Chủ động trả lại “quà”, có được vô tội?

VHO- Liên quan đến vụ Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Phước “xin” trả lại “quà” đã nhận của Công ty Việt Á, Sở Y tế tỉnh này cho biết sẽ tổ chức hội đồng để làm rõ giá trị của món “quà” này. Với diễn biến này khiến dư luận rất muốn biết việc trả lại “quà” này có đúng cũng như việc trả lại “quà” đã nhận thì có được miễn trách nhiệm hình sự về tội “nhận hối lộ” hay không?

[EasyDNNGallery|93577|Width|600|Height|400|position||resizecrop|False|lightbox|False|title|False|description|False|redirection|False|LinkText||]

Giám đốc CDC Bình Phước

Có thể nói việc chủ động trả lại “quà” của Giám đốc CDC Bình Phước là rất đáng hoan nghênh. Bởi nhiều trường hợp tương tự vẫn cố tình bao biện, chối tội theo kiểu “cố đấm, ăn xôi”. Hành vi này không những chối tội mà còn cố tình đánh lạc hướng dư luận, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh làm rõ sự thật của vụ việc.

 Mặc dù, sự việc đang được cơ quan chức năng thụ lý, giải quyết theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, với quy định pháp luật hiện hành, bước đầu có thể nhận định: Giám đốc CDC Bình Phước nhận “quà” từ doanh nghiệp khi thực hiện việc đấu thầu, mua sắm tài sản công mà không ngay lập tức báo cáo cơ quan chức năng, cấp trên để kịp thời xác minh, lập biên bản, xử lý mà chờ gần 2 tháng sau khi vụ việc bị phát hiện, vỡ lở mới báo cáo, trả lại “quà” là không đúng quy định. Cụ thể là vụ việc tiêu cực, tham nhũng, “thổi giá” trang thiết bị y tế tại Công ty Việt Á bị khởi tố, điều tra mở rộng mới báo cáo, trả lại “quà” đã nhận về cơ bản nếu có tội phạm xảy ra thì tội phạm đã hoàn thành. Bởi đơn giản không có chuyện “ăn trộm xong bị phát hiện thì mang trả lại đồ” là coi như vô tội, không có gì xảy ra được!

Theo cơ quan công an thì một số đơn vị y tế các tỉnh, thành đã nhận “ăn chia”, “lại quả”, hoa hồng từ Công ty Việt Á và cơ quan điều tra xác định hành vi này vụ án đã cấu thành tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ”. Đồng thời, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam hàng loạt cán bộ, đối tượng có liên quan. Vì vậy, có thể khẳng định việc trả lại “quà” trong trường hợp này chỉ được coi là biện pháp chủ động khắc phục hậu quả, tự giác khai báo mà thôi, còn hành vi đã cấu thành tội “nhận hối lộ” và việc thực hiện hành vi phạm tội đã hoàn thành. Hành động “trả lại quà” trong trường hợp này chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ hình phạt về hành vi khắc phục hậu quả, chủ động, thành thật khai báo mà thôi.

Vụ án này đã được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi, do đó chân tướng vụ việc sẽ được điều tra, xác minh làm rõ trong thời gian tới. Vì vậy, việc chủ động khai báo, tự giác nhận trách nhiệm khi đã lỡ “nhúng chàm” là rất đáng hoan nghênh, nên làm để được xem xét giảm nhẹ hình phạt, tuy nhiên hành động này không làm thay đổi bản chất sự việc, hành vi phạm tội. Điều này không chỉ nhằm xử lý nghiêm mọi hành vi phạm tội mà còn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. 

 THS PHẠM VĂN CHUNG

Ý kiến bạn đọc