Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Thư viện sẽ “sống” ra sao thời 4.0?

Thứ Tư 28/11/2018 | 10:40 GMT+7

VHO- 4.0 bên cạnh việc tạo nên những cơ hội thì cũng đang đặt ra cho ngành thư viện vô số thách thức phải đối mặt. Đổi mới hoặc tụt hậu, gia tăng khoảng cách với cộng đồng thư viện thế giới đã được các chuyên gia cảnh báo kèm theo hình dung về “viễn cảnh” là tình trạng quay lưng của bạn đọc truyền thống. 

 Thư viện điện tử ĐH Dân lập Hải Phòng

Tuy nhiên, bối cảnh này cũng đồng thời đặt ra dấu hỏi: Thư viện Việt Nam cần đổi mới như thế nào?
Đổi mới hoặc không có bạn đọc
Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ tiếp tục tạo cho ngành thư viện nhiều cơ hội mới. Trong đó, vị thế và vai trò của thư viện sẽ gia tăng với sự ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông.
“Các thư viện đã có thêm chức năng mở rộng vượt ra ngoài việc thu thập, lưu trữ và phổ biến thông tin đơn thuần, trở thành nơi cung cấp các nguồn tin, nơi dữ liệu, kiến thức được tạo ra và chia sẻ. Thư viện đã không còn tồn tại dưới hình thức truyền thống như trước mà đã và đang mang đến cho người đọc những cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức mở. Tài nguyên thông tin mà thư viện xây dựng, phát triển, tạo ra cho bạn đọc tiếp cận vượt ra ngoài phạm vi của các bức tường thư viện…”, bà Ngà cho biết.
Cùng với việc xây dựng bộ sưu tập các tài liệu in, tài liệu đa phương tiện, nhiều thư viện đã chủ động thu thập dữ liệu/tài liệu số; xây dựng các chính sách để truy cập, chia sẻ và sử dụng lại dữ liệu; tiến hành xử lý, lưu trữ và bảo tồn, quản lý dữ liệu; truyền thông, tổ chức cho mọi người sử dụng.
Kết quả nghiên cứu của Vụ Thư viện cho biết, trong bối cảnh mới, sự phát triển của thư viện điện tử đáp ứng yêu cầu của cách mạng 4.0 tuy là một vấn đề mới nhưng đã sớm được các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực thư viện quan tâm, nghiên cứu, tìm tòi và phát triển. Nhiều tổ chức nước ngoài, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp đã đồng hành với ngành thư viện trong những thay đổi này. Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và Internet công cộng” đã trang bị hơn 7.700 máy tính, máy chủ, máy scan, hỗ trợ cho các thư viện công cộng tại 40 tỉnh, thành xây dựng website. Nhiều cá nhân, tổ chức cũng đã hỗ trợ cho các thư viện hệ thống trang thiết bị và máy tính hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, theo bà Ngà, nếu không xây dựng được nguồn lực thông tin phong phú, đặc biệt là xây dựng bộ sưu tập số với một hệ thống các cơ sở dữ liệu cùng các siêu dữ liệu có khả năng đáp ứng nhu cầu người đọc, thư viện sẽ dần mất đi vị thế của mình với vai trò là nơi cung cấp thông tin và tri thức. Nhiều chuyên gia thư viện cảnh báo, trong thời 4.0, dữ liệu là thứ quan trọng số 1. Không có dữ liệu, những thứ được vẽ ra về 4.0 chỉ là trên lý thuyết. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua do thiếu ngân sách nên việc bổ sung tài liệu điện tử và vốn tài liệu điện tử trong các thư viện còn nhiều hạn chế. “Vốn tài liệu điện tử, tài liệu số của các thư viện ở Việt Nam còn nghèo nàn, gần 20% thư viện công cộng chưa có tài liệu số, số còn lại dù đã có nhưng còn khiêm tốn…”, bà Ngà phân tích.
Trước những cảnh báo được đưa ra, nhiều câu hỏi được đưa ra: Thư viện Việt Nam cần đổi mới như thế nào? 

