Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Nhân ngày Thầy thuốc, nói về Hải thượng Lãn ông

Thứ Ba 26/02/2019 | 08:00 GMT+7

VHO-Trong lịch sử Y học cổ truyền Việt Nam mấy ngàn năm qua, bên cạnh Đại danh y Tuệ Tĩnh với bộ sách “Nam dược thần diệu”, còn có một ngôi sao sáng mà mỗi khi khắc đến tên tuổi của ông, chúng ta không thể nào quên bộ sách thuốc quí giá có một không hai trong kho tàng y học dân tộc: Đó là bậc Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông với bộ sách “Y tông tâm lĩnh”.

Hải thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác, sinh ngày 12 tháng 11 năm Canh Tý 1720. Nguyên quán ở thôn Vân Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), mất ngày rằm tháng giêng năm Tân Hợi 1791 ở quê mẹ xứ Bầu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ra trong một gia đình mấy đời khoa bảng (ông, cha, chú, bác, anh em) đều học giỏi đỗ đạt cao và làm quan to trong triều Vua Lê - Chúa Trịnh. Biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông có nghĩa là Ông già lười ở Hải Thượng có lẽ do 2 chữ đầu tiên của tên tỉnh (Hải Dương) và tên phủ (Thượng Hồng) ghép lại ? nhưng cũng lại có thể do chữ Bầu Thượng là quê mẹ và là nơi ông ở lâu nhất (từ năm 26 tuổi cho đến khi mất). Mặc dầu lấy biệt hiệu Lãn Ông, nhưng thực tế chúng ta sẽ thấy với ông: lười ở đây là lười với công danh, phú quí, nhưng lại rất chăm chỉ, cần mẫn đối với sự nghiệp chữa bệnh, cứu người.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791)

         Hải Thượng Lãn Ông xứng đáng là bậc Danh y Việt Nam vì ông đã hết lòng vì sự nghiệp y học nước nhà. Ông đã biết thừa kế học thuật của những bậc danh y đời trước và nhất là nêu cao tinh thần độc lập sáng tạo, tiếp thu học thuật nước ngoài có phê phán, chọn lọc và phát triển. Ông luôn luôn độc lập, suy nghĩ, vận dụng linh hoạt vào thực tế lâm sàng, đúc rút kinh nghiệm làm sáng tỏ nhiều điều ngờ vực, bổ sung những chỗ người xưa chưa no tới. Qua gần 30 năm nghiên cứu, vừa làm thuốc vừa chữa bệnh, vừa mở lớp truyền dạy nghề y cho các thế hệ học trò, đặc biệt ông đã tổng kết vài đúc rút kinh nghiệm của trung y và y học cổ truyền của dân tộc, biên soạn nên bộ sách thuốc đồ sộ và quí giá là “Hải thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển. Bộ sách thuốc này của ông đã được đánh giá cao trong và ngoài nước, nó đã đánh dấu một bước tiến mới của y học cổ truyền Việt Nam, góp phần xây dựng và phát triển nền y học nước nhà.

Quần thể tượng đài Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh

         Đặc biệt Hải thượng Lãn ông đã luôn “coi nghề y là một nghề cao quý, coi việc bảo vệ sinh mệnh con người là nhiệm vụ hàng đầu”. Vì thế, ông rất thận trọng trong khi thăm bệnh và bốc thuốc cho người bệnh, cho nhân dân. Ông cũng khẳng định nghề liên quan chặt chẽ với đức độ của bản thân và của con cháu lâu dài. Ông nói: “Đạo làm thuốc là một thuật cao quí để giữ gìn mạng sống, cũng là đầu mối lớn lao về đạo đức chân chính” (Y đạo nãi vệ sinh chi phí thuật, thực đức chi đại đoan). Theo ông, qua nghề y, người ta có thể bồi đắp chữ “đức” được cao dầy, nếu người đó thực sự giúp ích nhiều cho người bệnh.

Nhưng nếu người đó lợi dụng nghề y để hữu ý hoặc vô ý làm những điều có hại cho người khác, thì cũng mắc những điểm “thất đức” không nhỏ. Sinh thời ông thường phàn nàn: “than ôi đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán. Như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn, không thể tha thứ được....” Có thể nói: Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề y cứu sống người; cũng có thể nói không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức. Ông thường răn dạy học trò: “Làm thuốc mà không có lòng thương chung (từ) giúp đỡ người khác (tế) làm hằng tâm, không nghiền ngẫm sâu sắc tìm cách cứu sống người mà chỉ chăm chăm kể lợi tính công, lấy của hại người thì còn khác gì bọn giặc cướp”. Theo ông người lương y ngoài việc biết quan tâm đến người khác, còn cần có những tính cách như: đức độ, sáng suốt, thông minh, rộng lượng, thành thật, khiêm tốn, chăm chỉ, chịu khó và nhất là cần phải tránh 8 tội sau đây:

1- Lười: Lẽ ra phải thăm khám cẩn thận rồi mới bốc thuốc, lại ngại đêm hôm mưa gió, vất vả không chịu tự mình đến thăm, cứ cho thuốc qua loa. Đó là tôi Lười biếng.

2- Keo: Thấy bệnh cần dùng thứ thuốc nào đó mới cứu chữa được, song thầy lo người bệnh không đủ sức trang trải mà cho vị rẻ tiền hơn (điều này ảnh hưởng đến hiệu quả chữa bệnh). Đó là tội Keo kiệt.

3-Tham: Thấy bệnh đã có nguy cơ, nhưng thầy không bảo ngay cho gia đình biết sự thật, cứ ỡm ờ đến mãi để làm tiền. Đó là tội tham lam.

4- Dối: Thấy chứng dễ lại nói dối là khó, nhăn mày, thè lưỡi, doạ người ta sợ khiếp vía, để lấy được nhiều tiền. Đó là tội lừa dối?

5- Dốt: Nhân chứng thì lờ mờ, sức học thì nông cạn, thiên lệch, bốc thuốc thì công bổ lộn xộn. Đó là tội dốt nát.

6- Ác: Đó là chứng khó, lẽ ra phải nói thật cho người nhà biết rồi ra sức mà chữa, lại sợ mang tiếng là người không biết chữa, vừa ngại không thành công, không lấy được nhiều tiền, nên không chịu nhận chữa, cứ để mặc người ta chịu chết. Đó là tội bất nhân.

7- Hẹp hòi: Có người thường ngày bất bình với mình. khi có bệnh phải nhờ cậy đến mình, thì mình nảy ý nghĩ trả thù, không chịu hết lòng, ra sức trong lúc chữa bệnh. Đó là tội hẹp hòi.

8- Thất đức: Thấy người mồ côi, goá bụa, gia đình hiền hiếu nhưng mắc cảnh nghèo túng, thấy ngại uổng công (không được bao nhiêu tiền) mà không dốc sức giúp đỡ. Đó là tội Thất đức.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một danh y lớn, là niềm tự hào của dân tộc ta. Tuy sống cách chúng ta gần 3 thế kỷ nhưng tư tưởng và những học thuật & phương pháp tiến bộ của ông trong nghề nghiệp, cũng như thái độ khoa học chân chính và nhất là y đức của ông vẫn là một bài học có tính thời sự nóng hổi và vô cùng quý báu, để chúng ta học tập và noi theo. Nhân dịp kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam năm nay, xin gợi lại đôi điều để chúng ta cùng suy ngẫm.

HỮU GIỚI

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top