Thừa Thiên Huế: Tập trung nhiều giải pháp thiết thực để giảm nghèo bền vững

S.THÙY; ảnh: V.B

VHO - Chiều ngày 23.4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Hiện nay tỉ lệ hộ nghèo tại tỉnh này đã giảm xuống còn 2,27%.

Thừa Thiên Huế: Tập trung nhiều giải pháp thiết thực để giảm nghèo bền vững - ảnh 1
Đoàn khảo sát công tác giảm nghèo tại dự án Làng văn hóa truyền thống các dân tộc huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên Huế. 

Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm: từ 4,93% năm 2021 xuống còn 2,27% năm 2023, bình quân hàng năm giảm 1,33%, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm đề ra.

Riêng tại huyện miền núi A Lưới, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 49,98% năm 2021 xuống còn 24,3% cuối năm 2023, bình quân giảm 8,56%/năm, vượt chỉ tiêu theo Quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ đề ra (hàng năm giảm từ 4-5%). Hiện nay, qua rà soát các tiêu chí, đánh giá hệ thống chỉ tiêu xác định, chấm điểm điểm huyện nghèo, huyện A Lưới đảm bảo các điều kiện thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng đề án trình các Bộ, ngành thẩm định và Chính phủ xem xét, quyết định.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thừa Thiên Huế có 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, đến nay đã có 3 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt chuẩn nông thôn mới.

Thừa Thiên Huế: Tập trung nhiều giải pháp thiết thực để giảm nghèo bền vững - ảnh 2
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động về giảm nghèo bền vững

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương và toàn xã hội trong thực hiện công tác giảm nghèo đã góp phần cải thiện và nâng cao điều kiện sống của người nghèo, hộ nghèo góp phần ổn định đời sống của người dân. Những người nghèo, người yếu thế đều được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, các chính sách như: tín dụng ưu đãi, bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý… thông qua nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Để giảm tỉ lệ hộ nghèo theo mục tiêu đề ra và giảm nghèo bền vững, đại diện nhiều cơ quan, đơn vị cũng đề xuất cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, các dự án liên quan đến người nghèo, hộ nghèo có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp thực tế từng địa phương.

Tập trung, ưu tiên nguồn lực theo hướng ưu tiên các chương trình, dự án mang lại hiệu quả cao như: hỗ trợ vốn sản xuất, nhà ở, dạy nghề tạo việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế nhân rộng mô hình giảm nghèo,… lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững.

Thừa Thiên Huế: Tập trung nhiều giải pháp thiết thực để giảm nghèo bền vững - ảnh 3
Xây dựng cơ sở hạ tầng của các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

Phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, các dự án liên quan đến người nghèo, hộ nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo vốn sản xuất, nhà ở, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; triển khai thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững tại các địa phương, hàng năm đánh giá nhân rộng mô hình giảm nghèo có hiệu quả.

Tập trung nguồn lực theo hướng ưu tiên các chương trình, dự án mang lại hiệu quả cao như tạo việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế nhân rộng mô hình giảm nghèo,… lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ. Thực hiện cơ chế phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở; tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình xây dựng và thực hiện chương trình.

Khuyến khích và mở rộng hoạt động tạo việc làm công cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn thông qua các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhất là các dự án đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Thừa Thiên Huế: Tập trung nhiều giải pháp thiết thực để giảm nghèo bền vững - ảnh 4
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua Vì người nghèo giai đoạn 2021-2025

Theo ông Lê Văn Thanh- Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, tỉnh Thừa Thiên Huế cần ưu tiên cân đối nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương, huy động nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chú trọng các giải pháp để làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giải quyết đất, vốn sản xuất và có chính sách đặc thù đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên là người không có khả năng lao động cũng như các đối tượng yếu thế khác.

Đặc biệt, tỉnh cần nghiên cứu, có giải pháp cụ thể về giảm nghèo đối với huyện A Lưới và các xã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặt biệt khó khăn, tránh tình trạng giảm nghèo không bền vững, tỉ lệ tái nghèo cao.

Dịp này, UBND tỉnh đã trao tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 9 cá nhân đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025.