Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Lan tỏa tinh  thần chiến thắng

Thứ Năm 31/01/2019 | 10:22 GMT+7

VHO-“2018 là năm để lại nhiều dấu ấn thật đặc biệt. Đầu năm là hình ảnh của những chiến binh U23 Việt Nam thi đấu với tinh thần quả cảm dưới làn mưa tuyết trắng ở Thường Châu, Trung Quốc; cuối năm là chiếc Cúp vàng AFF Cup sau 10 năm chờ đợi”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã mở đầu cuộc trò chuyện với Báo Văn Hoá nhân dịp đầu Xuân Kỷ Hợi 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và các đại biểu tại Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam vì sự phát triển bền vững Ảnh: TR.HUẤN

Thăng hoa xúc cảm ngọt ngào

“Có thể nói 365 ngày của năm 2018 đã ghi lại nhiều dấu ấn ngọt ngào với nguồn cảm xúc thăng hoa, bắt đầu từ phút giây lịch sử khi những chiến binh U23 Việt Nam thi đấu với tinh thần đầy quả cảm dưới làn mưa tuyết trắng ở Thường Châu, Trung Quốc tới hình ảnh dòng người nối nhau dài bất tận, cờ đỏ sao vàng rợp trời từ Bắc tới Nam… Chẳng có ngôn từ nào diễn tả được trọn vẹn niềm hạnh phúc của cả một dân tộc trong những thời khắc đó”, Bộ trưởng tâm sự.

Từ phát súng hoàn hảo của Hoàng Xuân Vinh tại đấu trường Olympic 2016, Thể thao Việt Nam tiếp tục có thêm nhiều chiến công trong năm 2018. Lần đầu tiên chúng ta đoạt ngôi vị á quân tại Giải U23 châu Á, vị trí thứ tư tại Asian Games và gần đây nhất là chiếc Cúp vàng AFF lịch sử sau 10 năm chờ đợi.

“Trước đây tại các kỳ đại hội thể thao khu vực và châu lục, các vận động viên Việt Nam cũng đã giành nhiều huy chương vàng, huy chương bạc nhưng phần lớn đến từ nhóm các môn võ. Vài năm trở lại đây, chúng ta “mang chuông đi đánh xứ người” không chỉ bằng các môn thế mạnh truyền thống mà còn bằng các môn thuộc nhóm môn Olympic như Bắn súng, Điền kinh, Bơi lội, Thể dục dụng cụ. Chúng ta mạnh dạn thay đổi tư duy, thay đổi cách làm và bước đầu đã đạt được những kết quả thật đáng khích lệ”, Bộ trưởng nói.

“Tại Asian Games 18, lần đầu tiên Việt Nam đoạt HCV ở các môn Olympic là Điền kinh, Rowing và cũng là lần đầu tiên Bơi Việt Nam đoạt HCB tại đấu trường lớn nhất châu lục. Trước đó tại SEA Games 29 là HCV đầu tiên cho bóng bàn nam, Việt Nam lật đổ Singapore sau hơn 20 năm. Còn gì hãnh diện hơn khi lần đầu tiên các nước trong khu vực đã phải thừa nhận sức mạnh của đoàn thể thao Việt Nam ở những nội dung Olympic? Cũng là “vàng”, “bạc” đấy nhưng chất đã đổi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, bản hòa ca chiến thắng của thể thao trong năm vừa qua không chỉ ở tầm cao mà còn ở bề sâu, diện rộng với sự góp mặt của đoàn thể thao người khuyết tật, bóng đá bãi biển, futsal… Đặc biệt là phong trào thể dục thể thao quần chúng được tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng.

Một năm thăng hoa của Thể thao cũng là một năm “gặt hái” thành công của ngành Du lịch. Năm 2018, ngành Du lịch đã đón khoảng 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 19,9% so với năm 2017, trong đó có 12,5 triệu lượt khách đến Việt Nam bằng đường hàng không, tăng 14,4% so với năm 2017. Con số khách quốc tế đạt được năm 2018 nhiều hơn 5 triệu lượt so với mục tiêu đến năm 2020 trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Năm 2018, Du lịch Việt Nam phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 38,6 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỉ đồng, tăng 21,4% so với năm 2017.

“Những con số tưởng chừng khô khan nhưng đó là những con số biết nói, cho thấy sự nỗ lực của cả ngành Du lịch trong một năm có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức”, Bộ trưởng nói.

Năm 2018 cũng là năm mà xúc cảm chiến thắng trở nên trọn vẹn khi bức tranh nền văn hóa đất nước và công tác gia đình được tô lên những mảng màu tươi sáng. Nối dài danh sách di sản văn hóa Việt Nam được thế giới gọi tên là Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO vinh danh là Công viên địa chất toàn cầu, Hoàng Hoa sứ trình đồ được ghi danh vào danh sách di sản tư liệu của Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực châu Á- Thái Bình Dương của UNESCO… Năm 2018, lần đầu tiên nhan sắc Việt Nam được thăng hạng trên bản đồ sắc đẹp thế giới khi người đẹp của Việt Nam -H’Hen Niê, dân tộc Ê Đê - lọt vào top 5 Miss Universe.

Công tác bảo vệ, phát huy những di sản, tinh hoa văn hóa dân tộc cũng mở rộng thêm cánh cửa nhiều kỳ vọng khi trong năm, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì một hội nghị toàn quốc về di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững và cũng lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị toàn quốc về Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, cùng với đó là các Nghị định để triển khai Phong trào bài bản, hiệu quả, thực chất hơn.

“Trong năm vừa qua chúng ta vui mừng nhận thấy nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, giáo dục đời sống gia đình được thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú và đạt được nhiều kết quả khả quan”, Bộ trưởng nói.

Công tác tổ chức và quản lý lễ hội - “điểm nóng” trong nhiều năm liên tục đã tốn không ít giấy mực của báo chí, dư luận, vài năm trở lại đây đã bắt đầu chuyển biến theo hướng tích cực. “Tôi lấy ví dụ nhỏ thôi, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng chẳng hạn. Lần đầu tiên người dân và du khách đến với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2018 không phải mua vé, với tâm thế đi hội bình an, không còn phải chứng kiến những cảnh xô bồ, phản cảm của một lễ hội dân gian nhưng đầy tính thương mại như những năm trước. Ví dụ nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, có tính phổ quát”, Bộ trưởng khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trao cúp vô địch AFF Cup 2018 cho đội tuyển Việt Nam (tháng 12.2018) Ảnh: TR.HUẤN

Niềm tin cho mỗi chặng đường

Người đứng đầu ngành VHTTDL cho rằng, những thành công trong năm qua đã tiếp thêm niềm tin lớn lao cho những chặng đường kế tiếp. Trong lĩnh vực Thể thao, sự thành công của bóng đá đã giúp cho chúng ta tự tin hơn trên đấu trường quốc tế. Từ vị thế đội bóng “cửa dưới”, bóng đá trẻ Việt Nam đã vươn đến ngôi vị á quân châu lục và đứng đầu khu vực.

Không chỉ có bóng đá, thể thao Việt Nam cũng đã đạt được những thành tích nổi bật trên các đấu trường quốc tế. Trong năm 2018, các vận động viên của chúng ta đã giành được tổng số 917 huy chương gồm 386 huy chương vàng, 296 huy chương bạc, 235 huy chương đồng.

