Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

Thứ Tư 24/11/2021 | 11:27 GMT+7

VHO-  Ngày 24.11.2021 chắc chắn là ngày đáng nhớ đối với những người yêu văn hóa, nghệ thuật đất nước. Sau 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, đây được xem là Hội nghị Diên Hồng về văn hóa để huy động sự hiến kế đồng tâm, đồng sức, đồng lòng của những người thực hành văn hóa nghệ thuật, cũng như những thông điệp quan trọng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

 

 Chúng ta đã trải qua 35 năm thực hiện Công cuộc đổi mới đất nước, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (Cương lĩnh 1991) và 10 năm triển khai Cương lĩnh 2011. Công cuộc đổi mới đã thực sự đưa đất nước ta phát triển ở một vị thế mới, tạo ra nhiều điều kiện và cơ hội thuận lợi để thực hiện những ước mơ lớn của dân tộc: Đến năm 2030 trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây cũng là những tiền đề, bối cảnh quan trọng để chúng ta phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể nói, văn hóa Việt Nam là kết tinh thành quả lịch sử hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Chính văn hóa đã tạo ra giá trị, bản sắc dân tộc, sức mạnh đoàn kết, tình yêu Tổ quốc, giúp dân tộc trường tồn, sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Ngay sau khi đất nước giành được độc lập, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, cách đây đúng 75 năm (24.11.1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như một cách khẳng định vai trò khai sáng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển đất nước. Trong hoàn cảnh Tổ quốc gặp nhiều nguy nan khi đó, văn hóa cứu quốc ra đời đã giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành nhiều chiến thắng vinh quang.

Văn hóa là lĩnh vực đặc biệt quan trọng của đất nước, là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn, đất nước còn - văn hóa mất, đất nước mất. Chính vì vậy, phát triển văn hóa luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Trong những năm qua, sự phát triển kinh tế - xã hội, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đã tác động rất lớn đến nước ta, đồng thời đặt ra nhiều thách thức cũng như thời cơ cho sự phát triển đất nước nói chung, văn hóa nói riêng. Vì thế, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước hùng cường trở thành một nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá.

Chúng ta đang được chứng kiến một bầu không khí sôi nổi, nhiệt huyết đóng góp cho Hội nghị Văn hóa toàn quốc nói riêng, phát triển văn hóa nói chung. Điều này chứng tỏ văn hóa thực sự quan trọng và chiếm được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Hội nghị được tổ chức là một dịp quan trọng để toàn xã hội cùng thống nhất nhận thức sâu sắc và toàn diện hơn nữa về ý nghĩa của việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; về vai trò, vị trí của văn hóa trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Bằng cách thể hiện sự trân trọng đối với văn hóa thông qua việc chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự tham gia rộng rãi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ và những người thực hành văn hóa, trực tiếp và trực tuyến, ngay tại Hội trường Diên Hồng, Hội nghị đã đáp ứng mong đợi để văn hóa thực sự soi đường quốc dân đi. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, sau Hội nghị này, nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân. Qua đó, văn hóa sẽ đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc kiến tạo đất nước, yếu tố sáng tạo của văn hóa sẽ trở thành chất liệu quan trọng trong việc xây dựng quốc gia khởi nghiệp, để vốn văn hóa và tài năng của con người Việt Nam vừa tạo ra lợi ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa giúp tỏa sáng hình ảnh đất nước, để giá trị tinh thần của văn hóa trở thành nội dung cốt yếu trong việc xây dựng một quốc gia hạnh phúc. 

 PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top