Về loạt bài hai tấm bia đá cổ trong cảnh hẩm hiu ở Thanh Hóa: Báo Văn Hóa phản ánh đúng, đề nghị kịp thời bảo quản

VHO- Sau khi Văn Hóa có các bài Lại thêm hai tấm bia đá cổ tại Thanh Hóa rơi vào cảnh hẩm hiu: Một bị trưng dụng làm tường rào, một nằm trong khu chăn nuôi gia súc (số 3913, ra ngày 2.8); Về bài hai tấm bia đá cổ tại Thanh Hóa bị “bỏ rơi”: “Chúng tôi rất xót xa..., nhưng đây là vấn đề khó” (số 3916, ra ngày 9.8), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc.

Về loạt bài hai tấm bia đá cổ trong cảnh hẩm hiu ở Thanh Hóa: Báo Văn Hóa phản ánh đúng, đề nghị kịp thời bảo quản - Anh 1
 

 Hình ảnh xót xa của tấm bia cổ hơn 300 năm tuổi được Văn Hóa phản ánh

Theo đó, ngày 14.8, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng ký văn bản số 4008 giao Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa (Trung tâm) khẩn trương phối hợp với các đơn vị chuyên môn, địa phương có liên quan của UBND huyện Triệu Sơn kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh của Báo Văn Hóa. Ngày 18.8, Trung tâm đã có văn bản số 382 gửi Sở VHTTDL Thanh Hóa, trong đó khẳng định nội dung phản ánh của Văn Hóa là đúng sự thật.

Văn bản của Trung tâm nêu rõ: Báo Văn Hóa (số 3913, ra ngày 2.8) có bài Lại thêm hai tấm bia đá cổ tại Thanh Hóa rơi vào cảnh hẩm hiu: Một bị trưng dụng làm tường rào, một nằm trong khu chăn nuôi gia súc, phản ánh: Hai tấm bia cổ có niên đại trên 300 năm, có giá trị về lịch sử văn hóa; tuy nhiên, cả hai tấm bia cổ này đang nằm trong khu đất ở của người dân, không được ai trông coi bảo quản trong suốt thời gian dài. Đây là hai tấm bia thuộc di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Lê Thì Hải, tọa lạc tại xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn. Nghiêm trọng hơn một tấm đang bị “trưng dụng” để làm tường rào; một tấm nằm trong khu vực chăn nuôi gia súc, khiến cho người dân, du khách thập phương và giới nghiên cứu lịch sử văn hóa không khỏi xót xa, bức xúc. Nội dung phản ánh của Báo Văn Hóa là đúng sự thật.

Theo Trung tâm, hai tấm bia cổ thuộc quần thể di tích lịch sử văn hóa và nghệ thuật kiến trúc điêu khắc đá thuộc xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn được xếp hạng là di tích cấp tỉnh tại quyết định số 161-VHQĐ ngày 7.8.1993. Khảo sát thực tế của Trung tâm cho biết, hai tấm bia đều có niên đại dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) (đã được in trong sách Tuyển tập Văn bia Thanh Hóa, tập 3 văn bia thời Lê Trung Hưng; do nhóm tác giả phiên dịch Đinh Khắc Thuân, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Kim Măng, NXB Thanh Hóa năm 2016, từ trang 466- 635). Đây là những tấm bia không chỉ có giá trị về nội dung lịch sử văn hóa, có tầm ảnh hưởng vùng rất lớn đối với hai huyện Thọ Xuân và Nông Cống xưa, mà còn là tác phẩm nghệ thuật chạm khắc đá, thư pháp tiêu biểu giai đoạn thời Lê Trung Hưng.

Cụ thể, tấm bia hiện đang trưng dụng làm hàng rào giáp đường liên xóm vào ba hộ gia đình ghi ba nội dung khác nhau. Mặt chính có tên “Vạn thế phụng tự bia ký” (bài ký ghi muôn đời phụng thờ) do Thám hoa Vũ Thạch soạn; Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, Bảng nhãn Phạm Xuân Trạch nhuận sắc. Mặt bên ghi “Huệ điền tứ tiền đẳng số” (ghi việc ban ruộng tiền các thứ, tổng cộng 33 xã thôn giáp sau này trông giữ phụng thờ cha mẹ, vợ và Lê Thì Hải về sau vào ngày kỵ giỗ, Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ, Trùng nguyên, Thường niên, Lạp nhật, Trừ tịch… hằng năm); Do đệ nhất danh khoa Thư Toán Đỗ Thế Lôi viết. Mặt sau có tên “Phụng Tự Khoán văn” (Bia khoán văn ghi việc phụng thờ, tổng cộng ruộng 891 mẫu, tiền 7.800 quan các quan viên hương sắc 33 xã thôn giáp phân canh, ghi cụ thể việc phân rõ lễ nghi của từng thôn xã)… Cách đó không xa là tấm bia đang nằm trong khu vực chăn nuôi của hộ gia đình ông Dương Bá Hùng (chủ sở hữu khu đất nơi có hai tấm bia cổ tọa lạc), có tên “Lê Tướng công sự nghiệp huân sanh bi ký” (Bài ký ghi sự nghiệp huân danh ông tướng công họ Lê (Lê Thời Hải tự Phúc Toàn) do Thám hoa Vũ Thạch soạn; Trạng Nguyên Nguyễn Đăng Đạo nhuận sắc. Hiện nay, hai tấm bia đang nằm trong khuôn viên sở hữu trích lục đất nhà ông Dương Bá Hùng, làng Quần Trọng, xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn.

Cũng tại văn bản này, Trung tâm cho biết, căn cứ vào lý lịch di tích, tại thời điểm xếp hạng, khu vực Từ Vũ nơi thờ danh tướng Lê Thì Hải và nơi đặt hiện vật bia đá cổ đã thuộc phần đất tư nhân quản lý. Theo đó, Trung tâm đề nghị chính quyền địa phương kịp thời có quy hoạch để bảo quản hai tấm bia cổ này. Đồng thời, lập tờ trình xin chủ trương, lập dự án tu bổ tôn tạo nhà Từ vũ, cải tạo khuôn viên cảnh quan hai tấm bia, có phương án dành quỹ đất di dời hộ gia đình ông Dương Văn Hùng, báo cáo các cấp có thẩm quyền quyết định. Thành lâp Ban quản lý di tích, có trách nhiệm trông coi, dọn dẹp, vệ sinh bảo quản hai tấm bia, tăng cường công tác theo dõi, giám sát hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích theo đúng quy định của pháp luật.

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc