Kinh tế phục hồi - văn hóa bừng sáng

VHO- Dịch bệnh chưa qua hẳn nhưng nhờ bao phủ vắc xin rộng khắp nên kinh tế bắt đầu hồi phục. Công nhân trở lại các khu công nghiệp, các lô hàng xuất khẩu lại nối đuôi nhau ra cảng, các sân bay lại nhộn nhịp khách hàng, các địa điểm du lịch lại bận rộn trang hoàng đón khách trong và ngoài nước, các khách sạn không còn nhiều ô cửa sổ tối đèn, những túi gạo, hộp trái cây cùng nhiều nông sản và hàng hóa nhãn mác Việt Nam lại lấp đầy các kệ hàng của các siêu thị lớn trong nước và nhiều nơi trên thế giới…

 Đó là bức tranh của nền kinh tế vĩ mô đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Giống như một khu rừng mà màu xanh của lá mới đang thay thế dần màu vàng úa vì sự tàn phá của mùa khô hạn khắc nghiệt.

Nhìn trên bản đồ kinh tế thế giới, Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh màu xám của tình trạng suy thoái kinh tế do đại dịch và trừng phạt lẫn nhau. Điểm sáng ấy được tạo thành bởi nhiều điểm sáng nhỏ hơn như: Kinh tế được dự báo tốc độ tăng trưởng trên dưới 7%, vốn đầu tư nước ngoài từ các công ty xuyên quốc gia đổ vào rất nhiều, nhất là lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đứng thứ nhì Đông Nam Á. Sản phẩm chế tạo từ Việt Nam kể cả công nghiệp, điện tử và nông ngư nghiệp có trên tất cả các kệ hàng của các siêu thị của nhiều nước lớn trên thế giới.

Nhìn trên bản đồ kinh tế Việt Nam thì thấy tính đa dạng và phong phú do đã phát huy được tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương, từng khu vực: Về công nghiệp, điểm sáng lớn nhất vẫn là “vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” bao gồm TP.HCM và các tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ hầu hết các khu công nghiệp lớn nhỏ đã phục hồi sức sản xuất gần như hoàn toàn, các dự án phát triển hạ tầng giao thông đang được đẩy nhanh tiến độ, sẽ tạo ra sức bật mới trong tương lai gần. Miền Tây Nam Bộ vẫn giữ vững lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế về lúa gạo, nông sản và thủy hải sản. Các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ đang còn tiềm năng và đang thu hút ngày càng nhiều đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các tỉnh miền núi phía Bắc tuy công nghiệp còn hạn chế nhưng với phong trào “mỗi địa phương một sản phẩm” đã khai thác được nhiều thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp và làng nghề độc đáo đã vươn ra thị trường thế giới.

Về du lịch, trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua, lượng khách du lịch tăng rất cao, nhất là khách du lịch trong nước có nơi tăng gần mười lần. Điều đó chứng tỏ đời sống nhân dân đã được nâng lên đáng kể do nền kinh tế vĩ mô phục hồi tốt, kiềm chế được lạm phát và đang tăng trưởng nhanh.

Mặc dù còn không ít những di chứng tiêu cực từ đại dịch và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nhưng thực tế đã cho thấy sự phục hồi ngoạn mục của kinh tế Việt Nam. Bức tranh kinh tế tươi sáng ấy được phản ánh qua bức tranh văn hóa, thể hiện qua những ngày lễ lớn của đất nước như: Giỗ tổ Hùng Vương, Ngày 30.4 và 1.5, Quốc khánh 2.9 đều là những dịp để các địa phương, các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam khoe sắc màu văn hóa của riêng mình.

Ngày nay trong thời đại 4.0, với công nghệ truyền thông hiện đại, người dân cả nước và nhiều nơi trên thế giới có thể thưởng thức những lời ca, điệu múa, ngắm nhìn những nhạc cụ, những bộ trang phục độc đáo của các dân tộc ở miền rường núi Tây Bắc, Đông Bắc đến tiếng cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên hay các cuộc đua thuyền, các đội múa lân sư rồng ở các tỉnh vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Ngay cả hoạt động văn hóa trong lĩnh vực quân sự tại Armygam ở Nga, Việt Nam cũng gây ấn tượng rất tốt đẹp với những nét văn hóa thuần Việt, độc đáo.

Tất cả những hoạt động văn hóa đa sắc màu đó không phải bây giờ mới có nhưng dường như ngày nay bừng sáng hơn do phản chiếu và cộng hưởng từ điểm sáng của phát triển kinh tế. Điều đó có thể cảm nhận được từ quan sát ánh mắt và sắc mặt vui tươi, nụ cười hạnh phúc, trang phục rực rỡ của những người dân và du khách tham gia lễ hội - nhất là sự dàn dựng các chương trình công phu, hoành tráng với nhiều thiết bị hiện đại về âm thanh, ánh sáng hình ảnh… như ở Lễ hội giỗ tổ Hùng Vương, khai mạc SEA Game, lễ hội thành Tuyên…

Bức tranh kinh tế và văn hóa Việt Nam tuy chưa phải đã hoàn hảo nhưng đều đang chuyển sang gam màu sáng. Đúng như câu nói của người xưa “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Ngày nay là “Kinh tế sinh văn hóa” trong một xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh”. 

 TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc