“Ngáo” mạng xã hội: Ảo tưởng quyền lực

VHO- Vì tính tiện lợi và phổ cập của mạng xã hội, nên thời gian qua không ít người dùng đã phát sóng trực tiếp (livestream) hay đăng tải clip chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm nhục người khác... Cùng với đó, sự theo dõi, cổ xúy của một bộ phận công chúng đã khiến nhiều người ảo tưởng rằng mình đang có trong tay thứ “quyền lực” cao siêu nào đó....

“Ngáo” mạng xã hội: Ảo tưởng quyền lực - Anh 1

 Cơ quan công an đọc lệnh khởi tố đối với vợ chồng chủ shop quần áo Mai Hường vì hành vi bạo hành, làm nhục người khác (Ảnh: CÔNG AN TP THANH HÓA)

 Quyền lực “ảo” nhưng đi tù “thật”

Dư luận không ít lần chứng kiến những phiên tòa online được các “thẩm phán tự xưng” ra rả luận tội trên mạng xã hội. Nực cười ở chỗ, một số người dù không hề liên quan nhưng khi “thấy chuyện bất bằng” là cầm điện thoại lên sóng để ra vẻ ta đây hào sảng, phần để chứng minh quan điểm, phần để ra oai với cộng đồng. Không chỉ tự ý phán xét người khác, một số đối tượng còn kiêm luôn cả việc “thi hành án”. Họ lập bè kéo cánh, rủ nhau đến tận nhà “tội nhân”, chỉ tay vào mặt chửi bới, thậm chí đánh đập, hành hung rồi tung clip lên các nền tảng trực tuyến. Thấy clip có nhiều lượt thích, lượt chia sẻ, những người này lại càng hả hê, tưởng rằng mình nhận được sự ủng hộ của dư luận. Thế nhưng sau đó, mọi chuyện trái ngược hoàn toàn khi những “thẩm phán” rởm này lần lượt bị cơ quan chức năng “bế” đi...

Còn nhớ trước đây, TAND TP Bắc Ninh đã tuyên phạt Nguyện Văn Thiện, chủ quán Nhắng nướng Hiền Thiện 12 tháng tù và Lãng Văn Vân (nhân viên quán) 9 tháng tù về tội danh “làm nhục người khác”. Nguyên nhân là do một nữ khách hàng đăng bài tố cáo đồ ăn của quán có sán nên đã bị các đối tượng chửi bới, mạt sát rồi ép phải quỳ gối xin lỗi. Đáng nói, toàn bộ quá trình được Thiện phát trực tiếp trên Facebook cá nhân khiến người xem bức xúc vì thái độ hung hãn, coi “trời bằng vung”, khinh thường pháp luật của các đối tượng này.

Một vụ việc khác cũng từng gây bức xúc trong dư luận là trên Facebook lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một nữ sinh đang quỳ gối van xin, khóc lóc nhưng vẫn bị một người phụ nữ cầm kéo đánh vào đầu, cắt tóc, cắt áo ngực… Thời điểm xảy ra sự việc, những người có mặt tại đó không hề can ngăn mà còn hỗ trợ người phụ nữ kia khống chế cô bé. Sự việc sau đó được xác định xảy ra tại cửa hàng quần áo Mai Hường tại Thanh Hóa. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc chủ shop này khẳng định nữ sinh đã lấy trộm chiếc chân váy và bắt nạn nhân đền bù thiệt hại gấp hàng chục lần giá trị hàng hóa bị đánh cắp. Clip sau khi đăng tải đã gây phẫn nộ trong dư luận. Cộng đồng mạng kịch liệt phản đối hành vi có tính côn đồ, phản cảm của chủ shop. Lập tức, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thanh Hóa đã vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án hình sự làm nhục người khác và cưỡng đoạt tài sản đối với chủ shop Cao Thị Mai Hường.

Rồi mới đây, vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố hình sự vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” do có hành vi lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội để tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp có nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư, xúc phạm danh dự, phân phẩm của người khác… Đây là vụ việc điển hình cho hành vi “vạ miệng online”.

