Giữ gìn sự tôn nghiêm của người thầy

VHO- Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện hai video clip về cảnh bạo hành học sinh xảy ra tại trường THCS Ngô Thời Nhiệm, huyện Định Quán (Đồng Nai). Clip thứ nhất diễn ra tại lớp 9A8 vào giờ Tin học, thầy giáo trong lúc hỏi bài cũ đã thẳng tay tát một nam sinh hai cái. Video thứ hai ghi lại ở lớp 7A8, cô giáo dạy Sử lấy sách, vở từ cặp của một học sinh vứt xuống đất. Trong bản tường trình, thầy giáo tát nam sinh viết, mình chỉ “đánh nhẹ” nhằm mục đích dạy dỗ chứ không cố ý tát mạnh.

Giữ gìn sự tôn nghiêm của người thầy - Anh 1

Thầy giáo H. tát học sinh. Ảnh cắt từ clip

 Trong khi đó, giáo viên dạy Lịch sử thì cho biết, trong khi cô giảng bài, em học sinh này ngồi nói chuyện riêng; cô giáo nhắc nhở nhiều lần không được nên đã gọi học sinh lên bảng kiểm tra, do em này không có vở nên cô “giũ cặp” để tìm vở ghi bài…

Sự việc xảy ra khiến nhiều người bức xúc, bất bình. Cách hành xử thiếu chuẩn mực của các giáo viên trên đã ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục nói chung và uy tín của nhà trường, cũng như cá nhân các nhà giáo nói riêng. Sau sự việc, ngành Giáo dục sẽ chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm nhưng không thể xóa được những hình ảnh “phản giáo dục” mà những giáo viên này đã gây ra trong tâm trí các em.

Tình trạng giáo viên có hành vi bạo lực, thiếu chuẩn mực đối với học sinh thời gian qua vẫn thường xuyên xảy ra. Khi học sinh mắc lỗi thì bị giáo viên áp dụng các hình phạt như quỳ, úp mặt vào tường, cho nghỉ học, “bêu tên” trước toàn trường, uống nước giặt giẻ lau bảng hoặc có hành vi đánh đập gây thương tích cho học sinh… Những hành vi phản cảm đó chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu nên đã giảm đi sự tôn nghiêm và kính trọng của học sinh đối với người thầy. Chứng kiến cảnh đó, các em không khỏi hoang mang, lo lắng; thậm chí có em quá lo sợ nên bỏ học, trầm cảm, nhốt mình trong phòng không chịu ra ngoài. Và thực tế, đã có học sinh bất mãn với hành vi thiếu chuẩn mực của giáo viên nên về mách với phụ huynh, không hiếm trường hợp phụ huynh thuộc dạng “anh chị” đã kéo đến trường làm to chuyện như bắt giáo viên phải quỳ để xin lỗi hoặc “kéo 500 anh em xã hội” vào trường “xử lý” giáo viên để trả thù…

Lứa tuổi học sinh luôn hiếu động, muốn thể hiện mình nên một số em chấp hành nội quy, quy chế của lớp, của trường chưa được tốt, còn ham chơi và không nghe lời giáo viên… Đối với trường hợp này, giáo viên cần phải nhẹ nhàng, bình tĩnh, khéo léo xử lý tình huống. Đối với những em bướng bỉnh, cá biệt thì giáo viên nên phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh để có hướng xử lý, giáo dục phù hợp.

Thiết nghĩ, ngành giáo dục cần phải có biện pháp chỉ đạo chấn chỉnh, không để lặp lại những hành vi bạo lực, thiếu chuẩn mực nhà giáo trong môi trường học đường. Đồng thời, muốn cảm hóa được học sinh ngỗ nghịch, trước hết, mỗi giáo viên phải biết tự kiềm chế, dùng tình yêu thương để o dục các em một cách tối ưu nhất, sao cho vừa nhẹnhàng, vừa khéo léo, vừa tình cảm và tuyệt đối không có hành vi bạo lực, phảm cảm với học sinh trong bất cứ hoàn cảnh nào. 

ĐỖ VĂN NHÂN

Ý kiến bạn đọc