Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Treo ấn từ quan xưa, văn hóa từ chức nay

Thứ Năm 19/01/2023 | 19:00 GMT+7

VHO- Cuối năm tôi có về thăm quê và dự tiệc làng, nhân lúc trà dư tửu hậu câu chuyện về treo ấn từ quan ngày xưa và việc từ chức của mấy đồng chí cán bộ cấp cao ngày nay được các cụ trao đổi rất sôi nổi. Thế mới biết nhân dân ta quan tâm công việc của Đảng như thế nào.

Tranh minh hoạ của hoạ sĩ Vũ Đình Tuấn

Có thể nói hiếm có nơi nào trên thế giới môi trường chính trị tích cực đến như thế. Có được điều đó là vì ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình vận động, lãnh đạo cách mạng của mình, Đảng luôn đặt lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc lên trên hết. “Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân”. Bất kỳ cấp ủy nào, cá nhân nào của Đảng làm trái với điều đó cũng đồng nghĩa với việc làm trái với tôn chỉ, mục đích của Đảng. Việc Đảng triển khai công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực một cách quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ vừa qua chính là để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân. Việc Trung ương ra Nghị quyết tạo điều kiện để các đồng chí cán bộ có khuyết điểm, không còn đủ uy tín và khả năng hoàn thành nhiệm vụ từ chức cũng là việc làm vì lợi ích của sự nghiệp cách mạng, vì lợi ích của nhân dân. Việc từ chức của một số đồng chí gần đây chưa phải là văn hóa từ chức đúng nghĩa của nó, nhưng có thể là tiền đề cho việc hình thành văn hóa từ chức thời hiện đại. Quả thật, việc từ chức thành văn hóa từ chức không phải là chuyện dễ, cả trong thực tiễn và lý luận. Những trường hợp treo ấn từ quan trong lịch sử Việt Nam còn lưu truyền đến ngày nay cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người thầy mẫu mực Chu Văn An đã từng là Thầy của vua Hiển Tông, là Tư nghiệp Quốc tử giám và nổi tiếng với thất trảm tấu lưu truyền mãi trong dân chúng đã treo ấn từ quan để thành Tiều ẩn nơi rừng núi Chí Linh, Hải Dương. Còn nhà tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng treo ấn từ quan về làng dạy học khi bản tấu hặc tội 18 vị quan tham, lại nhũng trong đó có cả ông thông gia và con rể mình không được thực thi. Ông nổi tiếng với những sấm truyền trong dân gian.  Nói việc từ quan của hai bậc sĩ phu nổi tiếng này là văn hóa từ chức thời phong kiến ở nước ta e rằng cũng chưa hoàn toàn đúng nghĩa. Việc từ quan của hai vị khẳng định tiết tháo, phẩm hạnh của những nhân cách lớn, nó là hiện tượng văn hóa được lưu truyền trong dân chúng với sự ngưỡng mộ, trân trọng. Nhưng việc từ quan của hai vị cách nhau hàng trăm năm, Chu Văn An vào thời Trần, còn Nguyễn Bỉnh Khiêm vào thời Mạc. Sự hiếm hoi đó không tạo nên một thông lệ, một thói quen hành xử văn hóa trong chốn quan trường thời phong kiến và cũng không tạo được quan niệm bình thường trong dư luận xã hội. Bởi thế, nói ngày xưa ở Việt Nam đã có văn hóa từ chức e rằng chưa hoàn toàn như thế!

Cách mạng Việt Nam thời hiện đại cũng đã có những tấm gương lớn về việc từ chức. Cố Tổng Bí thư Trường Chinh từ chức trong cải cách ruộng đất là một ví dụ. Trong cải cách ruộng đất, Tổng Bí thư Trường Chinh không phải là người trực tiếp điều hành, tuy nhiên, với cương vị người đứng đầu của Đảng đồng chí đã từ chức. Có thể nói việc từ chức của đồng chí góp phần củng cố niềm tin trong dân chúng, cảnh tỉnh xu hướng cực tả trong vận động cách mạng. Việc từ chức của cố Tổng Bí thư Trường Chinh cũng có thể được coi là hiện tượng văn hóa đặc sắc của Đảng. Hiện nay, cũng có đồng chí tự xin thôi giữ chức vụ như Bộ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Văn Thể hoặc một vài đồng chí khác.Tuy nhiên, không thể lấy đó làm căn cứ nói rằng đã có văn hóa từ chức trong xã hội hiện đại Việt Nam. Để hình thành giá trị văn hóa, thói quen, tập tục có ý nghĩa văn hóa đòi hỏi một quá trình dài lâu hơn, phổ biến hơn, thường xuyên hơn.

Gần đây, trong chính trường các nước phương Tây có rất nhiều trường hợp quan chức từ chức. Điển hình là ở Vương quốc Anh. Số người từ chức, rồi nhậm chức trong thời gian ngắn rất nhiều, đặc biệt bà Liz Truss  nhậm chức Thủ tướng có hơn 40 ngày đã phải từ chức, nhường chỗ cho ông Rishi Sunak người thua cuộc trước bà và thắng cuộc trong bầu cử sau đó. Việc từ chức, nhậm chức đặc biệt ấy làm người ta hình dung chính trường Anh đang chao đảo.  Nhưng ở các nước phương Tây không ít lần, ít nơi đã xảy ra hiện tượng như vậy. Ở Brazil, cựu Tổng thống  Lula da Silva đã từng là tù nhân 10 năm, nhưng đã thắng cử để trở thành Tổng thống lần thứ hai. Các chính khách phương Tây từ chức không phải vì họ có khuyết điểm hoặc có tội mà vì nhiều lý do khác nhau họ từ chức. Và họ từ chức không đồng nghĩa với “thân bại, danh liệt”, đôi khi còn là cơ hội để họ vươn xa hơn trong chính trường. Tuy nhiên, đem việc từ chức ở các nước phương Tây để so sánh với việc từ chức ở ta là khập khiễng. Ở các nước phương Tây, bầu cử là “cuộc chiến” quyền lực của các đảng phái. Việc từ chức cũng có thể là toan tính chính trị của các cá nhân trong cùng một đảng hoặc trong các đảng phái khác nhau. Cũng có thể vì thế mà dư luận xã hội không quá xét nét về các cá nhân từ chức, không có nhận định quá tiêu cực về người từ chức. Ở ta mọi việc không giống như thế. Để hình thành văn hóa từ chức cần thời gian và quá trình thực hành trong thực tiễn.

Tết này, thời gian nghỉ khá dài. Câu chuyện về văn hóa từ chức chắc sẽ vẫn còn được nhắc đến ở nhiều nơi, nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trường hợp các đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng từ chức gần đây dẫu chưa thể coi là văn hóa từ chức, nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng trong công cuộc xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng đất nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ trước lúc đi xa. Tín hiệu ấy chẳng đáng mừng lắm sao!

TS NGUYỄN VIẾT CHỨC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top