 Thư viện đa phương tiện tại Thư viện Quốc gia VN

Đổi mới phải từ nhận thức
Một trong những bất cập trong sự tồn tại của hệ thống thư viện Việt Nam để ứng phó với tốc độ phát triển vũ bão của thời đại 4.0 chính là vấn đề nhận thức về thư viện và vai trò của nó. Không ít lãnh đạo các ngành và địa phương còn chưa hiểu đúng về cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như còn xem nhẹ vai trò của thư viện. “Thực tế đó đã khiến cho một số người quan niệm rằng thư viện chỉ tồn tại dưới dạng thư viện số và không cần những tài liệu in truyền thống nữa. Một số khác đặt ra yêu cầu thư viện chỉ cần tìm các tài liệu số có trên mạng để tạo bộ sưu tập cho thư viện, để bạn đọc truy cập từ xa mà không cần tổ chức không gian cho người sử dụng…”, bà Vũ Dương Thúy Ngà cho biết thêm.
Bên cạnh đó, nhận thức và khả năng thông tin của người đọc, người sử dụng cũng còn nhiều hạn chế. Không ít người còn thờ ơ với việc đọc và việc tích lũy tri thức. Tỉ lệ người dân Việt Nam sử dụng thư viện còn thấp so với các nước trong khu vực và các nước phát triển trên thế giới.
Từ kinh nghiệm ở cơ sở, Phó giám đốc Thư viện KHTH TP Đà Nẵng Vũ Thị Ân chia sẻ, sự phát triển liên tục của cơ sở hạ tầng thông tin toàn cầu dẫn đến những thay đổi về công nghệ đòi hỏi các Thư viện phải có nguồn kinh phí thường xuyên để cập nhật, nâng cấp trang thiết bị và đào tạo, bồi dưỡng trình độ CNTT cho đội ngũ cán bộ thư viện. Đặc biệt, trong môi trường thư viện hiện đại đòi hỏi nhân viên thư viện phải có thêm nhiều phẩm chất, trình độ và kỹ năng mới ngoài các nghiệp vụ thư viện thông thường. “Cách mạng 4.0 cũng đang đặt ra thêm nhiều thách thức khác như vấn đề bản quyền, an toàn thông tin và bảo mật, độ tin cậy và độ trong sạch của dữ liệu. Ngoài ra, nhận thức về thư viện và vai trò của thư viện, đặc biệt là thư viện điện tử trong xã hội của một bộ phận cán bộ lãnh đạo và người dân cũng còn nhiều hạn chế”, bà Ân nói.
Đại diện này cũng cho rằng, cần có một hệ thống giải pháp tổng thể để mang đến “sức sống” cho thư viện thời 4.0, đó là: giải pháp về công nghệ, giải pháp về tăng cường nguồn tài nguyên thông tin, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải pháp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thư viện điện tử…
Phân tích thực trạng hiện nay, khi người sử dụng đến với thư viện không nhiều, TS Huỳnh Mẫn Đạt (Khoa Thư viện- Thông tin, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM) kiến nghị về việc hoàn thiện thể chế và tăng cường đầu tư của Nhà nước: “Cần sớm có Luật Thư viện hoặc bổ sung những vấn đề mới về cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó quy định cụ thể về thư viện điện tử/thư viện số và liên thông trong hoạt động thư viện. Bên cạnh đó, Nhà nước sớm ban hành chính sách về truy cập mở, về sử dụng tài liệu điện tử, quyền truy cập tài liệu điện tử đối với người sử dụng thư viện trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Nhà nước cũng cần đầu tư kinh phí và có chính sách khuyến khích đầu tư cho việc phát triển các nguồn tài liệu mở…”.
Ở góc độ khác, ông Vũ Tiến Đức, Giám đốc Trung tâm TTTV, Đại học Ngân hàng TP.HCM lưu ý: “Chúng ta phải là người sử dụng công nghiệp, dù cho công nghiệp có hiện đại đến mấy, chứ không thể để cho công nghiệp sử dụng con người. Đó là những vấn đề mà ngành thư viện Việt Nam cần suy nghĩ và đổi mới cách thức quản lý, nhằm thu hút độc giả thông minh đến thư viện…”. 

 Nhiều chuyên gia thư viện cảnh báo, trong thời 4.0, dữ liệu là thứ quan trọng số 1. Không có dữ liệu, những thứ được vẽ ra về 4.0 chỉ là trên lý thuyết. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua do thiếu ngân sách nên việc bổ sung tài liệu điện tử và vốn tài liệu điện tử trong các thư viện còn nhiều hạn chế.

(Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL)

 

 BẢO NGÂN

 

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top