Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Nhà thơ mà cũng đi chợ Tết

Thứ Năm 07/02/2019 | 11:48 GMT+7

VHO- Nhà thơ thì đa phần là nghèo, hay buồn nỗi buồn nhân thế, uống rượu với nhau thì “rót đau lòng ấy vào đau lòng này” (Trần Huyền Trân), nên mỗi khi đi chợ Tết, nhà thơ ngẫm sự đời sâu sắc lắm, số phận lắm.

1. Những ngày giáp Tết, người lớn, trẻ con ai cũng háo hức đi chợ Tết. Có khi chẳng mua bán gì cũng đi, chỉ để xem, để ngắm. Xem hoa khoe sắc, xem tranh Tết, xem hàng Tết đủ màu, như cuộc sống đang rét mướt bỗng bừng lên náo nức. Phiên chợ cuối năm ở đâu cũng đông như hội. Người giàu đi chợ Tết để mua sắm khoe giàu, người nghèo đi chợ Tết để khoe lòng hiếu thảo với ông bà tiên tổ. Trẻ con theo mẹ đi chợ Tết, được mẹ mua cho con gà đất, cây kèn, hoặc xâu pháo tép là mừng rơn, để rồi nhớ mãi trong đời.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm hồi đánh Mỹ, ngày Tết ở rừng già A Lưới, vẫn nhớ về phiên chợ Tết Huế của tuổi thơ xưa: Con gà đất bảy màu/ Sống bằng hơi con trẻ/Hùng dũng gọi mùa xuân/Mặt trời vàng long lanh trên chợ Gia Lạc . Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng nhớ chú gà đất tuổi thơ ấy: Tôi mua gà đất tuổi thơ tôi/Gà đất bây chừ nằm trong đất.

Khi lớn lên, dù cuộc sống nhiều chuyện buồn, nhưng mùa xuân nào nhà thơ cũng đi chợ Tết... Vậy nhà thơ đi chợ Tết mua những gì? Họ chẳng mua bán gì cả, chỉ “đi chợ ngó” thôi, nhưng đã để lại cho đời những bài thơ sống mãi với thời gian. Nếu không có chuyến đi chợ Tết của Đoàn Văn Cừ thì lớp trẻ bây giờ làm sao biết được bức tranh Chợ Tết làng quê bên sông Vị 60 năm trước rực rỡ, đầy sức sống mà “ngộ nghĩnh tươi vui” (chữ Hoài Thanh) như thế nào:

Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ.

Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán.

Một thầy khóa gò lưng trên tấm phản,

Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân

Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,

Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ...

Nếu không có bài thơ Chợ Đồng của Nguyễn Khuyến, làm sao ta biết được có một phiên chợ Tết họp ba ngày liền ở giữa đồng, có tục nếm rượu Tường đền làng Vi Hạ, huyện Bình Lục thế kỷ XIX: Dở giời mưa bụi còn hơi rét/Nếm rượu Tường đền được mấy ông?

2. Theo dấu ấn các bài thơ, mới hay các nhà thơ hiện đại Việt Nam cũng thích đi chợ Tết lắm. Và sau những phiên chợ ấy, họ có những bài thơ rất say, rất đời không kém gì cha ông xưa! Hồ Dzếnh Rủ em đi chợ Đồng Xuân để nhớ lại một thời yêu: Đồng Xuân này lối năm xưa/Anh chưa lấy vợ, em chưa lấy chồng... Ngô Minh Đi Chợ Buôn Ma phố núi, nhận ra phố chợ thân thuộc vô cùng: Chợ Buôn Ma đơm tràn ra phố / Trái chín rau thơm nắng măng vàng/ Khô nai thơm dậy mùi bè bạn / Mắt ướt ai nhìn níu bước chân... Đào Hanh thì đi Chợ tình: Mỗi năm có một lần thôi / Chợ Khâu Vai họp cho người gặp nhau / Có mua ,có bán gì đâu / Đến Khâu Vai để nhớ câu hẹn mà...

