Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Xung quanh vụ nữ sinh lớp 9 bị lột đồ, bạo hành ngay tại lớp: Nghị định 80 bị “treo” ở Hưng Yên?

Thứ Hai 01/04/2019 | 09:41 GMT+7

VHO- Câu hỏi trên của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khiến cho những ai quan tâm vụ việc này không khỏi giật mình bởi Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, đã ban hành cách đây gần 2 năm nhưng dường như chưa về đến địa phương, trường học, giáo viên…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đến thăm, động viên em Nguyễn Thị Hải Y đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh Hưng Yên Ảnh: MINH THƯ

Sáng qua 31.3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên về vụ việc một nhóm học sinh đánh bạn gây phẫn nộ trong dư luận. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin ông đã trực tiếp gọi điện cho Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên và chỉ đạo đơn vị chức năng của Bộ có văn bản yêu cầu địa phương kiểm tra, xử lý kịp thời. “Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, đau lòng, ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội, vì thế phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc”, ông Nhạ nói.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, qua sự việc cho thấy hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm chưa ý thức hết chức trách, nhiệm vụ được giao; chưa chủ động nắm bắt tình hình, chưa sát sao với học sinh và các hoạt động của nhà trường. Lãnh đạo nhà trường đã buông lỏng quản lý, khi sự việc xảy ra chỉ nghe báo cáo, không có những giải pháp xử lý triệt để, kịp thời.

Về việc xử lý của Hội đồng kỷ luật nhà trường sau khi sự việc xảy ra, Bộ trưởng cho rằng, Hội đồng xử lý chưa thỏa đáng, có phần du di, xuê xoa, không đủ sức răn đe. Bộ trưởng nhấn mạnh, bạo lực học đường đang có những diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 80 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, qua thực tế cần xem xét việc quán triệt các văn bản này đã đến địa phương, đến giáo viên chưa; các cấp quản lý ở huyện, ở xã đã vào cuộc chưa, đã kiểm tra giám sát chưa?

“Tôi đề nghị, Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu không hoàn thành nhiệm vụ thì xem xét cho thôi. Đây là bài học không chỉ cho ngành giáo dục Hưng Yên mà là bài học chung cho cả nước”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ. Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên điều tra làm rõ sự việc, xử lý nghiêm sai phạm, sớm ổn định tình hình để các thầy cô chuyên tâm dạy dỗ, chăm lo cho học sinh. Bộ trưởng đề nghị chính quyền địa phương, các thầy cô giáo quan tâm, thăm hỏi, động viên hỗ trợ tối đa để em Y sớm ổn định tâm lý, sớm trở lại học tập bình thường.

 Hiệu trưởng trường THCS Phù Ủng Nhữ Mạnh Phong giải trình về việc nữ sinh bị lột quần áo, bạo hành ngay tại lớp

Cũng tại buổi làm việc với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng đã đề nghị xem xét cách chức Ban Giám hiệu Trường THCS Phù Ủng. Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên thừa nhận, “đây là sự việc rất đau lòng, làm ảnh hưởng không những là danh dự, uy tín ngành giáo dục, của thầy giáo cô giáo mà còn nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của huyện, của xã”. Ông Phóng thông tin thêm, sau khi nắm được thông tin sự việc, tỉnh đã có chỉ đạo quyết liệt để xử lý. Kết quả, về mặt hành chính, huyện Ân Thi đã tạm dừng điều hành đối với hiệu trưởng nhà trường và giáo viên Chủ nhiệm không làm chủ nhiệm nữa. Ngành Giáo dục cũng đã phối hợp với chủ tịch huyện Ân Thi triển khai ngay các biện pháp đồng bộ và hiệu quả để sớm ổn định tình hình dạy và học. Công an tỉnh tăng cường lực lượng chuyên môn nghiệp vụ giỏi điều tra làm rõ vụ việc này với tinh thần kết luận sớm nhất sai phạm của tập thể, cá nhân, Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, học sinh.

 Đối với Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu Trường THCS Phù Ủng đề nghị xem xét làm quy trình xử lý cách chức, cách chức cả Chi ủy nhà trường, cách chức Tổng phụ trách đội, xem xét kỷ luật Hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ. Xem xét trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm ở hình thức nặng hơn nữa vì không nắm được tâm tư nguyện vọng, tình cảm diễn biến của học sinh.

(Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng)



Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo: “Đối với Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu Trường THCS Phù Ủng đề nghị xem xét làm quy trình xử lý cách chức, cách chức cả Chi ủy nhà trường, cách chức Tổng phụ trách đội, xem xét kỷ luật Hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ. Xem xét trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm ở hình thức nặng hơn nữa vì không nắm được tâm tư nguyện vọng, tình cảm diễn biến của học sinh”.