“Ngáo” mạng xã hội: Ảo tưởng quyền lực - Anh 2

 Lên mạng livestream để xúc phạm, thóa mạ người khác là hành vi vi phạm pháp luật

Chỉ vì hai chữ “thể diện”

Trên thực tế, chỉ có tòa án mới được phép quyết định ai đó có phạm tội hay không, thế nhưng nhiều đối tượng đã ngang nhiên “thượng” lên trán mình hai chữ “quyền lực” để vô tư công kích, xúc phạm, xỉ nhục, kết tội hết người này đến người khác... Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Câu chuyện đếm like, share đang khiến nhiều người ngộ nhận về tầm ảnh hưởng của mình. Càng nhiều người quan tâm thì họ càng nghĩ mình đang đóng góp cho xã hội. Ngoài ra, các trang mạng cộng đồng nói chung hay livestream nói riêng khiến người ta có thể dễ dàng phát ngôn mà không cần trực tiếp đối mặt với đối tượng tiếp nhận phát ngôn. Các nền tảng này cũng giúp người xem tiếp cận với tin tức rất nhanh, hậu quả là dư luận phản ứng bằng cảm xúc, dựa trên cảm tính nhiều hơn lý trí, đưa ra nhiều thông tin sai sự thật”.

Nhận định thêm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc xuất hiện nhiều “phiên tòa online”, “thẩm phán tự xưng” thời gian qua là vấn đề rất đáng lo ngại vì đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội. Thay vì thượng tôn pháp luật thì những “người phán xử” lại hành động thiếu căn cứ, võ đoán. “Tôi khẳng định chúng ta cần có tòa án vì những tranh chấp cần được giải quyết trên tinh thần khách quan, minh bạch… Đảng và Nhà nước ta đang nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền. Ở đó, mọi người đều có quyền và nhận được các quyền bảo vệ cơ bản. Vì vậy, những cá nhân trên mạng xã hội nhân danh công lý để luận tội, công kích nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác là đi ngược lại với tôn chỉ, nguyên tắc pháp luật. Ngoài ra, những “phiên tòa” như vậy còn rất coi thường các nguyên tắc đạo đức xã hội”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu rõ.

Cùng chung quan điểm, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (ĐHQGHN) cho rằng: “Chúng ta đang sống trong một xã hội rất nhạy cảm với hai chữ thể diện. Những phán xét được hiểu là những nỗ lực để làm hạ thấp địa vị xã hội của người khác, qua đó, gián tiếp nâng cao địa vị xã hội của bản thân. Việc các “thẩm phán online” công khai chỉ trích, thóa mạ người khác dù đứng ở góc độ nào cũng thể hiện sự hung hăng, thiếu văn hóa trong cách hành xử”.

PGS.TS Trần Thành Nam cho hay, khi phải đối mặt với những lời xúc phạm nhắm vào mình, người nghe cần bình tĩnh để nhận định xem đó là thông tin đúng hay sai, tránh tranh cãi không cần thiết: “Nếu lời đả kích đó là đúng sự thật thì nên coi đó là sự góp ý, bởi nó giúp ích cho chúng ta. Ngược lại, nếu đó là lời xúc phạm vô căn cứ, người nghe cần tỉnh táo để tránh bị cuốn vào tranh cãi. Thậm chí, đơn giản chỉ là bỏ qua. Trong mắt nhiều người, đó có vẻ như thể hiện sự yếu thế, nhưng thực chất lại là cách hành xử văn minh, bản lĩnh. Trường hợp cần thiết, người bị xúc phạm nên tìm đến sự giúp đỡ của các cơ quan thực thi pháp luật thay vì tự mình xử lý vấn đề”.

Ở góc độ quản lý nhà nước, PGS.TS Bùi Hoài Sơn mong muốn sẽ có riêng một bộ luật về các hành vi ứng xử trên mạng xã hội, ngoài Luật An ninh mạng và Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Livestream là một trong số những hành vi cần có chế tài riêng. “Mạng xã hội giờ không còn ảo nữa mà tác động của nó đến văn hóa - xã hội đã rất rõ. Do đó, chúng ta cần đến hành lang pháp lý để xử lý nghiêm những phát ngôn lệch chuẩn, phản cảm. Tuy vậy, tôi cho rằng pháp luật vẫn chỉ nên là công cụ cuối cùng để xử lý vi phạm, nhận thức của người sử dụng vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong việc hình thành văn hóa ứng xử lành mạnh trên mạng xã hội”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

 ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc