Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Cần tập trung phòng bệnh cho người khoẻ

Thứ Tư 30/01/2019 | 09:41 GMT+7

VHO- Hiện nay, nói đến điều trị bệnh trong ngành Y tế chủ yếu đề cập đến người bệnh, công tác khám, chữa bệnh, phác đồ điều trị... Tuy nhiên, năm 2019 ngành Y tế sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, chăm sóc sức khoẻ, cũng như phòng tránh các nguy cơ mắc bệnh cho người khoẻ.

 Bệnh nhân được điều trị vật lý trị liệu

 Các bệnh mù loà có thể phòng tránh được

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, một hạn chế của người Việt đó là chưa quan tâm nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe, khám bệnh từ khi còn trẻ mà chỉ đến khi có bệnh mới tới các cơ sở khám chữa bệnh. Trong khi đến hơn 70% các loại bệnh tử vong là do các bệnh không lây nhiễm mãn tính như tim mạch, ung thư, tiểu đường, phổi tắc nghẽn và các bệnh khác... Ngoài ra, các bệnh khác còn liên quan đến thói quen, lối sống, trong đó có thói quen vận động, tư thế ngồi, đọc báo, xem ti vi...

Một trong những bệnh có thể phòng tránh được là các bệnh liên quan đến thị giác. Sáng kiến “Thị giác 2020” là một sáng kiến chung của Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Phòng chống mù loà quốc tế (IAPB), các Tổ chức phi chính phủ, các Hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức chăm sóc mắt và các thành viên liên quan đề ra nhằm giảm thiểu tối đa các bệnh mù lòa có thể phòng tránh được vào năm 2020.

Tại Hội thảo Vị trí và vai trò của khúc xạ nhãn khoa trong ngành nhãn khoa” do Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp cùng với Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức, G.S Bruce Moore (Giáo sư Khúc xạ nhãn nhi - Đại học Nhãn khoa New England) cho biết, trên thế giới hiện có 640 triệu người giảm thị lực do tật khúc xạ không được chỉnh kính, trong đó 80% có thể được điều chỉnh một cách dễ dàng. Tình trạng thiếu trầm trọng các dịch vụ chăm sóc khúc xạ chủ yếu là do thiếu nguồn nhân lực được đào tạo đầy đủ.

Tại Việt Nam, ước tính khoảng 14 – 36 triệu người cần được chăm sóc tật khúc xạ, 3 triệu trẻ em cần phải đeo kính điều chỉnh tật khúc xạ. Tuy nhiên, đáng lẽ người dân cần phải đến các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được khám, tư vấn và điều chỉnh kính mắt thì lại đến các cửa hàng, cửa hiệu bán kính để đo thị lực. Đến khi để bệnh nặng lên, tình trạng mắt của trẻ bị kém đi rồi mới đến gặp các bác sĩ chuyên khoa. Theo kết quả điều tra đánh giá về chất lượng dịch vụ khúc xạ tại Việt Nam do Tổ chức Brien Holden Vision Institute phối hợp với The Fred Hollows Foudation, Bệnh viện Mắt Trung ương, UNSW thực hiện vừa mới được công bố đầu năm 2019, 65% đơn kính thực hiện tại các hiệu kính là bị sai do người đo kính không được đào tạo bài bản.

Phòng chống mù lòa, tật khúc xạ đang được nhận định như là một vấn đề mới nổi trong chăm sóc mắt và được xem là một ưu tiên trong Kế hoạch quốc gia về Phòng chống mù lòa của Việt Nam giai đoạn 2014-2020. Việc cung cấp kính cho người dân bị tật khúc xạ là một trong những can thiệp hiệu quả và hợp lý nhất, góp phần làm giảm tỉ lệ các bệnh mù lòa có thể phòng tránh được. Tại Việt Nam, các bác sĩ mắt là nguồn nhân lực chính để giải quyết các vấn đề thách thức của mù lòa do đục thủy tinh thể (chiếm 66% nguyên nhân gây mù ở nhóm trên 50 tuổi). Dù vậy, nguồn lực cho mục đích này vẫn còn hạn chế do sự phân bố bác sĩ mắt không đồng đều (tập trung ở các thành phố) hoặc do không có khả năng phẫu thuật. Vì vậy, bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc mắt hiện không thể đáp ứng được nhu cầu chăm sóc tật khúc xạ của người dân đang ngày một tăng.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt các dịch vụ khám khúc xạ có chất lượng tốt ở Việt Nam, Viện Thị giác Brien Holden (Viện Thị giác) đã hợp tác với Bệnh viện Mắt Trung ương và Bệnh viện Mắt TP.HCM xây dựng và nhân rộng các khóa đào tạo ngắn hạn về khúc xạ và mài lắp kính, đồng thời hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo, cung cấp trang thiết bị và đào tạo 24 giảng viên quốc gia.

Trên 50% nhân viên văn phòng mắc các hội chứng về sức khoẻ

Bà Lê Thanh Vân, Trường ĐH Y dược TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Vật lý trị liệu Việt Nam cho biết, khảo sát với 1.000 nhân viên văn phòng của một tập đoàn cho thấy trên 50% nhân viên có các vấn đề về sức khỏe như đau lưng, đau cổ, hội chứng tê cổ tay; khảo sát ở một khu phố với 50 học sinh thì có tới 28 bé bị vẹo cột sống - bé gái có tỉ lệ cao hơn mà ba mẹ không phát hiện được. “Ở lứa tuổi này, do các bé đã biết tự tắm nên thường chỉ đến khi bệnh nặng cha mẹ mới phát hiện được. Vẹo cột sống sẽ gây hậu quả về mặt thẩm mỹ, chức năng, biến chứng nặng quá sẽ bị ảnh hưởng đến phổi, đau lưng. Khi tập các bài tập vật lý trị liệu, tình trạng của các bé có thể cải thiện được”, bà Vân chia sẻ.

Còn theo ông Trần Văn Dần, Chủ tịch Hội Vật lý trị liệu Việt Nam cho biết, nhiều bệnh lý của người trẻ nếu điều trị vật lý trị liệu kịp thời bằng các bài tập, không cần phải dùng thuốc sẽ không để lại hậu quả về sau. Chẳng hạn, ngay từ lúc sinh ra, trẻ có biểu hiện bị vẹo bàn chân bẩm sinh hoặc vẹo cổ nhiều gia đình không biết đã để cháu phát triển tự nhiên, dẫn đến hậu quả về sau. Nếu trẻ được can thiệp ngay từ đầu thì sẽ giải quyết được vấn đề đó chỉ trong vòng một tuần mà không cần sử dụng tới thuốc.

Các bác sĩ khuyến cáo, để cải thiện cho sức khỏe nhân viên văn phòng hay học sinh thì cần có một tư thế tốt. Tư thế tốt ở đây là việc đổi tư thế. Nếu một người ngồi ở tư thế tốt trong vòng 2 tiếng đồng hồ thì cũng là một tư thế xấu vì vậy cần phải thay đổi để cơ, khớp có thời gian đàn hồi lại. Thời gian tốt nhất để đổi tư thế là 30 phút - 1 giờ. Trong khi người nước ngoài thường tận dụng thời gian để đi bộ như leo cầu thang, gửi xe xa, nhưng người Việt Nam đi bộ hơi ít, và cần có thời gian để thay đổi. Trước mắt chúng tôi sẽ thực hiện vận động đi bộ nhanh và chạy chậm với các bạn sinh viên trường Y trước để các bạn lan toả thông điệp tới cộng đồng.

 QUỲNH HOA

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top