“Điều đáng mừng là không chỉ về số lượng mà có sự chuyển biến về chất lượng. Lần đầu tiên Việt Nam giành được huy chương vàng ở những môn thể thao Olympic là Điền kinh, Rowing; huy chương bạc ở môn bơi lội tại Asian Games 2018 cho thấy việc đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục tuyển chọn, đào tạo vận động viên đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm đã mang lại kết quả. Điều tuyệt vời đã đến khi chỉ một lần nhảy, Bùi Thị Thu Thảo tạo nên lịch sử ở Asian Games 18; cũng không phải ngẫu nhiên “rái cá” sông Gianh – Huy Hoàng đi vào lịch sử bơi Việt Nam và những cô gái mộc mạc, chân chất đã tỏa sáng trên đường đua chèo thuyền… Chúng ta đã vững tin hơn trên bản đồ thể thao thành tích cao của châu lục”, Bộ trưởng nói.

Một nguyên nhân nữa không thể không nhắc đến là thể thao thành tích cao được xây dựng và phát triển vững chắc từ bệ phóng của phong trào thể dục thể thao quần chúng. Ngược lại, chiến thắng trên các mặt trận của thể thao thành tích cao đã kích thích phong trào tập luyện trong các tầng lớp nhân dân.

Năm 2018, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên toàn quốc đạt 32,53%, tăng 1,15% so với năm 2017; số gia đình tập thể thao đạt tỷ lệ 23,75% tổng số hộ, tăng 1,28% so với năm 2017; Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân được tổ chức ở 9.599 xã, phường, thị trấn trên cả nước, thu hút gần 6 triệu người tham gia; chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước ở trẻ em được triển khai rộng khắp cả nước. Nếu năm 2017, tỉ lệ trẻ em toàn quốc biết bơi chiếm dưới 30% thì đến năm 2018, tỉ lệ trẻ em biết bơi tăng lên khoảng 35%, nhiều trường học, xã, phường, tỉ lệ trẻ em biết bơi chiếm 70 đến 90%.

Nhìn sang lĩnh vực Du lịch, chúng ta vững tin với những kết quả đạt được. Đến nay, sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một năm thực hiện Luật Du lịch 2017, du lịch Việt Nam ngày càng có mức tăng trưởng vững chắc và đi vào chiều sâu.

“Chúng ta phải mất sáu năm để tăng gấp đôi lượng khách quốc tế, từ 1 triệu lượt khách năm 1994 lên 2 triệu lượt năm 2000, mức tăng trung bình 167.000 lượt mỗi năm. Chúng ta cũng mất 6 năm để tăng gấp đôi, từ 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2010 lên 10 triệu lượt vào năm 2016 nhưng lại chỉ mất 3 năm để tăng từ 8 triệu lượt năm 2015 lên gần 16 triệu lượt khách quốc tế năm 2018...”, Bộ trưởng điểm lại những con số ấn tượng và khẳng định, Du lịch Việt Nam đang hành trình vững chắc là ngành kinh tế mũi nhọn, có cơ sở hoàn thành mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đặt ra.

Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch tiếp tục phát triển mạnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Chỉ tính riêng năm 2018, có 55 cơ sở lưu trú phân khúc từ 4 – 5 sao được công nhận mới. Hiện số lượng cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước là 28.000 cơ sở với trên 550.000 buồng, tăng hơn 2.400 cơ sở lưu trú so với năm 2017.

Đặc biệt, vượt qua rất nhiều điểm đến danh giá của khu vực châu Á, lần đầu tiên Việt Nam được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới - World Travel Awards bình chọn là Điểm đến du lịch hàng đầu khu vực châu Á. Golf World Travel Awards cũng bình chọn Việt Nam là Điểm đến Golf hàng đầu châu Á. Bên cạnh đó, Du lịch Việt Nam cũng được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp thứ 3 trong top 10 nước có tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới...“Trong những chuyển biến tích cực của ngành Du lịch, sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chính là động lực vô cùng quan trọng. Nhiều đề án lớn về du lịch được phê duyệt, ban hành như Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch; đề án Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; đề án Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch...”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và các đại biểu tại Lễ đón du khách quốc tế thứ 15 triệu tại Hạ Long, Quảng Ninh (tháng 12.2018) Ảnh: TITC

