Hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến: “Chìa khóa” minh bạch
VHO- Hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM (MCM) sử dụng giải pháp công nghệ bảo vệ bản quyền, giúp tác giả có thể đo đếm chính xác số lượt sử dụng, theo dõi được việc phân phối sử dụng tác phẩm trên Internet vừa chính thức ra mắt tại Hà Nội.
Ra mắt Hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM
“Chìa khóa” bảo vệ bản quyền âm nhạc
Lần đầu tiên, tại Việt Nam ra đời hệ sinh thái bảo vệ bản quyền âm nhạc trên Internet. MCM do Công ty cổ phần Bản quyền Âm nhạc trực tuyến (MCM Online) xây dựng bằng hai công nghệ: Bảo vệ bản quyền Sigma DRM và đánh dấu bản quyền Sigma Watermarking.
Đánh giá cao ý nghĩa của sự ra đời hệ sinh thái bảo vệ bản quyền âm nhạc trên Internet, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL phát biểu, vấn đề bản quyền là câu chuyện quan tâm chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt trong thời đại công nghệ số phát triển, vấn đề bảo vệ bản quyền rất sôi động, đặc biệt trong không gian số. “Chính vì sự thuận tiện trong môi trường số, các tác giả có thể đưa tác phẩm đến với công chúng nhanh chóng, rộng rãi hơn. Nhưng nếu bản quyền được bảo vệ thì mới khuyến khích các tác giả, nhà đầu tư, các nghệ sĩ và nhà sản xuất có thể tiếp tục đầu đầu tư cho các sản phẩm sáng tạo…”, bà Oanh nhấn mạnh.
Lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả chia sẻ, Việt Nam đã và đang thực hiện những cam kết, nỗ lực về bảo vệ bản quyền trên trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc ra mắt hệ sinh thái bảo vệ bản quyền âm nhạc trực tuyến là một trong những công cụ cùng góp phần bảo vệ bản quyền.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL đánh giá cao ý nghĩa của sự ra đời hệ sinh thái bảo vệ bản quyền âm nhạc trên Internet
“Bảo vệ bản quyền, tôn trọng bản quyền, công khai minh bạch là câu chuyện những người sáng tạo, khai thác và sử dụng đều mong muốn. Chúng ta muốn có được những tác phẩm hay, những sáng tạo tinh thần để thưởng thức nhưng nếu không bảo vệ được tác giả, những người đã đầu tư tài chính, công sức, những nghệ sĩ biểu diễn, những nhà sản xuất bản ghi âm trên môi trường số thì cũng không có được những sản phẩm tinh thần giá trị…”, Phó Cục trưởng Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh.
Bà Oanh cũng cho biết, hệ thống quy phạm pháp luật về bản quyền tác giả đang được hoàn thiện ngày càng đầy đủ hơn. Quốc hội đang xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là bảo vệ bản quyền trên môi trường số. Khi hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, cùng với sự tham gia các điều ước quốc tế thì chuyện thực thi, minh bạch công khai trong khai thác bản quyền với sự góp phần của các nền móng công nghệ sẽ là giải pháp lý tưởng. Việc thực thi bản quyền một cách lành mạnh, công khai, minh bạch cũng sẽ là động lực khuyến khích sáng tạo, ra đời những sản phẩm tinh thần chất lượng, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.
Khát vọng nhạc sĩ phải sống được bằng tác phẩm
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Tổng Giám đốc MCM Online cho rằng, việc quản lý tốt được bản quyền sẽ dần hình thành nền văn hoá sử dụng âm nhạc có bản quyền, khi đó các tác giả sẽ nhận được sự tôn trọng, nâng niu, mang lại sự khích lệ tinh thần cho những người sáng tác âm nhạc. “Khát vọng của tôi là những người nhạc sĩ phải sống được bằng tác phẩm của mình, đơn vị sử dụng phải trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ. Cái điều tưởng như là hiển nhiên đó lại là mong ước từ rất lâu của nhiều nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho rằng, việc quản lý tốt được bản quyền sẽ dần hình thành nền văn hoá sử dụng âm nhạc có bản quyền
Âm nhạc không chỉ là đứa con tinh thần, là chất xám của các nhạc sĩ, mà còn là mồ hôi, nước mắt, là sự trải nghiệm, suốt cả một cuộc đời để viết ra được một vài bài hát. Bài hát được vang lên ở nhiều nơi nhưng nhạc sĩ lại không được trả thù lao xứng đáng là điều tôi trăn trở lâu nay. Mong ước lớn nhất của tôi là nhạc sĩ Việt Nam phải sống được bằng nghề…”, nhạc sĩ Lê Minh Sơn chia sẻ.
