Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong thực hiện nếp sống văn minh lễ hội

Thứ Hai 20/09/2021 | 09:21 GMT+7

VHO- Nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh lễ hội, các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa cho rằng, cần có nhiều hình thức mới mẻ, tạo sự đồng thuận từ nhận thức đến hành động của người dân. Đặc biệt, cần hình thành những khuôn mẫu ứng xử mang tính bền chặt trong hoạt động lễ hội.

 Lễ hội Đền Sóc (Hà Nội) là một trong những lễ hội có nhiều thay đổi về cách thức tổ chức, nâng cao hiệu quả thực hiện nếp sống văn minh

“Nâng cao hiệu quả tuyên truyền từ sự đồng thuận của người dân”

Hai mùa lễ hội liên tiếp vừa qua, dư luận không nhắc nhiều đến những tiêu cực trong thực hiện nếp sống văn minh lễ hội như chen lấn, xô đẩy, mê tín dị đoan, bạo lực, tranh cướp, đốt nhiều vàng mã, rải rắc tiền lẻ… Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có hoạt động lễ hội đang mở rộng góc độ tiếp cận với khái niệm ứng xử văn minh trong lễ hội cùng những tiêu chí mới đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Trên thực tế, hai mùa lễ hội vừa qua không có những “điểm nóng” gây bức xúc, tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc các BQL di tích, BTC lễ hội “nhàn” hơn trong hoạt động tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh. Cần ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt trong xây dựng các phương án chuẩn bị tổ chức, ứng phó với dịch bệnh ở nhiều di tích, lễ hội trọng điểm, như chùa Hương (Hà Nội); Yên Tử, đền Cửa Ông (Quảng Ninh); Đền Trần (Nam Định)… Các lễ hội “điểm nóng” trước đây như hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ), Đúc Bụt (Tam Dương, Vĩnh Phúc)… cũng sẵn sàng thay đổi phương án để khắc phục những tiêu cực khiến dư luận bức xúc trong nhiều năm qua.

Những thay đổi đó là kết quả của sự nỗ lực nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận của người dân và du khách trong việc thực hiện nếp sống văn minh lễ hội. Mùa lễ hội năm 2021, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với Covid-19, trong đó sẵn sàng phương án ngừng tổ chức lễ hội khi dịch bùng phát. Mặc dù ngừng tổ chức sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân ở nơi có lễ hội, nhưng có thể nhận thấy rõ các địa phương luôn sẵn sàng tinh thần phòng, chống dịch nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Đó là một điển hình trong ứng xử văn minh tại lễ hội mùa dịch bệnh.

Một thay đổi rõ nét khác trong bối cảnh đại dịch là các BTC lễ hội, BQL di tích luôn đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu, các thông điệp tuyên truyền thực hiện 5K được chuyển tải với nhiều cách thức mới mẻ. Tại lễ hội Chùa Hương, hệ thống pano cổ động trực quan về phòng, chống dịch, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội... được lắp đặt dọc hai bờ suối Yến đã tạo hiệu quả tích cực. Các nội dung tuyên truyền nhằm đẩy lùi hiện tượng tiêu cực, phản cảm như đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, xả rác bừa bãi, bán thịt thú rừng, cờ bạc trá hình, mê tín dị đoan... liên tục được nhắc nhở trên loa hoặc trực tiếp trong khuôn viên di tích.

Bên cạnh các biện pháp tuyên truyền ứng phó với diễn biến dịch bệnh, chúng ta cần luôn sẵn sàng các giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong các mùa lễ hội tiếp theo, trong bối cảnh bình thường mới. Thước đo hiệu quả tuyên truyền chính là sự đồng thuận trong nhận thức, hành động của người dân. Vì vậy, cần phải tuyên truyền đến từng cá thể tham gia lễ hội về những hành động chuẩn mực, ứng xử văn hóa. Chẳng hạn, tại lễ hội Chùa Hương, mỗi người chèo đò, người bán hàng đều cần trở thành một tuyên truyền viên tích cực. Tại hội Phết Hiền Quan hay lễ hội Đúc Bụt, có thể nhờ vào uy tín của các bậc cao niên để tuyên truyền, tác động thay đổi nhận thức của người dân, qua đó đẩy lùi biến tướng, phản cảm. Nếu như những mùa lễ hội trước, dư luận lên án các hiện tượng tranh cướp, xô đẩy, chen lấn… thì nay, hình ảnh những người đi lễ không đeo khẩu trang, không đảm bảo giãn cách… đã bị báo chí, cộng đồng lên án mạnh mẽ. Tiếng nói từ dư luận chính là một kênh tuyên truyền mạnh mẽ, góp phần đẩy lùi hiện tượng phản cảm, biến tướng trong thực hiện nếp sống văn minh lễ hội.