“Văn hóa, Gia đình là một điểm nhấn hết sức đặc biệt trong năm 2018”, Bộ trưởng khẳng định và cho biết: Trong bài viết thông điệp chào năm mới 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm hơn”. Trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng 11 di tích quốc gia đặc biệt (đợt 9) và công nhận 22 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia (đợt 7). Bộ trưởng quyết định xếp hạng 14 di tích quốc gia, đưa 43 di sản văn hoá phi vật thể vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Việt Nam tự hào là đất nước ngàn năm văn vật với hơn 40.000 di tích, 62.355 di sản văn hoá phi vật thể được kiểm kê, 8 di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, 12 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh, 95 di tích quốc gia đặc biệt, 142 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, 3.461 di tích quốc gia...

Lĩnh vực lễ hội với hành lang pháp lý là Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội được Chính phủ ban hành mang đến nhiều kỳ vọng về những thay đổi tích cực. Nhiều lễ hội thu hút sự quan tâm của dư luận đã kịp thời điều chỉnh với hệ thống văn bản chỉ đạo và sự vào cuộc trực tiếp, quyết liệt của cơ quan quản lý, tạo sự chuyển biến tích cực, được dư luận hoan nghênh như lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), lễ hội chùa Hương (Hà Nội), lễ hội đền Sóc (Hà Nội), hội phết Bàn Giản (Vĩnh Phúc)...

Việc xét tặng các danh hiệu văn hoá, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất của Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã được đặt nền tảng với Nghị định Quy định về xét tặng danh hiệu Gia đình văn hoá, Thôn văn hoá, Làng văn hoá, Ấp văn hoá, Bản văn hoá, Tổ dân phố văn hoá...

Trong lĩnh vực Điện ảnh, những nỗ lực trong năm 2018 cũng đã đặt nền móng phát triển cho giai đoạn tới. Toàn ngành đã tập trung tháo gỡ khó khăn trong quy trình thẩm định và cấp kinh phí đặt hàng sản xuất phim; hoàn thiện và lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị chức năng hồ sơ “Lập đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi)”. Lần đầu tiên, Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội đã quy tụ một số lượng lớn các tác phẩm điện ảnh chất lượng cao của Việt Nam và thế giới, với 147 phim đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Công tác quản lý nhà nước về Gia đình được triển khai đồng bộ, đảm bảo chất lượng và yêu cầu đề ra. Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống Bạo lực gia đình với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không chỉ là dịp để toàn ngành nhìn nhận, đánh giá những chuyển biến tích cực mà còn là cơ hội để chúng ta cùng nhìn thẳng vào những thách thức đang tiếp tục đặt ra và tìm giải pháp đẩy lùi trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2008-2018) Ảnh: TR.HUẤN

Trong năm 2018, Bộ VHTTDL và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, trong đó có Báo Văn Hóa, đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về văn hóa, đạo đức trong kinh doanh, đạo đức trong gia đình… Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc (20.3), Ngày Gia đình Việt Nam (28.6) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cơ quan, đoàn thể và sự tham gia hưởng ứng đông đảo của người dân.

Bên cạnh những thành tích đạt được trong năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng chia sẻ nhiều trăn trở trước những tồn tại của ngành. Trong lĩnh vực thể thao, phải làm tốt hơn nữa công tác đào tạo trẻ để xây dựng nền móng vững chắc cho thể thao nước nhà; phát triển phong trào tập luyện thể thao sâu rộng hơn nữa trong mọi tầng lớp nhân dân; quan tâm hơn việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh của bóng đá Việt Nam.

Ngành Du lịch cần nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập; kiểm soát chất lượng điểm đến và giải quyết triệt để tình trạng “chặt chém”, lừa đảo, ép khách; siết chặt quản lý chất lượng dịch vụ; quản lý tour “0 đồng”; nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch và nhận thức của hướng dẫn viên du lịch...

