Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Nhiều sinh viên có bảng điểm rất tốt nhưng ra trường lại không thể viết báo

Chủ Nhật 17/03/2019 | 21:47 GMT+7

VHO - Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội báo toàn quốc 2019 đã diễn ra diễn đàn “Nhà báo trẻ và đào tạo, bồi dưỡng nhà báo trẻ”. Đây là cơ hội để những nhà báo trẻ có dịp được giao lưu với các thế hệ nhà báo.

Tại buổi tọa đàm này, nhiều câu hỏi về rèn luyện, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của người làm báo đã được các bạn sinh viên đặt ra. Giải đáp thắc mắc này, nhiều đại biểu nhận định, không có nghề nào cần kiến thức cập nhật như nghề báo. Kỹ năng bắt nguồn từ kiến thức, chúng ta phải không ngừng cập nhật kiến thức và áp dụng vào thực tế. Kiến thức tốt, phương pháp tư duy tốt mới có thể có kỹ năng.

 “Với thời đại công nghệ như hiện nay, các nhà báo trẻ có nhiều thế mạnh hơn. Nhà báo trẻ ngày nay có cơ hội được tiếp xúc với sự tiến bộ. Chính vì vậy nhà báo trẻ phải có tư duy mới, phát triển hơn những thế hệ đi trước. Tuy nhiên, tư duy phản biện của nhiều em hiện nay chưa cao, như vậy sẽ rất khó phát triển kỹ năng bản thân”, PGS.TS Nguyễn Văn Dững – nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh

Để khắc phục được hạn chế này, các thầy cô làm công tác đào tạo đã đề xuất nhiều ý kiến. Trong đó nhấn mạnh việc các nhà báo trẻ phải trau dồi khả năng ngoại ngữ. Ngoại ngữ là cánh cửa để đi vào tư duy mới, những nền tri thức mới. Nếu như ngoại ngữ yếu kém, chúng ta rất khó hội nhập được với báo chí thế giới.

“Các nhà báo trẻ muốn tiếp cận thông tin của thế giới đang chuyển động, các bạn phải biết ngoại ngữ, không những biết mà phải giỏi. Chúng ta cần thông thạo không chỉ một mà phải ba đến bốn ngoại ngữ. Điều này không khó, nhưng chúng ta phải kiên trì”, nhà báo quốc tế, TS. Lê Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Đề cập đến vấn đề báo chí trong thời đại công nghệ 4.0, các chuyên gia khẳng định, nhà báo trẻ phải có năng lực tư duy để xây dựng được một nền báo chí kết nối. Mỗi một cơ quan báo chí phải có vai trò làm trung tâm kết nối xã hội. “Nếu công nghệ cao mà chậm tư duy, chúng ta cũng không thể dùng được”, cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững.

Mặt khác, năng lực phân tích, dẫn dắt dư luận cũng chưa được đề cao. Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đưa tin rất nhanh nhưng năng lực phân tích, bình luận chưa tương thích, chưa thuyết phục được công chúng xã hội về những vấn đề nóng. Đặc biệt, những thông tin có lợi cho công chúng luôn phải được đưa lên hàng đầu.

Nhiều ý kiến tại diễn đàn đã phân tích thực trạng mạng xã hội đang chi phối độ tin cậy của thông tin. Mạng xã hội được đánh giá có lợi thế hơn về tốc độ đưa tin, nhưng những thông tin trên báo chí mới là những thông tin trách nhiệm, có độ tin cậy cao. Chính vì vậy, các nhà báo, đặc biệt là những nhà báo trẻ phải có tư duy báo chí thật sắc bén để nhận diện được tin thật và tin giả trên mạng xã hội.

Nói về những khó khăn trong cơ sở vật chất mà một số cơ sở đào tạo báo chí đang gặp phải, diễn đàn nhấn mạnh người học báo phải có năng lực đương đầu với khó khăn và vượt qua thách thức. “Trong trường hợp chúng ta chưa có đủ điều kiện để thực tập nghề, các bạn sinh viên hoàn toàn có thể cộng tác, tìm đến những nhà báo có kinh nghiệm để học hỏi, thậm chí chủ động liên kết với những cơ sở báo chí khác để làm việc. Hiện nay rất nhiều cơ quan báo chí mong muốn sinh viên, những bạn trẻ yêu nghề về cơ quan để tác nghiệp, những phóng viên ở đó rất sẵn sàng hướng dẫn cho những bạn trẻ có đam mê với báo chí”, PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng – Phó trưởng khoa Phát thanh-Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ.

Lưu ý đến công tác đào tạo, các đại biểu đồng tình rằng hiện nay, sinh viên báo chí đang có tư duy hết sức nguy hiểm. Không ít sinh viên khi mới vào nghề cảm thấy mình nhanh nhẹn, làm báo được nên bỏ học, không đi theo sự hướng dẫn của thầy cô. “Một nhà báo chuyên nghiệp phải cập nhật kiến thức liên tục chứ không phải chỉ là viết một vài bài báo”, ý kiến tại diễn đàn nhấn mạnh.

Nhưng bằng kinh nghiệm thực tiễn, nhiều ý kiến cũng khẳng định cũng không nên chỉ chăm chú vào học kiến thức quá nhiều mà quên đi việc áp dụng vào thực tế. Nhiều chuyên gia đã bày tỏ trăn trở về việc nhiều sinh viên có bảng điểm rất tốt nhưng khi ra trường lại không thể làm báo được vì không biết cách áp dụng kiến thức vào thực tế.

Phát biểu tại diễn đàn, nhà báo Hồ Quang lợi khẳng định: “Trong thời đại 4.0, với báo chí, công nghệ chưa phải là vấn đề quan trọng nhất. Chúng ta cần phải tập trung vào nội dung, thông điệp mà báo chí truyền tải trên nền tảng công nghệ. Nội dung là “trái tim” của báo chí, nếu không có “trái tim”, báo chí sẽ trở nên vô hồn, vô cảm, thậm chí trở nên rất nguy hiểm. Công nghệ rất quan trọng nhưng chỉ là phương tiện và càng không thể trở thành linh hồn của báo chí. Chính vì vậy, trong quá trình đào tạo và rèn nghề, tâm thế, đạo đức làm nghề của người làm báo phải rất được quan tâm. Có như vậy mới khẳng định được vai trò của báo chí trong thời đại kỹ thuật số…”.

ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top