Dòng họ gìn giữ, trân quý “báu vật” vô giá

VHO- Dòng họ Nguyễn Văn, Nguyễn Xuân ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) hiện đang lưu giữ nhiều sắc phong có tuổi đời hàng trăm năm. Những di sản vô giá được các thế hệ con cháu đời này qua đời khác thay nhau gìn giữ cẩn thận, nguyên vẹn. Đó là cách họ tự hào, bảo tồn và phát huy truyền thống hiếu học của dòng tộc, quê hương…

Dòng họ gìn giữ, trân quý “báu vật” vô giá - Anh 1

Đạo sắc phong lụa gấm dài nhất Việt Nam cho vị Quan đại thần thời Hậu Lê được con cháu dòng họ Nguyễn Văn cất giữ

 Niềm tự hào của thế hệ sau

Trong số những đạo sắc phong được dòng họ Nguyễn Văn lưu giữ, có một đạo sắc độc đáo làm bằng lụa gấm dài nhất Việt Nam. Đây là sắc phong triều vua Lê Kính Tông ban cho Quan đại thần Nguyễn Văn Giai. Ông Nguyễn Văn Tân (thôn Ích Mỹ, xã Ích Hậu), tộc trưởng dòng họ Nguyễn Văn, người trực tiếp lưu giữ, bảo quản đạo sắc độc đáo tự hào chia sẻ: “Đã hơn 400 năm thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, đạo sắc quý hiếm bằng chất liệu vải lụa gấm, dài và nhiều chữ nhất Việt Nam, vẫn được dòng họ chúng tôi gìn giữ nguyên vẹn. Hằng năm, vào dịp 14 tháng Giêng, con cháu dòng họ Nguyễn Văn và dân làng đều tổ chức rước sắc phong bằng kiệu, người khiêng là những thanh niên trai tráng trong làng, đi từ đền thờ dòng họ ra mộ ngài Tể tướng và cuối cùng đặt tại đền thờ Quan đại thần Nguyễn Văn Giai”.

Từ khoảng năm 1993, gia đình ông Nguyễn Văn Tân được Hội đồng gia tộc giao nhiệm vụ lưu giữ đạo sắc lụa gấm này. Đạo sắc được bảo quản trong hộp gỗ, có màu vàng nhạt, chiều dài 4,5m, rộng gần 50cm, không có hoa văn, tổng số chữ là 318, bố cục theo 63 hàng cột dọc và 5-6 hàng ngang, được viết trực tiếp lên nền vải. Nét chữ mảnh, thẳng hàng, rõ ràng và đẹp mắt; phần ghi niên hiệu do nằm ở cuối của khổ vải đã bị sổ nên chỉ còn lại 1/2 phần ấn dấu triện màu đỏ của nhà vua. Sắc có niên hiệu Hoằng Định năm thứ 11 (1610), triều vua Lê Kính Tông. Nội dung là phong công trạng, khen thưởng cho ông Nguyễn Văn Giai, sinh năm 1553, ở thôn Phù Lưu Trường, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), một vị Quan đại thần vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, từng làm Tể tướng ba triều vua: Lê Mục Tông, Lê Thế Tông và Lê Kính Tông. Ông Nguyễn Văn Giai là bậc khai quốc công thần nổi tiếng chính trực, có tài kinh bang tế thế, văn võ song toàn, hiến nhiều mưu lược cho nhà vua để giữ yên bờ cõi và thiết lập tình giao hảo với các nước.

Tương tự, dòng họ Nguyễn Xuân, thôn Đồng Sơn, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà cũng gìn giữ được nhiều sắc phong quý của cha ông để lại. Trong đó, đặc biệt nhất là chiếc tráp gỗ hình chữ nhật được sơn son thếp vàng đã hơn 100 năm tuổi, chứa hai đạo sắc vua ban. Ông Nguyễn Xuân Sử, Tộc trưởng dòng họ Nguyễn Xuân cho biết: “Con cháu trong dòng họ từ khi sinh ra đã được thế hệ trước căn dặn là không được phép mở tráp gỗ ra xem. Có lẽ tổ tiên ra điều lệ như vậy là vì muốn con cháu gìn giữ vật quý được lâu hơn, bởi mở ra xem nhiều sẽ sớm hư hỏng, mai một. Dù đã qua biến thiên của thời gian, nhưng hai tấm giấy cổ vẫn gần như nguyên vẹn. Trên đó ghi những dòng chữ cùng hình vẽ, hoa văn trang trí, tuy nhiên lúc đó không ai trong dòng họ hiểu nội dung được ghi là gì”.