Anh khẳng định: “MCM chính là viên gạch đầu tiên, tử tế và minh bạch, dùng công nghệ để bảo vệ bản quyền các tác phẩm nghệ thuật trên Internet.”
Giải bài toán khó bằng công nghệ
Công nghệ Sigma DRM tiến hành mã hóa tất cả các bản nhạc, cấp khóa giải mã mỗi khi sử dụng tác phẩm, mỗi lần cấp khóa hệ thống sẽ đếm như một lần sử dụng tác phẩm.
Công nghệ Sigma Watermarking được dùng để đánh dấu (ký số) khi muốn phân phối hay phái sinh một tác phẩm âm nhạc, từ đó giúp các tác giả có thể truy vết để dễ dàng kiểm tra nguồn gốc, hoặc theo dõi việc phân phối, sử dụng tác phẩm.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn ký cam kết với các nghệ sĩ
MCM hướng tới cung cấp 3 dịch vụ chính: Uỷ quyền bảo vệ và phân phối; Xây dựng kho nhạc được bảo vệ bản quyền cho các tổ chức và cá nhân; Đánh dấu tác phẩm. Việc áp dụng giải pháp công nghệ giúp MCM đảm bảo ba yếu tố: bảo vệ, minh bạch và truy vết khi cung cấp một tác phẩm âm nhạc trên môi trường Internet. Từ đó, giúp nhạc sĩ có thể quản lý được các bản nhạc của mình khi phân phối trên mạng Internet.
Trong lộ trình phát triển, MCM định hướng trở thành hệ sinh thái bảo vệ tác quyền âm nhạc trên Internet đầu tiên tại Việt Nam - nơi cung cấp các tác phẩm âm nhạc có tác quyền cho các nhà phân phối. Cam kết tạo lập một môi trường minh bạch, tôn trọng quyền sáng tác và quyền sở hữu tác phẩm âm nhạc.
Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia chia sẻ, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet và công nghệ số thì vấn đề vi phạm bản quyền nói chung, vi phạm bản quyền âm nhạc nói riêng lại càng trở nên nhức nhối tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do đó, việc phát triển và ứng dụng công nghệ để quản lý và bảo vệ chất xám, bảo vệ tài sản trí tuệ trên môi trường mạng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
“Việc có được một công nghệ bảo vệ bản quyền âm nhạc của Việt Nam sẽ đáp ứng được mong mỏi, giải quyết bức xúc của các nhạc sĩ, các nhà sáng tác. Có bảo vệ được bản quyền, minh bạch khi sử dụng tác phẩm, mới có thể đảm bảo quyền lợi kinh tế cho các nhà sáng tác, từ đó thúc đẩy nền âm nhạc nước nhà phát triển…”, ông Hân cho biết.
Việc ứng dụng công nghệ bảo vệ bản quyền âm nhạc trên Internet rất phù hợp với xu thế của quốc tế. Những năm gần đây, tại các diễn đàn do WIPO, CISAC tổ chức đã có những chuyên đề bàn thảo sâu về vai trò của ứng dụng công nghệ mới vào sáng tạo nội dung và quản lý tác quyền. Tại Việt Nam, nếu quản lý tốt bản quyền trên Internet sẽ thúc đẩy ngành âm nhạc trực tuyến mang lại doanh thu rất lớn. Chúng ta có một nền âm nhạc phát triển với hàng triệu bài hát là tài sản vô giá. Việc làm chủ được công nghệ bảo vệ bản quyền âm nhạc trực tuyến không chỉ giải quyết được nỗi bức xúc của các nhạc sĩ ở Việt Nam, mà còn phù hợp với xu thế phát triển của âm nhạc trong kỷ nguyên số.
Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam đánh giá, việc ra mắt hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến là dấu mốc quan trọng từ góc độ công nghệ bản quyền âm nhạc. Hội Truyền thông số đã tổ chức giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam để tôn vinh các sản phẩm giải pháp, Hệ sinh thái MCM có thể được ghi nhận, vinh danh tại giải thưởng năm nay.
ANH QUYÊN