Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Thảo luận về dự án Luật Thư viện: Cần xem xét mức độ đầu tư cho hoạt động thư viện

Thứ Tư 12/06/2019 | 09:13 GMT+7

VHO- Góp ý với dự án Luật Thư viện, hầu hết ý kiến của các đại biểu đều đồng ý với sự cần thiết phải ban hành Luật trong buổi thảo luận vào chiều qua 11.6 của Quốc hội. Nhiều ý kiến cho rằng Luật Thư viện ra đời sẽ góp phần phát triển văn hóa đọc, giúp người dân nâng cao hưởng thụ về Văn hóa, thúc đẩy sự phát triển nói chung của đất nước. 

 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tiếp thu, giải trình và làm rõ một số vấn đề mà đại biểu nêu 

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, đã có 26 đại biểu đăng ký phát biểu ý kiến đóng góp cho dự án Luật Thư viện. Là người đầu tiên góp ý với dự án Luật, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) cho rằng khi Luật được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý, phát triển sự nghiệp thư viện, phát triển văn hóa đọc, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia và thiết lập cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện. 
Nếu không quy định cụ thể về đầu tư sẽ không giải quyết được các hạn chế 
Đại biểu Hảo cũng góp ý cụ thể cho dự án Luật, như về chính sách đầu tư cho hoạt động thư viện, dự thảo cần quy định rõ Nhà nước cần đầu tư để phát triển thư viện, trong đó tập trung phát triển mạng lưới thư viện công lập; tăng cường dịch vụ lưu động; luân chuyển vốn tài liệu đến địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật; hiện đại hoá phát triển thư viện số, tài liệu mở, cơ sở dữ liệu, vốn, tài liệu dùng chung; thúc đẩy việc liên thông giữa các thư viện trong nước và quốc tế; đầu tư tập trung cho một số thư viện trung tâm có vai trò quan trọng; sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quí hiếm, các bộ sưu tập có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực thư viện. 

“Do hoạt động Thư viện là hoạt động công ích, vì cộng đồng, không vì lợi nhuận, chủ yếu do Nhà nước thực hiện. Vì thế nếu không có quy định cụ thể về đầu tư theo chính sách đầu tư công sẽ không giải quyết được các hạn chế, bất cập trong thực tiễn, không khuyến khích được sự đầu tư của cộng đồng, khó triển khai xã hội hóa hoạt động thư viện. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội học tập và phục vụ việc học tập suốt đời của người dân, các nội dung quy định Nhà nước đầu tư cần được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhằm đảm bảo hệ thống thư viện thực hiện chức năng công ích và làm nền tảng để phát triển thư viện”, đại biểu Hảo nói. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và các đại biểu Quốc hội

Cùng chung quan điểm Nhà nước phải có chính sách đầu tư cho sự nghiệp phát triển thư viện, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) lại lấy câu chuyện đầy thuyết phục về văn hóa đọc của người Nhật để nêu lên vai trò cần thiết của thư viện. Đại biểu Hoa cũng cho rằng Nhà nước phải có chính sách về phát triển thư viện gắn với văn hóa đọc và sự phát triển chung của đất nước, giống như mô hình ở nhiều nước phát triển. Ngoài ra cũng cần phải xem xét các mức độ đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động thư viện, có chính sách ưu tiên, miễn thuế đối với một số hoạt động thư viện, khuyến khích xã hội hoá hoạt động thư viện. “Quan điểm về chính sách đầu tư cho các hoạt động thư viện phải xuyên suốt, toàn diện”, đại biểu Hoa nói. 

 Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) góp ý cho dự án Luật Thư viện 

Ở vùng sâu, vùng xa cần quan tâm đầu tư phát triển hệ thống thư viện 
Đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) cũng cho biết, ông nhất trí cao với sự cần thiết phải ban hành Luật Thư viện, thay thế cho Pháp lệnh Thư viện. “Với những tiến bộ của công nghệ số, internet, một số loại thư viện mới với rất nhiều ưu điểm đã xuất hiện như là thư viện số, cho phép người sử dụng tìm kiếm và khai thác cách đọc sách thông qua vi tính, các thiết bị điện tử trên không gian mạng. Người sử dụng có thể tiếp cận thư viện ở bất cứ đâu trên thế giới và bất cứ khi nào thay vì phải trực tiếp đến thư viện tra cứu, tìm nguồn sách để đọc. Vì thế số người tiếp cận thư viện điện tử ngày càng nhiều hơn so với khả năng phục vụ của thư viện truyền thống. 
Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra ở các thành phố lớn, các khu đô thị. Tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em, rất thiếu sách, cần sách để đọc. Do vậy, song song với việc đầu tư cho thư viện số, đối với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, đề nghị Nhà nước, xã hội cần quan tâm đầu tư phát triển hệ thống thư viện theo phương thức truyền thống, đồng thời có chính sách để bổ sung nguồn sách cho thư viện để triển khai hoạt động lưu động, lưu trữ sách, đưa sách đến cho người dân để phù hợp với đặc điểm của địa bàn”. Đại biểu Đức cũng đề nghị rà soát các chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện, quy định tại Điều 4 dự thảo Luật, nhất là chính sách đầu tư phát triển mạng lưới thư viện… 

Ngoài ra, một số đại biểu cũng có nhiều đóng góp cụ thể để hoàn thiện dự án Luật. Chẳng hạn như với loại hình Thư viện cộng đồng, cần phải có quy định rõ trong luật, nếu không loại hình thư viện này sẽ khó được duy trì cũng như sẽ không khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng trong việc thành lập và duy trì hoạt động. Cùng với thư viện cấp xã, thư viện cộng đồng phục vụ cho người dân nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cho nhân dân. Vì vậy cần phải có những quy định cụ thể cho loại hình thư viện này. Các đại biểu cũng góp ý về việc xây dựng thư viện số trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, các quy định liên quan đến thư viện trường học… 
Cảm ơn các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội. Bộ trưởng cũng đã giải trình cụ thể ý kiến của các đại biểu Quốc hội về một số quy định liên quan đến chính sách đầu tư của Nhà nước về phát triển thư viện; việc phân loại thư viện; xếp hạng thư viện… Sau phiên họp này, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban VH, GD, TN, TN&NĐ cùng các Uỷ ban khác của Quốc hội, các Bộ, ban, ngành, cơ quan có liên quan để khẩn trương hoàn thiện dự thảo luật và trình Quốc hội trong kỳ họp tới. 

  Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận ở đoàn về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC. Buổi chiều, Quốc hội cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. 

THU SÂM; Ảnh: TR.HUẤN 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top