Về các học sinh đánh bạn, ông Phóng yêu cầu xem xét hạnh kiểm của những học sinh này và cả những cháu chứng kiến việc bạo hành mà không can ngăn, bênh vực. “Sau vụ việc này, nếu có các vụ việc bạo lực học đường xảy ra trên địa bàn tỉnh Hưng Yên sẽ xử lý tương tự như vậy”, ông Phóng nói. Ngoài ra, yêu cầu Sở Y tế, Sở LĐ,TB&XH các Sở, ngành liên quan thăm hỏi, động viên học sinh và động viên cháu điều trị, yêu cầu bác sĩ tốt nhất để chăm sóc làm sao cháu sớm hồi phục để cháu được đi học bình thường, sớm hòa nhập với nhà trường và xã hội, khắc phục những sang chấn, những ảnh hưởng tâm lý. Toàn bộ kinh phí điều trị giao cho Sở LĐ,TB&XH chu cấp. 

 Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 80 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, qua thực tế cần xem xét việc quán triệt các văn bản này đã đến địa phương, đến giáo viên chưa; các cấp quản lý ở huyện, ở xã đã vào cuộc chưa, đã kiểm tra giám sát chưa?

 

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH): Xử lý nội bộ chính là bao che, bệnh thành tích

Sự việc bạo lực học đường đối với em học sinh lớp 9 tại huyện Ân Thi (Hưng Yên) cho thấy nổi lên nhiều vấn đề lớn. Đó là kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực học đường của giáo viên và học sinh còn yếu. Công tác tham vấn tâm lý học đường chậm được triển khai và thiếu các giải pháp hiệu quả. Chính vì vậy không phát hiện được những vấn đề trong mối quan hệ giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với giáo viên. Sự lệch chuẩn và xuống cấp đạo đức nghiêm trọng của học sinh ở trong trường.

Vụ bạo lực này không khác gì với kết quả nghiên cứu của Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) cũng như các tổ chức khác: Đối tượng bị bạo lực thường là đối tượng dễ bị tổn thương, chẳng hạn như như nữ sinh lớp 9 tại Ân Thi có tính cách nhút nhát, hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn. Các đối tượng thường dễ bị bắt nạt, dễ bị bạo lực trường học vì không có sự phản kháng nên bị kỳ thị. Hơn nữa, thái độ đấu tranh và làm ngơ, quay video, đánh hội đồng, thậm chí là lột cả quần áo của bạn cũng đáng báo động vì trong những học sinh chứng kiến, số đông ủng hộ và không có ý kiến gì hoặc thích thú đưa lên mạng.

Qua thông tin báo chí, nữ sinh lớp 9 đã bị bạo hành trong một thời gian dài, khi bị phát hiện thì giáo viên chủ nhiệm và lãnh đạo nhà trường có ý che giấu, muốn giải quyết nội bộ là thể hiện căn bệnh thành tích. Đây không phải là điển hình mà có rất nhiều vụ việc Cục Trẻ em nghiên cứu và theo dõi cho thấy xu hướng giáo viên chủ nhiệm muốn che giấu bao biện, còn cơ sở, đơn vị, trường học thì muốn tự xử lý nội bộ. Nhưng tôi muốn có một lời cảnh báo rằng, tất cả những vụ việc xâm hại trẻ em và bạo lực trong trường học thì đều không thể xử lý nội bộ được. Tại sao ở trong trường có tổ chức Đoàn, Đội mà không ai lên tiếng, Ban giám hiệu nhà trường cũng không biết cho thấy mạng lưới hoạt động là có vấn đề và mỗi bên thì chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình. QUỲNH HOA (ghi)  

 

Cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can

Trao đổi với Văn Hóa dưới góc độ pháp luật, Luật sư Lê Văn Thiệp – Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu cho rằng, đối với 5 học sinh đánh em H.Y, cần phải cho vào trường giáo dưỡng để giáo dục. Theo Điều 96 – Bộ luật Hình sự thì Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 1 năm đến 2 năm đối với người dưới 18 tuổi có hành vi vi phạm pháp luật, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm đó, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ. Xét hành vi của 5 học sinh này đều có tính chất nghiêm trọng nên việc phải giáo dục trong một ngôi trường đặc biệt là cần thiết.

Luật sư Trần Đình Triển – Trưởng Văn phòng Luật sư Vì dân khẩn thiết đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên cần vào cuộc ngay. Theo luật sư Triển, đã đủ căn cứ để khởi tố vụ án về tội cố ý gây thương tích và tội làm nhục người khác.

Luật sư Triển đề nghị phải khởi tố bị can và bắt tạm giam ngay giáo viên chủ nhiệm. Đối với những học sinh có hành vi vi phạm, nếu học sinh nào đã đủ 14 tuổi thì khởi tố bị can về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134. Theo quy định tại Điều 91 Bộ luật hình sự về Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì “người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại một số điều, trong đó có Điều 134. Hành vi của các học sinh này đã phạm vào tội  quy định tại Điều 134, do đó nếu học sinh nào đủ 14 tủ thì cần phải khởi tố bị can.

Phải xử lý nghiêm minh thì mới có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Đừng xử lý theo lối người nhà, vuốt ve, giơ cao đánh khẽ, thì tình trạng bạo hành trong trường học không những không giảm mà càng ngày càng tăng lên – Luật sư Triển nêu quan điểm.

HOÀNG HƯƠNG (ghi)  

 

 QUỐC HÙNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top