Việt Nam ra thế giới. Mong muốn này chính là ý tưởng để Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Quốc gia Hermitage phối hợp tổ chức trưng bày. Lần đầu tiên Việt Nam giới thiệu 299 hiện vật thuộc các nền văn hoá Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai, Óc Eo từ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Hải Phòng đến với công chúng Nga, tại Bảo tàng Hermitage, một địa chỉ đỏ thu hút đông đảo du khách khi đến với thành phố xinh đẹp Saint Petersburg.

Trong thời gian trưng bày hơn 4 tháng, từ trung tuần tháng 5 đến 22.9.2019, sự hiện diện của gần 300 hiện vật được xem như một niềm hãnh diện của văn hóa Việt tại một không gian văn hóa sang trọng, cách xa hàng ngàn cây số. Bảo tàng Quốc gia Hermitage là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới, có trên 60.000 trong tổng số 3.000.000 hiện vật được trưng bày trong hơn 1.000 phòng trưng bày. Bên cạnh một số lượng lớn các cổ vật, Bảo tàng Quốc gia Hermitage còn sở hữu một bộ sưu tập hội họa giá trị bậc nhất thế giới.

Truyền thông Nga bất ngờ

Cuộc “chu du” của những báu vật sông Hồng đã không chỉ mang đến cơ hội hiếm có cho người dân St.Petersburg mà còn đông đảo du khách quốc tế đến Bảo tàng Hermitage . Những giá trị văn hóa và lịch sử của triển lãm được đích thân Giám đốc Bảo tàng quốc gia Hermitage Mikhail Piotrovsky cùng Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam Nguyễn Văn Cường viết lời giới thiệu. Ông Mikhail Piotrovsky viết: “Với triển lãm cổ vật sông Hồng, người xem tại St.Petersburg có dịp hiếm hoi được tận mắt nhìn vào “chiều sâu” quá khứ của đất nước Việt Nam, được chứng kiến kinh nghiệm hàng nghìn năm của người dân Việt Nam trong khai phá và chinh phục thiên nhiên của những đồng bằng lưu vực sông rộng lớn, trong việc hình thành các nghề sản xuất và nghệ thuật cao”.

“Công chúng và báo chí Nga rất háo hức với triển lãm. Không gian sáng đẹp, được chăm chút kỹ lưỡng nhằm làm nổi bật giá trị đặc trưng của từng hiện vật càng tăng thêm sức thu hút của sự kiện văn hóa này. Bên cạnh đó, cuốn sách giới thiệu về trưng bày cũng được thực hiện rất công phu ”, ông Nguyễn Văn Cường chia sẻ. Ông Mikhail Piotrovsky mô tả: “Dù không nghe được tiếng trống, song chúng ta có thể hình dung ra âm điệu hào hùng vang xa trên những dòng sông và cánh rừng già, báo hiệu cơn mưa rừng hoặc gọi mời tham dự một tập tục”.

Còn báo chí St.Petersburg thì mô tả: “Ba nền văn hóa trên là nền móng ra đời tổ chức nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đó là nhà nước Văn Lang, tồn tại đến năm 257 trước Công nguyên. Tiếp sau nhà nước Văn lang là nhà nước Âu Lạc có thủ đô là thành Cổ Loa chỉ cách thủ đô Hà Nội ngày nay 15km. Chiếc trống đồng Đông Sơn là biểu tượng của quyền lực song lại được trang trí hoa văn thể hiện cuộc sống đời thường của người dân, các tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt cổ”.

Báo chí Nga cũng gọi Việt Nam là nền văn hóa kỳ lạ, đồng thời ghi nhận sự đóng góp của các chuyên gia Liên Xô trước kia và chuyên gia Nga ngày nay, vẫn đang tiếp tục khám phá những nét độc đáo của nền văn hóa sông Hồng. Đặc biệt, phía Nga đánh giá cao ý thức bảo tồn lịch sử, bảo tồn di sản của Việt Nam với nhiều luật bảo vệ di sản văn hóa, bảo tồn các di tích khảo cổ, xây dựng các bảo tàng mới. 

  Thật vinh dự và vui mừng khi gần 300 hiện vật văn hóa cổ Việt Nam lần đầu tiên được trưng bày cùng các tuyệt tác nghệ thuật hàng đầu của nước Nga và thế giới tại Bảo tàng quốc gia Hermitage, St.Petersburg, Liên bang Nga. Đây là cơ hội để công chúng Nga và bạn bè quốc tế hiểu hơn về kho tàng di sản văn hóa đa dạng, phong phú của Việt Nam, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Nga anh em.

(Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc)

 

 NGÂN ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top