Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Kiến tạo hệ thống không gian sáng tạo độc, lạ cho Hà Nội

Thứ Hai 27/09/2021 | 10:55 GMT+7

VHO- Thúc đẩy hình thành các không gian sáng tạo được coi là một trong những điểm nhấn quan trọng trong quá trình Hà Nội hiện thực hóa các sáng kiến khi chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

 Phương án DA079 “Cải tạo không gian vòm cầu Long Biên”

 18 thiết kế xuất sắc được lựa chọn từ gần 100 phương án tham dự cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội đang tạo nên nhiều kỳ vọng về những không gian độc, lạ trên mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Thể hiện tình yêu với Hà Nội

Cuộc thi đã trao 6 giải Nhất, 6 giải Hội đồng, 6 giải Bình chọn của 2 nhóm đối tượng chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp tại 3 hạng mục: Hạ tầng thúc đẩy sáng tạo; Tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng; Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống.

Theo TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, các phương án dự thi đều thể hiện tâm huyết, tình yêu với Hà Nội. Điều bất ngờ là rất nhiều giải pháp được đề xuất trên cơ sở cải tạo, chuyển đổi chức năng nhưng vẫn phát huy các giá trị vốn có, khai thác được không gian cũ trở thành những không gian sáng tạo cho cộng đồng. Không ít ý tưởng độc đáo, giải pháp mới mẻ, ngôn ngữ tạo hình hiện đại, đặc biệt là giá trị khả thi từ những phương án được chọn trao giải. 6 giải Nhất là những phương án được giới nghề đánh giá cao về độ độc, lạ và tính khả thi. Đó là Con đường nghệ thuật Hà Nội, Hà Nội phố cổ - Nghìn năm văn hiến (hạng mục Hạ tầng thúc đẩy sáng tạo); CIRCLE-PUNK (sáng tạo và kết nối), Quận đường tàu 4.0 (hạng mục Tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng); Quận nghệ thuật sông Hồng, Kết nối (hạng mục Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống).

Con đường nghệ thuật Hà Nội là phương án đề xuất thay đổi cách tổ chức không gian phụ trợ hành lang, kỹ thuật phụ trợ ở văn phòng truyền thống thành một tuyến đường dạo “chảy” trong lòng công trình, đưa các hoạt động công cộng vào không gian mở tầng 1 và tầng hầm 1, len lỏi vào các tầng, lên đến vườn cộng đồng trên mái. Cũng ở hạng mục Hạ tầng thúc đẩy sáng tạo, phương án Hà Nội phố cổ nghìn năm văn hiến lấy cảm hứng từ những đặc thù của phố cổ, nơi có những “khoảng trống” đan xen lộn xộn bởi quá trình đô thị hóa, tạo hình ảnh tồn tại song song giữa cũ kỹ và mới mẻ.

Hạng mục Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống ngay từ đầu được giới nghề kiến trúc đặt nhiều kỳ vọng. Phương án Quận nghệ thuật sông Hồng của KTS Đoàn Kỳ Thanh và các cộng sự chinh phục bởi tính độc đáo, mới lạ và sáng tạo đột phá. Với diện tích 5 ha, khu vực bãi bồi ven sông Hồng thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm vốn có chất lượng sống khá thấp, nhưng hoàn toàn hội đủ các yếu tố để có thể trở thành một không gian nghệ thuật cuốn hút, một điểm đến thú vị với hai yếu tố xuyên suốt từ không gian bên trong các tòa nhà đến không gian ngoài trời.

Ý tưởng Kết nối thuộc hạng mục Bảo tồn và Phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống cũng đặc biệt tạo ấn tượng với trục sáng tạo xoay quanh cây cầu Long Biên, một trong những biểu tượng của Hà Nội. Nhóm tác giả đưa ra các giải pháp linh hoạt cho việc bảo tồn như cải tạo vòm cầu đá cổ thành không gian nghệ thuật sáng tạo, tái thiết nhà ga Long Biên, hình thành trung tâm nghệ thuật đương đại…, tạo nên một tổng thể gắn kết quá khứ với hiện tại.

