Cần có chế tài đủ mạnh đối với giới showbiz vi phạm
VHO- Hiện nay, một số người hoạt động nghệ thuật hay còn gọi là giới showbiz thường xuyên có những hành động, phát ngôn trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đặc biệt là có những “ngôi sao”, người nổi tiếng còn có các hành vi vi phạm pháp luật khá nghiêm trọng như công khai xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội, cổ vũ, khuyến khích những việc làm phản cảm, thậm chí nguy hiểm cho cộng đồng hoặc có hành vi lừa đảo trong kêu gọi từ thiện, quảng cáo sai sự thật…
Tuy nhiên, chế tài xử lý đối với những đối tượng này còn rất hạn chế, chủ yếu là xử phạt hành chính hoặc bỏ lửng. Nhiều vụ việc rất nghiêm trọng khiến dư luận ồn ào một thời gian nhưng cuối cùng… đâu vẫn hoàn đấy. Và như vậy, hệ lụy tiêu cực mà họ gây ra cho xã hội vì thế cứ tiếp tục xảy ra như cơm bữa.
Có thể khẳng định, hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thường mang lại tác động tiêu cực cho xã hội nhiều hơn những người bình thường, đa số đều có tầm ảnh hưởng nhất định đến một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ. Vì vậy, bất cứ hành vi vi phạm pháp luật, hành động không chuẩn mực nào đó của họ sẽ gây hậu quả nặng nề đến trật tự và an toàn xã hội.
Ở một số nước, việc quản lý hoạt động, hành vi của những người nổi tiếng, nhất là những người trong giới showbiz rất chặt chẽ, nghiêm khắc. Vì sự ảnh hưởng của họ đối với xã hội rất lớn nên hành vi của họ thường bị xem xét xử lý nghiêm và khung hình phạt cũng nặng hơn những người khác. Một số nước được coi là luôn đề cao “tự do cá nhân” nhưng việc xử lý những người nổi tiếng, có ảnh hưởng cũng khá nghiêm khắc. Đặc biệt như Trung Quốc, Cơ quan quản lý mạng xã hội đưa ra các quy định hạn chế nghiêm ngặt về những nội dung người nổi tiếng, đại diện nghệ sĩ, thậm chí fan của họ có thể đăng tải trên mạng xã hội. Nhiều biện pháp kiểm soát được đưa ra nhằm thắt chặt những công việc liên quan đến hoạt động quản lý thông tin trực tuyến của các ngôi sao giải trí. Trong đó, hình phạt nặng nề nhất là “phong sát”, tức cấm sóng các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức. Một khi đã bị “phong sát” thì sự nghiệp nghệ thuật coi như chấm dứt vĩnh viễn, vì thế đa số nghệ sĩ khi bị lệnh này đều tuyên bố giải nghệ, phá sản.
Vừa qua dư luận rất đồng tình và ủng hộ việc Bộ VHTTDL đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Đây là động thái kịp thời và cần thiết của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, theo chúng tôi, chỉ dừng ở đấy thôi thì chưa đủ. Có áp dụng “phong sát” như ở nước bạn không thì cũng phải cân nhắc vì mỗi nước có đặc thù khác nhau, không thể rập khuôn máy móc, nhưng cũng không thể có phần dễ dãi như hiện nay, nhất là những “nghệ sĩ” tự do, trừ phi họ vi phạm pháp luật, còn không gần như muốn làm gì thì làm. Việc tăng cường các biện pháp, chế tài nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng giới văn nghệ sĩ có những hành động vi phạm pháp luật, trái đạo đức; đồng thời để cảnh báo trực tiếp, tác dụng uốn nắn, răn đe các nghệ sĩ về sau. Bởi nếu kéo dài tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến trật tự xã hội, sự phát triển lành mạnh của nền văn hóa, nghệ thuật của đất nước.
THS PHẠM VĂN CHUNG