Đầu năm 2023, trong một lần chuẩn bị cho lễ Rằm tháng Giêng, ông Nguyễn Xuân Hải (con cháu trong dòng họ hiện đang sinh sống ở Hà Nội) mở tráp gỗ ra xem. Vì muốn biết ý nghĩa của “báu vật” mà cha ông để lại, ông đã gửi ra Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) để nhờ nghiên cứu, giải mã. Kết quả, hai tấm giấy mà dòng họ Nguyễn Xuân đang lưu giữ là hai đạo sắc phong do vua Khải Định ban cho một vị quan trong dòng họ là Lê triều Quán La Đồn điền Phó sứ Nguyễn phủ quân chi thần, người có công mở mang bờ cõi vào thời Hậu Lê. Sắc phong thứ nhất vua ban vào ngày 18.3, niên hiệu Khải Định thứ 2, năm 1917; sắc phong thứ hai vua ban ngày 25.7, niên hiệu Khải Định năm thứ 9, năm 1925.

Dòng họ Nguyễn Xuân có ba chi với gần 100 đinh. Nhà thờ họ, nơi lưu giữ hai sắc phong, cũng có tuổi đời hàng trăm năm, luôn được con cháu quan tâm và thường xuyên sửa chữa, tu bổ.

Dòng họ gìn giữ, trân quý “báu vật” vô giá - Anh 2

 Hai tấm sắc phong quý vua ban được dòng họ Nguyễn Xuân gìn giữ nguyên vẹn đến nay

Cần có phương án bảo quản

Ngoài đạo sắc lụa gấm, dòng họ Nguyễn Văn hiện đang cũng lưu giữ 45 đạo sắc bằng chất liệu giấy dó, có hoa văn, kích thước khác nhau, được phong tặng từ thời Lê đến thời Nguyễn. Trải qua thời gian, một số đã bị mục rách, và đến nay cũng chưa có điều kiện phiên âm, dịch thuật, khai thác nội dung để phát huy giá trị.

Bên cạnh đó, các bảo vật của dòng họ Nguyễn Xuân do cách bảo quản thô sơ, chủ yếu là cuộn kín giấy, vải rồi bỏ trong các ống nhựa, cất giữ trong hộp gỗ nên một số cũng đã bị rách và nhàu nát. Gia đình Tộc trưởng cũng như dòng họ mong được cơ quan chức năng quan tâm, triển khai phương án phục chế, in ấn, số hóa, phiên âm, dịch thuật để thuận lợi cho việc bảo tồn, giữ gìn đến mai sau.

Ông Đậu Khoa Toàn, Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết: Sắc phong là loại hình hiện vật văn hóa xuất hiện từ thế kỷ XV dưới triều nhà Lê, được xác nhận bằng ấn triện của nhà vua. Nhiều năm qua, Bảo tàng Hà Tĩnh đã phát hiện và lưu giữ trên 1.000 sắc phong, đạo sắc với nội dung chủ yếu là phong thần, thành hoàng làng và một số chức tước, địa vị quan trọng trong làng xã xưa kia. Hiện vẫn còn khoảng hơn 4.000 sắc phong đang nằm rải rác tại các đền thờ, di tích và được nhân dân lưu giữ, chưa có điều kiện dịch thuật. Mặc dù có giá trị, song lâu nay chưa có phương tiện bảo quản hiệu quả cũng như ý thức giữ gìn, cộng với biến động của tự nhiên và xã hội, nên đã xảy ra tình trạng nhiều sắc phong bị hủy hoại, thất tán. Việc bảo tồn đòi hỏi phải có kỹ thuật cao và chuyên nghiệp, bởi hầu hết các sắc phong còn lưu lại đều rất mỏng manh và dễ hư hỏng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Xuân Lương, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh cho biết: “Việc các dòng họ còn lưu giữ, bảo tồn được đạo sắc trên là rất đáng quý, đó không chỉ là tài sản của riêng dòng họ mà còn là di sản văn hóa quý hiếm của dân tộc. Theo năm tháng, hiện nay nhiều đạo sắc đã có dấu hiệu hư hỏng, Sở VHTTDL giao cho các đơn vị trong quá trình lập hồ sơ khoa học di tích phải đồng thời lên kế hoạch bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa mà ông cha để lại. Trong đó, có chính sách hỗ trợ người bảo quản để gìn giữ di sản một cách hiệu quả nhất”. 

 PHẠM TƯỚC

 

Ý kiến bạn đọc