Để bảo vệ di sản sống, chủ thể nắm giữ di sản phải là trung tâm

VHO - Với chủ đề “Di sản văn hóa sống và phát triển bền vững: Từ cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm", Hội thảo do Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL), Hội đồng Anh phối hợp tổ chức ngày 1.12 tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực di sản văn hóa cùng đông đảo các nghệ nhân, cộng đồng sở hữu, giữ gìn và thực hành di sản tại nhiều địa phương trong cả nước.

Để bảo vệ di sản sống, chủ thể nắm giữ di sản phải là trung tâm - Anh 1

Toàn cảnh Hội thảo

Dự hội thảo có ông Iain Frew, Đại sứ Anh tại Việt Nam; PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL); bà Donna Mc Gowan, Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam cùng các nghệ nhân nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể; các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, đại diện các cơ sở đào tạo, cơ quan, tổ chức của Việt Nam và quốc tế: Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hội đồng Anh, ICCROM, Viện Goethe Hà Nội, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền chia sẻ, di sản văn hóa phi vật thể hay “di sản sống” có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống. Di sản sống tạo cơ hội cho cộng đồng và cá nhân ý thức về bản sắc và sự kế tục. Di sản có thể thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người và giúp các cộng đồng, cá nhân kết nối với nhau ở cấp độ địa phương và với thế giới rộng lớn hơn.
Năm 2001, lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đã được luật hóa. Năm 2005, Việt Nam cũng là một trong 30 quốc gia thành viên sớm tham gia Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. “Điều đó cho thấy sự ghi nhận về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể và sự đóng góp của di sản vào phát triển bền vững và đa dạng văn hóa. Những quy định liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể nhằm mục đích bảo vệ di sản sống; đảm bảo sự tôn trọng đối với di sản đã được quy định rõ ràng trong luật, góp phần để cộng đồng và xã hội nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản và cũng ý thức bảo vệ, phát huy giá trị của di sản…”. PGS.TS Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Để bảo vệ di sản sống, chủ thể nắm giữ di sản phải là trung tâm - Anh 2

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền phát biểu tại Hội thảo

Cho tới nay, sau 18 năm tham gia Công ước, Việt Nam luôn nỗ lực thể hiện là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong việc thực hiện và thúc đẩy sự phát triển của Công ước tại Việt Nam. Với vinh dự hai lần trúng cử là thành viên Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 và có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, Việt Nam đã thực hiện bài bản việc bảo vệ và phát huy theo các Chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản đã cam kết với UNESCO sau khi được ghi danh. Di sản văn hóa phi vật thể đã khẳng định vai trò trong đời sống văn hóa-xã hội, góp phần phát triển kinh tế, du lịch và phát triển bền vững. 
Cũng theo PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, được nắm giữ, thực hành và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể, di sản sống được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường, với mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng, với tự nhiên và lịch sử của họ, hình thành trong họ ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người.

Để bảo vệ di sản sống, chủ thể nắm giữ di sản phải là trung tâm - Anh 3

Hội thảo có sự tham gia và cất lên tiếng nói của những nghệ nhân, chủ thể di sản

“Vì vậy, để bảo vệ di sản sống, trước hết phải coi cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm. Bảo vệ di sản sống, bảo vệ con người nắm giữ di sản, đó là điều quan trọng để xây dựng xã hội toàn diện, khả năng phục hồi và bền vững cho tương lai… , đúng như chủ đề Hội thảo  hôm nay”, bà Hiền nhấn mạnh.
Bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam chia sẻ, thông qua hội thảo, các đại biểu cùng nhìn nhận chiến lược phù hợp, thách thức và cơ hội trong việc tận dụng di sản phi vật thể để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững; vinh danh sự đóng góp của cộng đồng, khẳng định tầm quan trọng và vai trò trung tâm của họ trong quá trình này.
Với mục tiêu khám phá sự giao thoa giữa di sản phi vật thể và phát triển bền vững tại Việt Nam, tập trung vào vai trò và sự tham gia của cộng đồng, hội thảo là diễn đàn mở ra thảo luận giữa những người làm chính sách, chuyên gia và những người thực hành di sản văn hóa, tập trung thảo luận về những đóng góp của cộng đồng vào việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Thông qua các thảo luận, các ví dụ điển hình, hội thảo cùng nhìn nhận những chiến lược phù hợp, thách thức và cơ hội trong việc tận dụng di sản phi vật thể để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời vinh danh sự đóng góp của cộng đồng, khẳng định tầm quan trọng và vai trò trung tâm của họ trong quá trình chuyển biến này.