Một lần đi chợ Tết là một lần các nhà thơ phát hiện ra chính mình. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đi chợ Tết, mua được “ tuổi ”, đó là thứ vô cùng quý giá: Người ta mua rượu mua hoa/Tôi đi mua tuổi làm quà tặng tôi. Còn nhà thơ Vĩnh Nguyên thì “Em đưa anh đi chợ Đầm”, Trần Quốc Toàn thì đi “Chợ bông Sa Đéc”. Nhà thơ Hải Bằng lúc sinh thời có lần được đi chợ hoa Ngọc Hà, chiều Ba mươi Tết, để rồi nhớ mãi Cô hàng hoa: Chiều Ba mươi Tết cô hàng hoa /Gánh cả mùa trăng vườn Ngọc Hà. Còn Nguyễn Mạnh Hiếu thì đi Chợ Viềng tìm em, Nguyễn Hữu Hà đi Chợ quất chiều cuối năm để nhận ra Với quất chiều nay ta chín muộn, v.v... Đúng là trăm chợ, trăm món hàng Tết đắt rẻ, nhưng nhà thơ lại... “Bán thứ không ai mua, mua những thứ không ai bán/Mải tìm người không biết chợ đã tan !” (Chợ phiên năm ấy - Vũ Duy Thông). Nhà thơ nó “ ải ải” ( tiếng Nghệ của Đào Phương) như thế, nên Hàn Mặc Tử mới gọi là “loài thi sĩ”, đó là “loài “ được tạo hóa sinh ra để kết nối giữa Thượng Đế với Con Người!

3. Nhà thơ thì đa phần là nghèo , hay buồn nỗi buồn nhân thế, uống rượu với nhau thì “rót đau lòng ấy vào đau lòng này” (Trần Huyền Trân), nên mỗi khi đi chợ Tết, nhà thơ ngẫm sự đời sâu sắc lắm, số phận lắm:

Chợ đời như ớt vốn cay

Như men để ngấm ngất ngây... đổ trời

Đã sa vào chốn chợ đời

Bán mua hết cả kiếp người chưa xong (Chợ Đời - Tô Hoàn)

Bây giờ các nhà thơ bỏ tiền túi ra in thơ, nhà thơ Lê Đình Ty ở Đồng Hới còn thế chấp cả sổ đỏ nhà để vay vốn in thơ, nhưng không bán được. Nhuận bút thơ thì bài dăm ba chục ngàn! Tiền không có, nên đi chợ Tết phải xin mua chịu: Tôi mua ánh mắt nụ cười/Của cô bán quả, của người tỉa bông/Không tiền mua chịu được không?. Đứng giữa chợ Tết Huế, cố nhà thơ Nguyễn Văn Phương (Phương Xích lô) phát hiện ra một tứ thơ lạ: Ngày xưa / Ai ẩn trên rừng? Bây giờ / Ta ẩn dưới vùng bán mua/Khi không/Mượn chợ làm chùa / Mặc ai / Danh lợi hơn thua/ Giữa đời... Ẩn như thế gọi là Đại Ẩn. Nhà thơ Đồng Đức Bốn cũng có những câu thơ về chợ Tết buồn đến nao lòng :

Chợ đời bán nhớ cho quên

Bán mưa cho nắng bán đêm cho ngày

Chợ buồn bán tỉnh cho say

Bán thương suốt một đời này cho yêu...

Trở lên là các nhà thơ nam đi chợ Tết. Tưởng các nhà thơ nữ “tay hòm chìa khóa” gia đình, đi chợ Tết sẽ thực tế hơn, nhưng không, họ cũng tang bồng lắm: Nghĩ thương cái phận mình chi lạ/Chẳng giàu tiền bạc chỉ giàu thơ /Túi xách nhẹ tênh lòng nặng trĩu/Chưa mua được gì nắng đã trưa (Đi chợ Tết - Phạm Dạ Thủy) . Còn nhà thơ Bảo Chân thì “ Chợ chiều nghiêng xuống bóng em / Mùa đông bày bán một thềm lá rơi...”. Nhà thơ thật giàu cảm xúc và tưởng tượng mà cũng thật buồn lắm thay.

Thơ viết về chợ Tết rất nhiều và rất đắc địa, nếu chịu khó sưu tầm, tập hợp chắc chắn sẽ được một tuyển thơ thú vị, có khi sẽ trở thành một món hàng Tết hấp dẫn!

Cố nhà thơ NGÔ MINH 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top