Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Nâng giá xét nghiệm covid-19 cho công nhân, vô cảm hay trục lợi?

Thứ Hai 13/12/2021 | 19:24 GMT+7

VHO- Những ngày gần đây, vụ việc nhiều công nhân ở một Công ty trên địa bàn tỉnh Bình Dương “choáng váng” khi bị trừ tiền xét nghiệm Covid-19 khi lĩnh lương khiến dư luận vừa cảm thương vừa bức xúc, phẫn nộ.

Theo phản ánh, hàng loạt công nhân của một công ty sản xuất linh kiện phần mềm ô tô, tại Khu công nghiệp VSIP I (Thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) “tá hoả” khi bị trừ từ 1,9 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng (gần hết lương) tiền xét nghiệm PCR covid-19 định kỳ từ 01 đến 3 lần. Như vậy, ước chừng số tiền cho mỗi lần xét nghiệm PCR khoảnh 1,5 triệu đồng. Phần lớn công nhân họ không bất ngờ với việc tính tiền xét nghiệm covid-19, vì họ được thông báo sẽ trừ tiền xét nghiệm vào kỳ lĩnh lương. Nhưng số tiền bị trừ quá lớn khiến họ “chết đứng”. Theo ước tính, giá mỗi lần xét nghiệm PCR trung bình từ 500.000 -1.000.000đ/lần. Trong khi đó, ngày 11.11, Sở Y tế Bình Dương đã có văn bản đề nghị các cơ sở y tế triển khai thực hiện đúng theo nội dung Thông tư số 16 của Bộ Y tế về việc quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó quy định phí xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn không vượt quá 518.400đ/xét nghiệm. Vậy, công ty nọ đã tính mức giá xét nghiệm với công nhân cao gấp hơn 3 lần so với quy định. Vậy vì sao họ lại tính giá cao như vậy? Tiền thu được thì ai là người hưởng lợi? Bất kể ai trong chúng ta cũng đều hiểu và trả lời được các câu hỏi đó.

Hãy khoan bàn đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, hay mục đích, động cơ của chủ doanh nghiệp, đơn vị y tế trong việc tổ chức lấy mẫu và tính giá xét nghiệm cao “khủng khiếp” mà hãy nhìn vào những người công nhân - những người lẽ ra phải được trân trọng như là tài sản vô giá của doanh nghiệp. Những người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, tạo ra thương hiệu, sản phẩm, tạo ra giá trị và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nhưng nhiều công nhân trong vụ việc trên phải bỏ việc, rời đi vì không chịu nổi cách hành xử của doanh nghiệp trong lúc đáng lẽ ra họ phải là người được yêu thương, chia sẻ.

Đại dịch covid-19 ập đến, bên cạnh sự tàn phá khủng khiếp đến nền kinh tế, sự tác động nghiêm trọng đến “miếng cơm”, “manh áo” của không trừ bất kỳ một ai. Đó là những tổn thất ghê gớm về tinh thần xã hội, sự  đau thương len lỏi trong từng gia đình khi mất đi người thân vì dịch bệnh… Để nhằm xoa dịu nỗi đau, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Đại lễ cầu siêu nhằm xoa dịu nỗi đau của các gia đình có người thân tử vong do COVID-19, cầu nguyện cho các vong linh tử vong được siêu thoát. Đồng thời, qua đó lan tỏa tình nhân ái yêu thương, làm bừng sáng lên tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, “Lá lành đùm lá rách,” “Nhường cơm, sẻ áo” theo truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Thế nhưng, đang lúc cả nước đang gồng gánh chống chọi dịch bệnh, giữa những tấm gương hi sinh quên mình, giữa những tấm lòng hảo tâm không tiếc công của góp sức cho cả nước và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vượt qua dịch bệnh, thì lại xuất hiện những hành vi bất chấp để tối ưu hoá lợi ích của mình, . Bên cạnh đó, hành vi nâng giá xét nghiệm (nếu có), còn có dấu hiệu của việc câu kết, trục lợi trong dịch bệnh. 

Một điều đáng bàn nữa là xét dưới góc độ xã hội đơn thuần thì lương tâm, đạo đức của chủ doanh nghiệp, cơ sở xét nghiệm ở đâu? 

Phải biết rằng, những người công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp hầu hết là những lao động nghèo, mong chờ từng đồng lương kiếm được để “sống”, để “nuôi sống” bản thân, gia đình, để lo tiền ăn học cho những đứa con thơ… Nhưng, những đồng lương ít ỏi giành cho sự sống của họ và gia đình đã bị “tước” đi trong nỗi “ấm ức”, “uất nghẹn”  pha lẫn trong những giọt nước mắt, mồ hôi của họ lăn trong xưởng máy, nhà kho. Họ đã quá khổ khi vượt qua bão dịch, chấp nhận mất một phần lương để có cơ hội được đi làm, nhưng họ không ngờ là lại mất gần như tất cả những gì họ làm ra. Vậy, họ sống nổi không? Gia đình họ có cơm ăn, áo mặc không khi những đồng tiền hi vọng đó tan biến trong nỗi khó khăn chồng chất.

Dưới góc độ pháp lý, hiện nay Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương lập đoàn kiểm tra giá các loại xét nghiệm để chấn chỉnh và xử lý ngay các vi phạm. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định. Để tránh những vụ việc tương tự xảy ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm minh những hành vi trục lợi trong dịch bệnh. Mặt khác, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cần sớm xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong việc tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho công nhân để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng mục tiêu thích ứng an toàn với dịch Covid-19 theo tinh thần của Chính phủ trong tình hình hiện nay.

NGUYỄN CƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top