Để bảo vệ di sản sống, chủ thể nắm giữ di sản phải là trung tâm - Anh 4

Các đại biểu dự Hội thảo

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang (Cục Di sản Văn hóa), với tư cách là nguồn tài nguyên nhân văn có chất lượng trí tuệ cao, di sản văn hóa có khả năng phục vụ yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, tiêu biểu nhất là phát triển du lịch văn hoá hay du lịch di sản. Trên cơ sở kho tàng di sản văn hóa dân tộc, ngành du lịch sáng tạo ra các loại hình dịch vụ văn hoá biến di sản thành loại hàng hoá đặc biệt. Du lịch di sản cũng tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân cư trú xung quanh di sản văn hóa và các điểm đến du lịch.
“Những năm gần đây, ở Việt Nam đã xuất hiện thuật ngữ khoa học “kinh tế học di sản” như một xu thế mới trong nền kinh tế thị trường, đồng thời cũng tạo ra sự trao đổi học thuật sôi nổi theo cả hai chiều thuận và nghịch. Đây có lẽ là một trong các nỗ lực đưa di sản gắn liền với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ. Hầu như ở các quốc gia trên thế giới, ngoài các dự án phát triển, người ta bắt đầu quan tâm tới việc đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa dưới góc nhìn di sản đô thị và kinh tế học di sản. 
“Di sản văn hóa chỉ được bảo tồn khi nó được sử dụng và phát huy để phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam. Di sản văn hóa phải được bảo tồn như một cơ thể sống động trong đời sống của cộng đồng và tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng. Đồng thời, phải được bảo tồn trong sự phát triển tiếp nối. Những mục tiêu lớn đặt ra chỉ có thể đạt được trên cơ sở một hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách do nhà nước kiến tạo nên và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt thành của cả cộng đồng xã hội...”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang khẳng định.

Để bảo vệ di sản sống, chủ thể nắm giữ di sản phải là trung tâm - Anh 5

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình Di sản Văn hóa hướng đến sự Phát triển đồng đều, một Chương trình của Hội đồng Anh nghiên cứu những cách thức sử dụng văn hóa địa phương để cải thiện cuộc sống của mọi người trên khắp thế giới. Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “UK/Viet Nam Season 2023”, đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao Vương quốc Anh - Việt Nam và 30 năm Hội đồng Anh có mặt tại Việt Nam.
Từ năm 2021 -2023, sáng kiến “Thử thách Di sản Văn hóa cộng đồng” đã được xây dựng dưới dạng các chương trình tài trợ nhằm cho phép cộng đồng địa phương chủ động đưa ra ý tưởng và nhận hỗ trợ để thiết kế, thực hiện các hoạt động bảo tồn, phát huy và hưởng lợi từ di sản văn hóa của họ. 
Nhiều nội dung quan trọng đã được bàn thảo, chia sẻ như: Tiêu điểm quốc tế Di sản văn hóa sống và phát triển bền vững; Cơ hội và thách thức  trong di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững; Di sản văn hóa sống và cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm; Di sản văn hóa sống và sự tham gia của cộng đồng…

PHƯƠNG ANH; ảnh: KHIẾU MINH

Ý kiến bạn đọc