Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Đồng lòng chống dịch: Cần lên án mạnh mẽ sự vô cảm, ích kỷ của một số cá nhân

Thứ Sáu 27/08/2021 | 09:38 GMT+7

VHO- Ngẫu nhiên đọc một bài viết trên mạng, gặp khái niệm VUCA. VUCA là cụm từ dùng để mô tả về thế giới đa cực, được xác lập khi thoả mãn 4 điều kiện: Biến động (Volatility); Không chắc chắn (Uncertainty); Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity). Nhân loại từng trải qua tình trạng VUCA này vào năm 2008 – 2009,  khi cả thế giới rơi vào khủng hoảng tài chính toàn cầu. Và đến hôm nay, nhân loại dường như lại đang trải qua trạng thái này lần nữa. (nguồn: Prudeltial.com.vn).

Với nhân loại nói chung và với người Việt nam nói riêng, dịch Covid – 19 là một đại hoạ ập đến bất ngờ, khiến mọi quốc gia, mọi cá nhân đều phải căng mình trong cuộc kháng cự “bốn bề thọ địch”, không có công thức chung, không thể áp dụng một chiến thuật duy nhất… và đến thời điểm này, không thể đoán định được đâu là điểm kết thúc của một làn sóng huỷ diệt đen tối. Việt nam lại là một nước chưa có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ vì thế những thiếu thốn khó khăn ập đến với quốc gia và từng cá nhân là không thể tránh khỏi. Nhưng với truyền thống của người Việt ở những thời “có biến”, tinh thần tương thân tương ái được phát huy cao độ, thống nhất từ chính phủ đến người dân. Có thể nói người Việt đang dìu nhau đi qua cơn đại dịch với thương tích nặng nề, nhưng có một thứ khiến chúng ta không hoàn toàn rơi vào, chìm đắm vào trạng thái VUCA, đó là niềm tin vào chính phủ, niềm tin vào nhau… vẫn đang được duy trì trong đại bộ phận nhân dân.

Mặc dầu vậy, có những cá nhân lộ mặt hoặc dấu mặt đang khiến cho tình hình trở nên phức tạp hơn, vào lúc mà chúng ta gần như đã kiệt sức vì chống đỡ đại dịch. Thoạt tiên là câu chuyện một số người bệnh F0 điều trị tại nhà (ở TPHCM) được các tổ chức thiện nguyện cứu bằng những bình OXY vốn rất khan hiếm trong mùa đại dịch, khi đã khỏi lại không muốn trả lại bình OXY để tổ chức thiện nguyện tiếp tục cứu người khác, mà hoặc lén bán đi, hoặc buộc những nhà thiện nguyện khi đến lấy bình phải bỏ tiền chuộc với giá cắt cổ. Thông tin này gây phẫn nộ vì máu tư lợi bất chấp tính cấp bách của hoạt động cứu người. Xã hội lên án, và cùng tìm một con đường khác để cứu nhau, để khỏi bận tâm với những kẻ ích kỷ vô nhân bất nghĩa tột cùng ấy nữa.

Và mấy hôm nay, lại một hiện tượng gây ngỡ ngàng khác làm dậy sóng cư dân mạng và các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là câu chuyện “BOM HÀNG”. Có thể nói đây chỉ là hiện tượng cá biệt nhưng rất đáng lên án bởi đó là  trò đùa ác ý, và vô nhân tính nhất mà chúng ta từng gặp trong cả chiều dài lịch sử đồng cam cộng khổ của người Việt.

Khi nhìn những người lính trẻ cặm cụi soi từng đơn hàng, lựa chọn từng sản phẩm thiết yếu để phục vụ người dân trong hoạt động “đi chợ hộ”, nhằm thực hiện triệt để CT16+ của Chính phủ, chúng ta chỉ biết buông một chữ “thương” để gửi đến họ. Đó là những người đang mang sự an toàn của sức khoẻ, thậm chí tính mạng mình ra đặt cược trong cơn đại dịch này, chỉ để mọi người dân dù ở hang cùng ngõ hẻm nào cũng sẽ có được những nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày, để mọi người, mọi nhà cùng có cơ hội bảo toàn sinh mạng chờ cơn đại dịch qua đi. Những người lính trẻ ở nhà có cha mẹ lo cho từng bữa ăn giấc ngủ, vào đơn vị có anh nuôi đi chợ nấu cơm… những người lính trẻ - những thằng con trai mới lớn lộc ngộc của chúng ta, mỗi cậu đều có một bà mẹ, một gia đình ở sau lưng ngóng theo với nỗi lo lắng xót xa khi con mình đi vào tâm dịch, và đang làm cái công việc mà chúng chưa từng phải làm. Có thể sai sót không? Có chứ. Hãy nhìn hình ảnh một anh lính trẻ chắc chưa từng phải chăm sóc phụ nữ đứng sững sờ trước kệ hàng đồ vệ sinh phụ nữ, không biết phải chọn cái gì cho “đơn hàng” mà mình được giao.  Hoặc hình ảnh một anh lính mặc đồ rằn ri ngồi xoãi chân để soi từng đơn hàng với la liệt những rau củ quanh mình… Thương và yêu biết bao. Nếu có chút sai sót nào xin hãy thể tất, và cười xoà như mỗi khi con trai, anh em trai của chúng ta về nhà với một món đồ mua ở chợ chỉ để vui lòng gia đình mà lại… không phải thứ đã được dặn dò. Và thật bất nhẫn khi sau tất cả nỗ lực để dáp ứng yêu cầu của người dân, thì chúng ta lại phải chứng kiến cảnh những anh lính trẻ đứng ngẩn ra với túi hàng đã ứng tiền mua về theo đơn yêu cầu, lại bị chính người gửi đơn hàng từ chối nhận và trả lời chỉ là một chuyện “thử coi có được đi chợ hộ thật không”. Thật quái dị khi một kẻ nào đó, dù là số rất rất ít, thậm chí là cá biệt yêu cầu mua hàng, không đưa tiền trước lại “bùng” không nhận và cười vào mặt người đã tận tuỵ giúp mình. Tiền mất vì ứng trước đã đành. Sự bối rối vì không hiểu sao mình bị “chơi khăm” mới là sự tổn thương nghiêm trọng khiến các chiến sĩ có thể nhụt trí trước nhiệm vụ tiếp theo.

Không biết trên thế giới này, có bao nhiêu quốc gia phải dùng quân đội công an vào việc… đi chợ cho dân? Nghe nói ở những quốc gia giàu có, khi người dân phải ở trong nhà, khi người lao động phải tạm nghỉ việc, chính phủ đã cấp tiền cho họ để họ không phải ra đường kiếm sống trong thời gian chính phủ yêu cầu lockdown. Nhưng với tình hình ở Việt nam, có tiền mà không thể đi chợ thì cũng làm gì được để tồn tại? Đã từ lâu, từ chính phủ đến người dân đều hiểu rằng đây chưa phải lúc để chúng ta lạc quan tếu, hay ngược lại là đay nghiến lẫn nhau. Dìu nhau qua mùa đại dịch là điều duy nhất người Việt có thể làm lúc này. Xin hãy ngừng đùa cợt với trò bom hàng. Xin hãy ngừng thử thách lòng kiên nhẫn của những con người tử tế. Xin đừng khiến trạng thái VUCA trở nên nặng  nề hơn. 

Nhà biên kịch TRỊNH THANH NHÃ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top