Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Quà biếu thời nay

Thứ Hai 20/12/2021 | 09:35 GMT+7

VHO-  Mấy Tết gần đây, chắc mọi người đều biết đã có chỉ thị cho các cấp chính quyền và cán bộ công chức không được biếu quà và nhận quà chúc Tết. Nhận tin này chắc sẽ có những người buồn và những người vui. Vì vậy, từ cách nhìn hài hước, chúng ta hãy luận bàn về quà biếu từ thời xưa đến thời kinh tế thị trường ngày nay để xem nó đã “biến hóa” như thế nào? Và có cách nào nhận diện và loại trừ nó.

Không biết từ thời kỳ đồ đá, săn bắt và hái lượm, con người đã biết đến biếu quà chưa? Có lẽ thời đó chỉ là cho nhau vài trái cây, con cá... Đến thời chiếm hữu nô lệ, chắc chỉ có các chủ nô nhỏ biếu quà cho các đại chủ nô.

 Còn các nô lệ là “vô sản tuyệt đối” thì có gì để làm quà biếu? Đến thời phong kiến, quà biếu đã trở thành phương tiện để thăng quan tiến chức gần như công khai trong hệ thống quan lại. Đến thời kinh tế thị trường, tuy vẫn còn những quà biếu nhân văn là biểu lộ lòng tôn kính, biết ơn và chia sẻ, nhưng phần còn lại đã có sự biến đổi đột biến gần giống như các “biến thể” của Covid-19 và nó trở nên “đa năng” và có thể “tàng hình”.

Tính “đa năng” được thể hiện rất rõ qua thực tế: Đó là quà biếu có những tác dụng nhiều mặt, có thể nhằm đến nhiều mục đích như: Xin vào trường điểm cho con, được nghiệm thu đề tài nghiên cứu, thông qua luận án, học hàm, học vị, trúng thầu dự án, bổ nhiệm, lên cấp lên chức… Thậm chí để “chạy” khen thưởng... và còn nhiều mục đích khác. Nói cách khác, quà biếu đã trở thành chất “bôi trơn” rất hiệu quả cho hầu hết những mối quan hệ có tính chất danh và lợi.

Tính “tàng hình” của quà biếu cũng rất tinh vi. Tức là làm cho chân dung người nhận quà không hiện hình công khai bằng các cách như mảnh đất, căn hộ này do vợ đứng tên, số cổ phiếu kia do con sở hữu, học bổng nước ngoài là công ty tài trợ, chuyến du lịch nước ngoài cho cả gia đình do doanh nghiệp mời, món quà này là mừng xuân. Do đó mới có câu chuyện hài là, một cán bộ đã dặn nhân viên văn phòng phải nhớ “quà của ông nào phải đưa đúng cho bà đó”... Tất cả những cách đó giống như “công nghệ gây nhiễu” để chân dung các quan tham không hiện trên màn hình “ra đa chống tham nhũng”.

Với tính chất “đa năng và tàng hình”, quà biếu ngày nay có khả năng biến hóa khó lường giống như các biến thể của Covid-19, đòi hỏi bộ phận “đốt lò” chống tham nhũng cần có loại “ra đa công nghệ cao”. Đó là tai mắt của nhân dân và các phóng viên báo chí chân chính để phát hiện quan tham đang ẩn nấp trong các đám mây, đồng thời phải duy trì “lò thiêu tham nhũng” lúc nào cũng đỏ lửa và thiêu cháy được cả những cây củi còn tươi như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần từng nói.

Nếu “nói không với biếu quà và nhận quà” trong dịp Tết này thì chắc đó là tin không vui cho các quan tham và những kẻ cơ hội. Nhưng sẽ là tin mừng cho các quan thanh liêm và những người chân chính, lương thiện vì sẽ thấy đỡ áp lực hơn trong cái Tết phải sống chung với Covid-19. 

 TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top