Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Hà Nội quy định ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp công dân: Nhằm ngăn chặn các trường hợp cực đoan

Thứ Bảy 12/01/2019 | 16:35 GMT+7

VHO- Quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” tại trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Nên hiểu quy định này như thế nào?

Không hạn chế quyền của công dân

Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành Nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ngày 3.1. Theo đó, cơ quan tham gia tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố tại số 34 phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm và số 20 Hoàng Diệu, quận Hà Đông có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh các vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của thành phố Hà Nội... Tuy nhiên, nội dung đáng lưu ý, đang gây tranh cãi nằm ở quy định “không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

Đến nay Bộ Tư pháp chưa chính thức lên tiếng về việc quyết định của UBND TP Hà Nội có phù hợp với quy định pháp luật hay không. Nhưng nội dung này không phải chưa có tiền lệ, mà tại Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ)  cũng đã ban hành quy định không được quay phim, chụp ảnh tại trụ sở tiếp công dân TƯ khi chưa được sự đồng ý của phụ trách trụ sở tiếp dân. Theo Trưởng ban Tiếp công dân TƯ Nguyễn Hồng Điệp, Tổng Thanh tra Chính phủ, lý do của việc ban hành quy chế này là vì có người livestream (ghi hình trực tuyến trên mạng xã hội) với những lời lẽ bình luận không đúng mực; có một số người không quay phim, chụp ảnh để giám sát mà mang động cơ khác.

Giải thích rõ hơn, một lãnh đạo Ban Tiếp công dân TP Hà Nội cho rằng, mục đích của quy định này không hạn chế quyền của công dân mà nhằm ngăn chặn các trường hợp cực đoan khi một số người đến không phải vì thực hiện quyền của mình mà là để tuyên truyền ra bên ngoài, nói xấu. Đến sáng ngày 8.1, trả lời báo chí liên quan đến quy định này, ông Nguyễn Đức Chung  cho hay: “Tất cả các phòng tiếp công dân trên địa bàn TP Hà Nội và của Trung ương trên địa bàn đều đã trang bị camera ghi âm và ghi hình. Do đó, khi người dân có yêu cầu xuất lại toàn bộ, chúng tôi sẽ trích xuất đầy đủ bàn giao và có biên bản cẩn thận”.

Cũng theo ông Chung, nếu người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp công dân. “Sau khi ghi âm, ghi hình xong thì hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản với nhau để làm tài liệu sử dụng trên cơ sở công khai minh bạch”, ông Chung nói.

Một buổi tiếp công dân của ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Cán bộ tiếp dân cũng là công dân

Dưới góc độ luật, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, trước đây khi xây dựng Luật tiếp công dân cũng đã đặt ra vấn đề cấm quay phim, ghi âm khi cán bộ tiếp công dân nhưng đề xuất này không phù hợp nên Luật không quy định. Hiện cả luật Tiếp công dân và Nghị định 64/2014 hướng dẫn luật này (là 2 văn bản Hà Nội lấy làm căn cứ để ra quyết định ban hành Nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố) đều không có quy định cấm ghi âm, ghi hình ở trụ sở tiếp công dân. “Luật đã không cấm thì các văn bản dưới Luật cũng không được cấm. Trường hợp như quy định của UBND TP Hà Nội không phải là cấm mà là giao quyền chủ động cho cán bộ”, ông Xuyền nêu.

Về phía Bộ Tư pháp, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, sau khi nắm được thông tin về việc quy định trên gây nhiều tranh cãi, Cục đang cho tiến hành kiểm tra lại quy định này nên chưa thể thông tin chi tiết về nội dung kiểm tra. Cục sẽ làm việc với Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội để xem xét tính hợp pháp của quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân TP, trong đó có quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân"

Trong khi đó, tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019 diễn ra chiều 8.1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “tiếp dân phải ghi âm, ghi hình”. Trả lời về việc quy định của TP Hà Nội có mâu thuẫn với chỉ đạo của Thủ tướng hay không, chủ nhiệm đoàn Luật sư Hà Nội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (Nguyễn Chiến) khẳng định: “Quy định của Hà Nội hoàn toàn không trái với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ”.

Thừa nhận việc người dân thực hiện quyền giám sát “là hoàn toàn đúng” khi quay phim chụp ảnh cán bộ tiếp dân, tuy nhiên ông Chiến cho rằng “phải có sự thông báo” bởi cán bộ tiếp dân cũng là công dân, được Hiến pháp bảo vệ”. Do đó, “việc người dân muốn ghi âm, ghi hình thì phải thông báo trước một cách công khai để sử dụng vào mục đích hợp pháp. Công dân mang lợi ích hợp pháp của mình ra sử dụng vào mục đích không hợp pháp thì sẽ xâm phạm đến quyền lợi của người khác” Luật sư Nguyễn Chiến nhấn mạnh.

NGUYÊN KHANG 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top