Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Bị đột quỵ, vội uống viên An cung khéo mang hoạ vào thân

Thứ Năm 03/01/2019 | 14:43 GMT+7

VHO- TS. Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng Khoa Cấp cứu – A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Thói quen của nhiều người Việt Nam là khi thấy người thân trong gia đình nghi ngờ có dấu hiệu đột quỵ thường cho uống ngay viên An Cung. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm cho người bệnh.

Chỉ có 7% bệnh nhân được đưa đến bệnh viện kịp thời

Theo các bác sĩ, bốn ngày nghỉ Tết Dương lịch thời tiết chuyển lạnh sâu khiến số bệnh nhân nhập viện Bạch Mai tăng lên đáng kể, hằng ngày bệnh nhân đột quỵ chỉ chiếm 30 - 40 bệnh nhân trong tổng số khoảng 160 ca đến khám; nhưng những ngày vừa qua trong tổng số 130 – 140 ca cấp cứu đã cũng đã có 30 – 40 ca đột quỵ. “Đây chủ yếu là những bệnh nhân vốn có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như: tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, béo phì, hút thuốc lá… Khi gặp yếu tố khách quan tác động như quá nóng hoặc quá lạnh làm cho các yếu tố nguy cơ bất ổn khiến cơn tăng huyết áp, tiểu đường tăng lên, gây nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, một số bệnh nhân cao tuổi bị đột quỵ khi đi tập thể dục lúc sáng sớm trong những ngày nhiệt độ xuống thấp”, TS Nguyễn Văn Chi cho hay.

Bệnh nhân đột quỵ cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai tăng hơn ngày thường

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không được đưa đến bệnh viện trong “thời gian vàng” – 6 giờ đầu làm giảm đi cơ hội tiếp cận kỹ thuật cao và cơ hội phục hồi tối ưu. Chỉ có 7% bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong 6 giờ đầu, con số này đã cao hơn so với các năm tỷ lệ chung toàn quốc (trong năm 2016, tỉ lệ bệnh nhân đến khung giờ vàng được điều trị tái thông bằng thuốc chỉ chiếm 1,5% bệnh nhân. Con số này tăng lên 2,5% trong 2017 và đến năm 2018 trong tổng số gần 7.000 bệnh nhân được điều trị, số bệnh nhân đến viện vào giờ vàng đã tăng lên 3,5%).

PGS.TS Mai Duy Tôn – Khoa cấp cứu cho biết, nếu bệnh nhân đột quỵ đến trong “thời gian vàng”  được can thiệp sớm không chỉ chi phí điều trị thấp hơn mà tỉ lệ di chứng cũng thấp đi. Còn sau giờ vàng, hậu quả rất tồi tệ, chi phí tốn kém. Năm 2018 ước tính có gần 350 bệnh nhân đột quỵ vào trong giờ vàng được điều trị tái tưới máu bằng thuốc, can thiệp cơ học. Trong khi đó năm 2017 con số được can thiệp sớm chỉ khoảng 200 bệnh nhân. 

Tuyệt đối không uống bất kỳ loại thuốc nào khi nghi ngờ đột quỵ

Cũng theo T.S Nguyễn Văn Chi, nhiều người sai lầm trong việc sơ cứu bệnh nhân đột quỵ. Có bệnh nhân khi được hỏi, tại sao đưa bệnh nhân vào viện muộn thì được trả lời là họ nghe nói đột quỵ phải nằm yên một chỗ nên không đưa đi ngay. “Đây là nhận thức hết sức sai lầm. Theo nguyên lý không để bệnh nhân vận động là áp dụng đối với bệnh nhân có thể đi được, vì bệnh nhân có thể ngã, bệnh thêm nặng. Còn với bệnh nhân đột quỵ nói chung thì phải đặt bệnh nhân lên cáng hoặc đưa lên ô tô cấp cứu”, T.S Chi chia sẻ.

Một trong những sai lầm khác của người dân trong việc cấp cứu người bị đột quỵ là cho uống viên An Cung. Các chuyên gia cho rằng, đột quỵ não có thể là do vỡ mạch máu não hoặc tắc mạch máu não, viên An cung có thể sẽ khiến việc chảy máu ồ ạt hơn nếu bệnh nhân bị vỡ mạch máu não. Ngoài ra, T.S Chi cũng nhấn mạnh, khi bệnh nhân bị đột quỵ thường rơi vào trạng thái rối loạn nuốt. Việc uống nước còn khó đối với bệnh nhân chứ chưa kể đến việc nuốt viên thuốc, có thể gây sặc và viên thuốc sẽ trở thành dị vật đường thở cho người bệnh. Do đó, khi phát hiện người có biểu hiện nghi ngờ đột quỵ, tuyệt đối không cho họ uống bất cứ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Theo TS. BS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu thì cách đơn giản nhất để ai cũng có thể nhận biết được dấu hiệu đột quỵ là yêu cầu người bệnh nói – cười – giơ tay, chân. Nếu bệnh nhân nói có biểu hiện nói ngọng, khó nói, nói không tròn vành rõ chứ, không nói được; cười: mồm méo, lệch một bên; không giơ được tay lên để chào hoặc giơ hai tay lên ngang vai nhưng 1 bên tay bị sệ hơn; nhấc chân lên nhưng không nhấc được hoặc nhấc khó… Nếu có ba dấu hiệu này thì chính là đột quỵ và cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời trong thời gian vàng. 

Khi có dấu hiệu bệnh nhân đột quỵ, việc đầu tiên người nhà cần làm là Gọi cấp cứu 115. Trong khi đợi xe cấp cứu, người nhà sơ cứu cho bệnh nhân bằng cách: Để phần đầu và lưng bệnh nhân nằm nghiêng 45 độ so với cơ thể (để nếu bệnh nhân bị nôn đờm dãi, thức ăn sẽ không chui vào mũi, miệng và vào phổi người bệnh); mặc quần áo thoáng, mở phần cổ áo để kiểm tra hô hấp. Nếu bệnh nhân ngừng tim phải xoa bóp tim ngoài lồng ngực và gọi trợ giúp của người xung quanh.

Bệnh nhân bị đột quỵ thường ảnh hưởng nhiều tới hô hấp. Do đó việc tiếp theo, người nhà phải dùng chiếc khăn tay quấn vào ngón tay trỏ để lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh ra ngoài.

Nếu người bệnh bị co giật, người nhà phải lập tức lấy chiếc đũa đã được quấn lớp vải để ngáng ngang miệng bệnh nhân. Việc quấn vải quanh đũa để người bệnh khỏi bị cắn vào lưỡi”.

 PGS.TS Mai Duy Tôn

Q.HOA

Print
Tags: Y tế

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top