Cùng cách tiếp cận theo hướng trân trọng quá khứ trong phát triển đô thị, ý tưởng Thổi hồn sáng tạo nơi làng Tre Việt của tác giả Phạm Thị Anh đã giành giải Hội đồng ở hạng mục Bảo tồn và Phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống bằng đề xuất cộng đồng cùng sáng tạo dựa trên khai thác nghề mây, tre đan truyền thống, văn hóa nghề nông ở làng nghề mây, tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ).

Thú vị không kém là cách các kiến trúc sư biến hóa, thay đổi công năng của những không gian cũ trở thành không gian sáng tạo. Trên cơ sở các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng có thể khai thác để tổ chức thành không gian sáng tạo, một nhóm tác giả đã xây dựng phương án Quận đường tàu 4.0, trên nền tảng Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Khi được hiện thực hóa, không gian này sẽ là nơi kết nối các doanh nghiệp trẻ, đặc biệt là các start-up về công nghệ cũng như kết nối đến người tiêu dùng.

Tính khả thi cao

Giới nghề kiến trúc cũng nhận định, cái được lớn nhất của nhiều phương án thiết kế là sự hài hòa, lưu giữ hồn cốt và những giá trị cốt lõi của các địa điểm cũ, cùng với sự bổ sung nhân tố mới hiện đại, mang hơi thở cuộc sống. Phép cộng hợp lý góp phần tạo nên diện mạo và luồng sinh khí mới cho các địa điểm, khu vực đó.

Vấn đề đặt ra là con đường từ ý tưởng đến hiện thực ra sao? Theo KTS Hoàng Thúc Hào, các phương án đều cho thấy sự đóng góp tâm huyết và giàu sáng tạo của lực lượng kiến trúc sư trẻ. Những ý tưởng mới mẻ, khả thi sẽ tạo nên những giá trị mới, công năng mới, góp phần kiến tạo những không gian sáng tạo cho thành phố. KTS Lê Thành Vinh thì cho rằng, nhiều phương án có tính khả thi cao và hoàn toàn có thể thực hiện. Đặc biệt, ở hạng mục Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc quy hoạch truyền thống, những ý tưởng khi được hiện thực hóa sẽ góp phần vừa bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Nội, vừa tạo ra những giá trị, sắc thái mới cho những không gian truyền thống, thúc đẩy sự phát triển của thành phố theo hướng năng động, bền vững, giàu bản sắc.

Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở VHTT Hà Nội), mục tiêu của việc tổ chức cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội là một trong những hoạt động góp phần truyền cảm hứng, tìm ra những giá trị mới, tạo nên động lực thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo phát triển. Chính vì vậy, cuộc thi đã thu hút đông đảo những đối tượng hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, đề xuất nhiều ý tưởng hay. Quan trọng hơn, việc hiện thực hóa các ý tưởng để hình thành mạng lưới các không gian sáng tạo sau cuộc thi ra sao, thành phố sẽ đầu tư phát triển các không gian sáng tạo thế nào, mới là điều mọi người hướng tới.

Không gian sáng tạo được coi là nhân tố cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo và công nghiệp văn hóa. Lâu nay, Hà Nội có khoảng trên 60 không gian sáng tạo, tập trung ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, thiết kế, thủ công… nhưng đều hoạt động tự do, quy mô nhỏ. Gần 2 năm tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, thành phố đặt nhiều kỳ vọng vào việc phát triển các không gian sáng tạo nhằm hiện thực hóa tầm nhìn Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á trong lĩnh vực thiết kế. 

 

 Những ý tưởng khi được hiện thực hóa sẽ góp phần vừa bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Nội, vừa tạo ra những giá trị, sắc thái mới cho những không gian truyền thống, thúc đẩy sự phát triển của thành phố theo hướng năng động, bền vững, giàu bản sắc.

(KTS NGUYỄN THÀNH VINH)

 MAI PHƯƠNG

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top