Lan tỏa những tấm gương bình dị mà cao quý

VHO - Ngày 28.8 tới đây tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị Tuyên dương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực VHTTDL toàn quốc năm 2023. 78 gương điển hình được tuyên dương trong Hội nghị là những tấm gương bình dị mà cao quý, đại diện vườn hoa nghìn việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước đang lan tỏa trong toàn ngành. Văn Hóa xin giới thiệu một số điển hình tập thể và cá nhân.

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Tập hợp, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ dưới sự lãnh đạo của Đảng

Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của ngành Văn hóa Việt Nam qua 78 năm cũng như sự ra đời của Hội Văn nghệ Việt Nam (1948), (trước đó là Hội Văn hóa Cứu quốc 1943) và nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết: Ngày 25.7.1948, Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã chính thức được thành lập với sứ mệnh tập hợp toàn bộ giới văn nghệ sĩ cả nước đoàn kết xây dựng nền văn nghệ cách mạng, góp phần cùng toàn dân thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng và kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước đó, vào tháng 6.1943, Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam được thành lập không lâu sau khi Đảng ta công bố bản “Đề cương Văn hóa Việt Nam” (tháng 2.1943). Đây là dấu mốc quan trọng để Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời 5 năm sau đó.

Đến nay, tổ chức văn nghệ Việt Nam ngày nay đã lớn mạnh, tập hợp hơn 40.000 văn nghệ sĩ thuộc năm thế hệ gồm các chuyên ngành (văn học, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số, kiến trúc), sinh hoạt trong 10 hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và 63 hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành trong toàn quốc cùng Quỹ hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ nhất (1987), Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2 (2008), Huân chương Sao vàng (2018).

Tính đến tháng 5.2023, dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có 136 văn nghệ sĩ được trao tặng và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, 665 văn nghệ sĩ được trao tặng và truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; hàng trăm văn nghệ sĩ được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang và các huân chương cao quý; 452 văn nghệ sĩ được tặng thưởng danh hiệu NSND, 2.621 văn nghệ sĩ được tặng danh hiệu NSƯT.

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ; chỉ đạo, định hướng các hoạt động văn học nghệ thuật. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách đối với văn nghệ sĩ.

 NNND Hoàng Thị Bích Hồng (Định Hóa, Thái Nguyên): Đau đáu với những giá trị hồn cốt của dân tộc

Lan tỏa những tấm gương bình dị mà cao quý - Anh 1

Gần 60 năm gắn bó, tâm huyết với điệu tính câu then, NNND Hoàng Thị Bích Hồng vẫn được người già, con trẻ trên quê hương cách mạng yêu mến nhắc đến như một “bảo tàng sống”, người lưu giữ những làn điệu then giàu bản sắc.

Năm 1966, khi 17 tuổi, NNND Hoàng Thị Bích Hồng đã hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Bà nắm giữ thành thục những kỹ năng về hát then, đàn tính, hát bụt cổ, then cổ. Khả năng độc tấu đàn tính thành thạo, chuyển thể các làn điệu then để viết lời, nghệ nhân Bích Hồng đã nhiều năm bước chân không mỏi để mang điệu tính, câu Then đi phục vụ đồng bào các dân tộc vùng Việt Bắc. Nghệ nhân tâm sự, hát then với bà như đã ngấm vào máu, vào tim, đi tới nơi đâu thì mạch nguồn hát then vẫn như còn theo mãi. Bởi thế, trong làng then Thái Nguyên, bà là một trong những “đại thụ” được mọi người biết đến nhiều nhất.

Năm 2007, CLB đàn Tính, hát Then tỉnh Thái Nguyên được thành lập. Nghệ nhân Bích Hồng được bầu làm Chủ nhiệm. Ngoài việc truyền dạy, bà cùng các thành viên CLB dày công sưu tầm những bài then cổ; đi nhiều nơi tìm hiểu, sưu tầm các làn điệu then và dân ca để tìm ra nét riêng của Then Thái Nguyên. “Đau đáu và trăn trở trước sự mai một những giá trị bản sắc truyền thống của dân tộc, cùng với niềm đam mê hát Then, đàn Tính và mong muốn giữ lửa, truyền lửa cho thế hệ mai sau, tất cả đã trở thành động lực giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn để duy trì hoạt động...”, nghệ nhân tâm sự.