Trong lĩnh vực văn hoá, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích tại một số địa phương ở một số nơi còn chưa được coi trọng, có hiện tượng tận thu trong khai thác di tích. Nguồn lực đầu tư cho tu bổ, phát huy giá trị các di sản văn hoá còn khiêm tốn; thiếu các chuyên gia hàng đầu ở các lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm chuyên sâu về bảo tồn, tu bổ di tích. Bên cạnh đó còn là những thách thức khi công tác quản lý, cấp phép hoạt động nghệ thuật biểu diễn tại các địa phương vẫn còn bất cập; không ít đơn vị nghệ thuật gặp khó khăn trong hoạt động; các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là những đơn vị nghệ thuật truyền thống đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong tuyển chọn, đào tạo nguồn kế cận.

Nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình còn nhiều hạn chế, năng lực đội ngũ làm công tác gia đình chưa đồng đều. Tình trạng bạo lực gia đình còn xảy ra phức tạp và nghiêm trọng ở một số nơi...

4 cô gái “vàng” Rowing Việt Nam tại Asian Games 18 Ảnh: TÙNG LÊ

Lan toả tinh thần chiến thắng

Ngay ngày đầu tiên của năm mới (1.1.2019), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP, trong đó xác định phương châm hành động của năm là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Với tinh thần đó và phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2018, bước sang năm 2019, Bộ trưởng cho rằng, toàn Ngành phải toàn tâm, toàn lực, phấn đấu ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm để hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra.

Phát triển thể dục, thể thao cho mọi người và thể thao thành tích cao, chuyên nghiệp; chú trọng phát triển thể dục thể thao cơ sở. Duy trì thành tích, phấn đấu nâng cao thứ hạng của thể thao Việt Nam ở khu vực và châu lục; chuẩn bị lực lượng tốt nhất tham gia SEA Games 30 nhằm thực hiện nhiệm vụ liên thông cho Asian Games và Olympic.

Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu; mở rộng áp dụng thị thực điện tử; quản lý chặt chẽ chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch, nhất là hoạt động lữ hành, lưu trú. Phấn đấu khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,83 - 7,2%; lĩnh vực du lịch thu hút được khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, quyết tâm về đích trước một năm so với mục tiêu tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư tôn tạo di tích, di sản. Nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hoá; thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; từng bước cải thiện, nâng cao giá trị đạo đức xã hội. Quản lý hiệu quả hoạt động tổ chức lễ hội, biểu diễn nghệ thuật.

“Nghị quyết 33 về xây dựng văn hoá, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước với quan điểm “Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” luôn là kim chỉ nam cho chúng ta vững tin trên con tàu khởi hành sang năm mới”, Bộ trưởng nói.

“Văn hoá là những gì còn lại, khi tất cả đã mất đi. Sức mạnh bao trùm của văn hoá trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội luôn luôn đòi hỏi đội ngũ đang gánh vác trên vai trọng trách phát triển nền văn hoá quốc gia tiếp tục nỗ lực thật nhiều. Tôi tin tưởng rằng, sức mạnh hội tụ từ những chiến thắng đã có trong thời gian qua sẽ lan toả và tiếp tục mở ra những cánh cửa mới, phát huy vai trò “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi” như Bác Hồ đã từng nói...”, Bộ trưởng bộc bạch tâm tư trong những ngày đầu Xuân mới.

 Tinh thần chiến thắng đã lan tỏa trong toàn Ngành, mang đến nguồn cảm xúc thăng hoa trong những ngày về đích của năm 2018 . Nhưng quan trọng và ý nghĩa hơn cả là những thành công đó đã khơi dậy trong mỗi chúng ta một niềm tin mãnh liệt rằng sức mạnh của chiến thắng sẽ tiếp tục là nguồn cổ vũ để cả dân tộc cùng vững bước đi lên và chinh phục những đỉnh cao mới...”.

 

Nhóm P.V Ban Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top