(Ông LƯƠNG ĐỨC THẮNG, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL)

“Hình thành những khuôn mẫu ứng xử trong lễ hội”

Hiện nay, nhiều lễ hội đang bị biến đổi do tác động của mặt trái cơ chế thị trường và các nguyên nhân khác. Vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản lễ hội là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách. Một trong những giải pháp là hình thành những quy tắc ứng xử trong lễ hội. Bởi trước hết, lễ hội được tổ chức nhằm giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân.

Quy tắc ứng xử trong lễ hội bao gồm các thành tố: Ứng xử văn hóa của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương nơi tổ chức lễ hội; ứng xử văn hóa của cộng đồng địa phương nơi tổ chức lễ hội; ứng xử văn hóa của cá nhân, doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ; ứng xử văn hóa của du khách.

Trong đó, các cá nhân, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại lễ hội cần có thái độ kinh doanh trung thực, tôn trọng khách hàng, giữ chữ tín, công khai, minh bạch giá cả; không bày bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; không bày bán động vật quý hiếm và các điều cấm kinh doanh của BTC… Du khách đến lễ hội cần ứng xử văn hóa với các nhân vật thờ phụng, các di tích, không gian thiêng; tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của BTC, BQL lễ hội; có thái độ hòa nhã, lịch sự, tôn trọng người già, nhường nhịn trẻ nhỏ, giúp đỡ phụ nữ có thai, người khuyết tật; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục, không nói tục, chửi thề, không xô đẩy, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội; thực hiện các nghi lễ thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường…

Dư luận xã hội đóng vai trò quan trọng trong quản lý cá nhân dự lễ hội, đặc biệt khi dư luận được tạo dựng bởi các nhà khoa học, người uy tín trong cộng đồng... BTC lễ hội cần cộng tác với các nhà khoa học, những người có uy tín trong cả việc tư vấn tổ chức lễ hội đến việc tạo dựng dư luận. BTC lễ hội cũng cần chủ động sớm thông tin về lễ hội, nội dung phê phán các hành vi vi phạm quy tắc ứng xử lễ hội nhằm tranh thủ sự ủng hộ của dư luận.

Quy tắc ứng xử trong lễ hội cần được tuyên truyền thường xuyên trên phương tiện thông tin đại chúng. Mặt khác, BTC lễ hội cũng tham mưu chính quyền địa phương xây dựng các chế tài xử phạt, thường xuyên thông báo các hành vi vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Vấn đề tuyên truyền, hướng dẫn quy tắc ứng xử lễ hội cũng cần chú trọng những thời điểm trọng tâm, trọng điểm như trước và trong mùa lễ hội. Việc tuyên truyền thường xuyên về quy tắc ứng xử, kiểm tra xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm sẽ tạo thành các khuôn mẫu ứng xử trong lễ hội mang tính chất bền chặt.

(TS TRẦN HỮU SƠN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian)

 

 100% lễ hội tại Việt Nam sẽ được số hóa

Theo Đề án Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam do Bộ VHTTDL phê duyệt, 100% dữ liệu các loại hình lễ hội Việt Nam sẽ được số hóa để bảo tồn, bao gồm các loại hình: Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài.

Hiện chưa có đề án nào ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa nên việc quản lý và khai thác tài liệu về lễ hội gặp nhiều khó khăn. Việc xây dựng Đề án là cần thiết để quản lý, thống nhất chuyên môn về nghiệp vụ lưu trữ trong lĩnh vực lễ hội. Đề án sẽ triển khai các nội dung: Điều tra, thống kê các loại hình lễ hội; số hóa, chuẩn hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội; xây dựng, vận hành phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu nhập số liệu điều tra, Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam và bổ sung trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ việc nhập liệu, xử lý, tổng hợp và khai thác cơ sở dữ liệu; đào tạo, tập huấn khai thác sử dụng phần mềm; duy trì, vận hành hằng năm.

THẢO PHƯƠNG

 

 MINH NGỌC (lược ghi)

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top