Ở tuổi gần 80 nhưng dường như niềm đam mê ấy vẫn còn nguyên vẹn. Mỗi ngày NNND Hoàng Thị Bích Hồng vẫn không ngừng nỗ lực truyền lửa để các bạn trẻ và những người dân trên quê hương cách mạng biết đến và yêu hơn giá trị của hát Then, đàn Tính.

Ông Y Kô Niê (Phó Trưởng đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk): Nỗ lực gìn giữ những bản sắc văn hóa truyền thống

Lan tỏa những tấm gương bình dị mà cao quý - Anh 2

Là người dân tộc tại chỗ, nhiều năm gắn với công tác bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, ông Y Kô Niê (dân tộc Ê Đê, Đắk Lắk) luôn trăn trở trước thực trạng nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đang dần mai một. “Có quá nhiều những yếu tố hiện đại thu hút mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Nguy cơ mai một những giá trị truyền thống như tiếng nói, chữ viết, trang phục, nếp sống… đòi hỏi mỗi người phải nâng cao trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Tôi luôn tâm niệm rằng bất cứ giá nào cũng phải góp sức mình trong hành trình bảo tồn, giữ gìn những vốn quý ấy”, ông Y Kô Niê tâm sự.

Với tâm niệm đó, ông Y Kô Niê dành nhiều thời gian, tâm sức tham gia công tác sưu tầm, nghiên cứu; mở các lớp bảo tồn những giá trị truyền thống như lời nói vần, dân ca, cồng chiêng… Ông cũng đã tham mưu xây dựng Kế hoạch mở các lớp tập huấn bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho cán bộ xã, phường làm công tác sưu tầm, bảo tồn văn hóa phi vật thể; soạn thảo tài liệu hướng dẫn cho các lớp tập huấn về công tác tổ chức, hoạt động nhà văn hóa cộng đồng cho các thành phần là già làng, trưởng thôn, buôn trên địa bàn tỉnh.

Là một trong 78 điển hình được tuyên dương tại Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến lĩnh vực văn hóa toàn quốc, với Y Kô Niê là một niềm tự hào, đồng thời là cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về công tác sưu tầm, lưu giữ và bảo tồn tại các địa phương. “Tôi đang rất hào hứng chờ đến giờ phút đó…”, ông Y Kô Niê bộc bạch.

Ông Phan Thuyết Trình (Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tân Đông, Đông Hòa, Phú Yên): Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới

Lan tỏa những tấm gương bình dị mà cao quý - Anh 3

Lâu nay, ở các đám tang, việc rải, đốt vàng mã có lẽ không xa lạ đối với người dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên nói chung, xã Hòa Tân Đông nói riêng. Ông Phan Thuyết Trình chia sẻ: “Việc làm này không những gây tốn kém về tiền bạc mà còn gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng mất mỹ quan đô thị. Việc rải, rắc nhiều vàng mã trên đường là thói quen kéo dài, gây ra không ít phiền toái cho người đi đường, rộng hơn là ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng”.

Nhận thấy những bất cập đó, phát huy vai trò lãnh đạo chính quyền ở địa phương, ông Phan Thuyết Trình đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các thôn đưa nội dung thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào hương ước của từng thôn, chỉ đạo tuyên truyền những quy định về việc rải vàng mã trên hệ thống đài truyền thanh. “Việc vận động, tuyên truyền người dân từ bỏ những thói quen lâu năm, lại liên quan đến niềm tin tâm linh là việc làm tế nhị, nhạy cảm, nhưng nhận thấy những tác động lớn đến việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, địa phương đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, để người dân dần nhận ra thói quen này không phù hợp với việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh hiện nay”, ông Trình cho biết.

Kiên trì vận động, tuyên truyền, đến nay, đã có 5/5 thôn trên địa bàn xã Hòa Tân Đông cụ thể hóa mô hình “Người dân thực hiện văn minh trong tang lễ và báo hiếu” bằng cách đưa chỉ tiêu không rải vàng mã vào việc thực hiện quy ước, hương ước xây dựng thôn văn hóa, gắn với nét đẹp văn hóa trong việc cưới, việc tang. Tiêu chí này cũng được đưa vào để bình xét công nhận danh hiệu gia đình văn hóa hằng năm. Sau hơn 5 năm triển khai, đến nay, hầu hết đám tang ở Hòa Tân Đông đã thực hiện không rải giấy tiền, vàng mã. Mô hình thành công và lan tỏa trong cộng đồng, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại.

 Giám đốc Thư viện tỉnh Đồng Tháp Trần Thị Mỹ Trinh: Dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp phát triển văn hóa đọc

Lan tỏa những tấm gương bình dị mà cao quý - Anh 4

Trên cương vị Giám đốc Thư viện tỉnh Đồng Tháp, bà Trần Thị Mỹ Trinh đã nỗ lực đổi mới hình thức, nội dung phục vụ bên trong và ngoài thư viện để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của người dân; phát triển dịch vụ thư viện theo hình thức đổi mới, sáng tạo, tạo cảnh quang xanh - sạch - đẹp cũng như môi trường học tập - giải trí thân thiện, phù hợp với mọi lứa tuổi. Bên cạnh đó, bà Trinh còn có sáng kiến cá nhân về Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh được Sở VHTTDL Đồng Tháp công nhận năm 2022. Sáng kiến sau đó được áp dụng, nhân rộng do có tính khả thi, hiệu quả cao. Cũng từ sáng kiến đó, đã có sự chuyển biến tích cực trong hoạt động của nhiều thư viện; được các cấp, các ngành và nhân dân ủng hộ. Tiêu biểu phải kể đến việc đẩy mạnh triển khai xe thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức”, kết hợp trao Tủ sách khuyến học và luân chuyển tài liệu năm 2022 tại 70 điểm (tăng 58 điểm so với năm 2021) tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các chuyến xe đã thu hút 14.000 lượt bạn đọc tham gia (tăng gần 11.000 lượt người so với năm 2021), góp phần phát triển mạnh mẽ phong trào đọc sách trên địa bàn tỉnh.

 Bà Trần Thanh Thảo, Trưởng phòng Quản lý văn hóa và gia đình, Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Long: Triển khai hiệu quả Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Lan tỏa những tấm gương bình dị mà cao quý - Anh 5

Với đặc thù địa phương và vai trò của Trưởng phòng Quản lý văn hóa và Gia đình, thời gian qua, bà Thảo đã tham mưu triển khai, quán triệt Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.

Qua công tác vận động, tuyên truyền, tích cực triển khai, đến nay tỉnh Vĩnh Long có 271.200 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 95%; 751 khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hóa, chiến 99,8%. Cạnh đó, tham mưu nhân rộng mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình và đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam và các hoạt động chuyên môn khác thuộc lĩnh vực gia đình. Thông qua hoạt động của các mô hình và đề án, đã góp phần kéo giảm tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Trong thành công chung đó có thành tích của Sở VHTTDL và cá nhân đồng chí Trưởng phòng Quản lý văn hóa và Gia đình.

NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam: Góp phần nâng tầm xiếc Việt

Lan tỏa những tấm gương bình dị mà cao quý - Anh 6

Hàng loạt các chương trình như Đi cùng năm tháng, Ký ức Trường Sơn, Sống mãi với Điện Biên, Những cánh hồng bay… mang dấu ấn đạo diễn, NSND Tống Toàn Thắng dàn dựng đã mang tới những quan điểm làm nghệ thuật rất mới mẻ và cho thấy xiếc không còn là những tiết mục đơn lẻ mà được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, có kịch bản tổng thể, thống nhất từ nội dung, âm nhạc, trang phục. Vẫn là sân khấu tròn nhưng có thể biểu diễn xiếc, ca múa nhạc, đi catwalk, ảo thuật, nhảy hiphop… Với những tìm tòi táo bạo cũng như khéo léo kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật, NSND Tống Toàn Thắng đã đưa xiếc trở thành loại hình có ưu thế trong ngành công nghiệp giải trí, góp phần nâng tầm xiếc Việt phát triển và hội nhập.

NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ: Nhìn lại trong nửa nhiệm kỳ của ngành VHTTDL, nghệ thuật biểu diễn gặp nhiều khó khăn. Ngay năm 2021 vào thời điểm dịch căng thẳng nhất, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã ký triển khai Kế hoạch Tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc cổ vũ, nâng cao sức mạnh tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch, chương trình livestream trên nền tảng số. Với sự chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp của lãnh đạo Bộ, ngành VHTTDL đã làm được nhiều việc chưa có tiền lệ như các Nhà hát online, Nhà hát truyền hình, các kỳ liên hoan, gặp mặt, tạo sân chơi cho giới văn nghệ sĩ được cống hiến tài năng. Và cho đến thời điểm này, những bước chuyển đầy tích cực của ngành nghệ thuật biểu diễn đã cho thấy lãnh đạo Bộ có những chỉ đạo quyết liệt trong công cuộc chấn hưng văn hóa nghệ thuật.

 Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Tâm huyết với sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam

Lan tỏa những tấm gương bình dị mà cao quý - Anh 7

Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Thu Phương một trong những gương mặt điển hình tiên tiến được tuyên dương dịp này đã dành nhiều tâm huyết cho công tác nghiên cứu khoa học, góp phần tạo nên kết quả tích cực trong hoạt động khoa học của đơn vị. Đặc biệt là việc nghiên cứu các đề tài về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, văn hóa con người và định vị các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, muốn phát triển công nghiệp văn hóa thì cần phải xây dựng hệ thống dữ liệu về văn hóa. “Nếu không có một hệ thống dữ liệu toàn vẹn về văn hóa, sẽ rất khó xác định thực tế đóng góp của văn hóa cho kinh tế; các tác phẩm, sản phẩm, dịch vụ văn hóa của chúng ta đang ở các dạng thức gì, giá trị về mặt tinh thần và doanh thu ra sao, định vị thương hiệu văn hóa Việt Nam thế nào… Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải tiến hành xây dựng hệ thống dữ liệu về văn hóa từ bây giờ. Đồng thời, hình thành sự lan tỏa, tập trung đầu tư cho văn hóa, tối ưu hóa các nguồn lực để văn hóa thực sự trở thành một mặt trận ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội”, bà Phương nói.

HLV Mai Đức Chung: Thành tích của đội tuyển nữ không phải là thành tích của riêng tôi

Lan tỏa những tấm gương bình dị mà cao quý - Anh 8

Là HLV gắn liền với những thành tích vang dội của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam như góp công trong 6/8 ngôi vô địch SEA Games trong đó có bốn lần liên tiếp lên ngôi cao nhất tại đấu trường khu vực, giúp đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần đầu tiên được có mặt tại World Cup, HLV Mai Đức Chung trở thành gương điển hình duy nhất của ngành thể thao được vinh danh tại Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023.

Vừa từ giải bóng đá nữ danh giá nhất thế giới trở về, vị HLV 73 tuổi này đã bắt tay ngay vào công việc để tiếp tục cùng đội tuyển nữ chuẩn bị cho Đại hội thể thao lớn nhất châu Á (Asian Games), tổ chức vào tháng 9 tới, tại Trung Quốc. Biết được tin vui sẽ được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL trong dịp này, HLV Mai Đức Chung cho biết, ông rất xúc động và xin được gửi lời cảm ơn tới Bộ trưởng, các cấp lãnh đạo cũng như người hâm mộ trong và ngoài nước đã chia ngọt, sẻ bùi cùng đội tuyển bóng đá nữ trong suốt hành trình vừa qua.

“Thực ra thành tích của đội tuyển nữ không phải là thành tích của riêng tôi. Đó là thành tích có được nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, Bộ VHTTDL, Cục TDTT, VFF và sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể đội tuyển. Tôi cũng giống như mọi người, cố gắng, cố gắng từng ngày để mong góp một phần nhỏ bé vào thành tích chung của toàn ngành. Trong những năm qua thể thao Việt Nam đã đạt nhiều thành tích trên các đấu trường quốc tế và tôi thật vinh dự khi được cùng đội tuyển nữ đóng góp vào thành công chung ấy. Sắp tới, đội sẽ thi đấu tại Asian Games 19 và mong rằng sẽ vào được đến tứ kết. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, chia sẻ từ người hâm mộ; sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và chúng tôi sẽ cố gắng thi đấu hết mình vì màu cờ, sắc áo của Tổ quốc”.

 Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang: Tạo sản phẩm du lịch độc đáo từ văn hóa

Lan tỏa những tấm gương bình dị mà cao quý - Anh 9

Nhiều năm công tác trong ngành VHTTDL, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang luôn trăn trở với công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản, di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Đến nay, Hà Giang đã nhận diện được 131 di tích lịch sử, danh thắng; 446 di sản phi vật thể. Được Bộ VHTTDL quyết định đưa 5 di sản vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương và các văn bản chỉ đạo của tỉnh. Ông Nguyễn Hồng Hải với vai trò là người đứng đầu đã chỉ đạo xây dựng ban hành các văn bản triển khai thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa theo nhiệm vụ được giao quản lý. Đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, chủ đầu tư thực hiện các trình tự thủ tục dự án đảm bảo quy định Luật Di sản văn hóa. Ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai công tác cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra đánh giá thực trạng các di tích, danh thắng đã được xếp hạng trên địa bàn một số địa phương trong tỉnh; tổ chức phục dựng một số lễ hội, di sản văn hóa truyền thống. Hoàn thành kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành các nội dung phục vụ công tác tái đánh giá Công viên địa chất lần thứ III năm 2022.

Ông Nguyễn Hồng Hải cho rằng, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa để góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững, nhất là phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân; giáo dục, kế thừa, giữ gìn truyền thống quý báu về giá trị văn hóa lịch sử cho các thế hệ nhân dân trong tỉnh; đồng thời từng bước ngăn chặn, xoá bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh.

Hà Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được phục dựng, bảo tồn gắn với phát triển kinh tế du lịch; 100% di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng các cấp được quy hoạch, tu bổ, phục hồi gắn với phát triển du lịch. Hiện nay, hàng chục làng văn hóa du lịch các dân tộc Mông, Dao, Tày, Lô Lô, Giấy, La Chí, Bố Y trên địa bàn tỉnh được bảo tồn hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ du khách trong nước và quốc tế. 

Nghệ sĩ múa Phạm Thu Hằng: Thực sự tâm huyết với nghề thì nghề sẽ không phụ mình

Lan tỏa những tấm gương bình dị mà cao quý - Anh 10

Nghệ sĩ múa Thu Hằng sinh năm 1991, sớm bén duyên với nghệ thuật múa từ năm 7 tuổi và theo học múa tại các hệ thống trường đào tạo nghệ thuật chính quy như: Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, Trường Cao đẳng múa Việt Nam (năm 2004). Năm 2011, Thu Hằng tốt nghiệp hạng xuất sắc hệ đào tạo 7 năm chuyên ngành Diễn viên múa cổ điển châu Âu. Sau khi ra trường, Thu Hằng công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, trong suốt quá trình công tác tại đây Thu Hằng luôn đảm nhiệm vị trí solist và gặt hái được những điểm sáng trong nghề. Năm 2014, Thu Hằng xuất sắc đạt huy chương vàng tác phẩm múa “Hạn hán” tại Liên hoan nghệ thuật các nước Đông Dương và Huy chương Vàng tác phẩm múa Mùa xuân trên bản H’Mông tại Liên hoan múa quốc tế. Năm 2016, Thu Hằng quyết định thử thách mình với nghệ thuật múa hàn lâm và trở thành diễn viên múa của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Thu Hằng luôn được nhà hát giao  đảm nhiệm vai chính trong hầu hết các vở múa ballet, múa đương đại... Thu Hằng là diễn viên chính của rất nhiều vở múa nổi tiếng như: Hồ Thiên Nga, Mối tình thành cổ, Kẹp hạt dẻ, Suite en Blanc, Giselle, Peter & Chó sói, Cái chết và cô gái, Đáy mắt, Chim lửa, Khoảnh khắc… Năm 2017, đạt huy chương vàng tác phẩm “Mùa xuân thiêng liêng” tại Liên hoan múa quốc tế. Năm 2019, đạt huy chương vàng khi tham gia vở nhạc kịch Lá đỏ tại Liên hoan tiếng hát Đường 9 xanh.

Nhưng với Thu Hằng, giải thưởng ấn tượng nhất cho tới thời điểm hiện nay là giải “Nữ diễn viên múa chính xuất sắc” tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2021 (đợt 2) với vai diễn Mị Châu trong vở ballet Hàm Lệ Minh Châu và cũng nhờ vai diễn này mà Thu Hằng đã được vinh danh trở thành một trong các nghệ sĩ tiêu biểu trong lĩnh vực nghệ thuật năm 2022.

Trong suốt nhiều năm công tác, Thu Hằng được cử đi lưu diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Anh, Pháp, Nga, Praha, Uzbekistan, Kazakhstan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan…

Vào nghề bằng chính sự nỗ lực của bản thân, Thu Hằng chia sẻ: “Để có được thành quả như ngày hôm nay, tôi chỉ nghĩ đơn giản là phải luôn chăm chỉ, nỗ lực không ngừng nghỉ, làm việc có trách nhiệm, thực sự tâm huyết với nghề thì nghề sẽ không phụ mình. Múa là khổ luyện, mỗi lần bị sự đau đớn đánh gục lý trí, tôi sẽ nghĩ về quá trình khổ luyện mồ hôi lẫn nước mắt rơi trên sàn để đổi lại những giây phút thăng hoa trên sân khấu và có được tôi trưởng thành hơn của ngày hôm nay”.

NHÓM P.V (thực hiện)

 

Ý kiến bạn đọc