Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: “Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trở thành chất liệu lôi cuốn cho báo chí”

VHO - Khẳng định đề tài về Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trở thành chất liệu lôi cuốn, đa dạng và hấp dẫn cho báo chí, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Nhất cho biết, số lượng gần 1.100 tác phẩm dự thi cho thấy sức thu hút của một Giải báo chí chuyên ngành ở ngay lần đầu tổ chức. Con số này cũng khiến đội ngũ “cầm cân nảy mực” phải cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng tác phẩm xuất sắc để trao giải.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: “Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trở thành chất liệu lôi cuốn cho báo chí” - Anh 1

 Ủy viên BCH Trung ương Đảng Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Nhất trả lời báo chí bên lề chấm Chung khảo

 P.V: Lần đầu tiên tổ chức nhưng Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” đã có sức hút mạnh mẽ, với gần 1.100 tác phẩm tham dự. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa và sự lan tỏa của Giải thưởng năm nay?

- Nhà báo Lê Quốc Minh: Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ta dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực văn hóa thì sự ra đời của Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” là rất cần thiết. Ngay trong lần tổ chức đầu tiên với gần 1.100 tác phẩm tham dự, chúng tôi đánh giá đây là thành công của một giải thưởng báo chí chuyên ngành. Số tác phẩm tham dự là một bất ngờ. Hội đồng Giám khảo cũng rất bất ngờ khi số lượng tác phẩm ở các loại hình tham dự đều cao và đồng đều, đặc biệt có nhiều tác phẩm truyền hình tham dự Giải, số lượng gần tương đồng với thể loại báo in và báo điện tử.

Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan báo chí đối với các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đóng góp vào thành công chung của Giải thưởng trong lần đầu tiên được tổ chức.

Về mặt nội dung, phải khẳng định rằng những vấn đề quan trọng trong các lĩnh vực của Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều đã được báo chí chú trọng khai thác dưới nhiều góc độ; từ chủ trương chính sách, sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước cho các lĩnh vực này. Đặc biệt, các nội dung mang tính bao quát như triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, sức lan tỏa từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đến những sự kiện văn hóa lớn như hội thảo về các hệ giá trị; thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa; 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam; các kỳ tổ chức SEA Games; chính sách thúc đẩy phát triển du lịch; những vấn đề cụ thể, mang hơi thở cuộc sống… đều đã xuất hiện trong các tác phẩm báo chí ở 5 loại hình dự thi.

Khai thác chất liệu đa lĩnh vực trên mảnh đất rộng về văn hóa, thể thao và du lịch, hầu hết tác phẩm đã bám sát tiêu chí Giải. Chất lượng tác phẩm tương đối đồng đều giữa các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Hội đồng giám khảo đánh giá cao những tác phẩm được đầu tư công phu, sử dụng công nghệ báo chí hiện đại, đa phương tiện. Đặc biệt, chúng tôi đánh giá cao các tác phẩm đi sâu vào những đề tài mang tính chất tổng hợp, bao trùm; thể hiện tính tiên phong, sáng tạo, khai thác các vấn đề gai góc, thời sự nóng bỏng…

Bên cạnh những mặt được, có thể thấy rằng Giải thưởng lần này mới chỉ thu hút các cơ quan báo chí Trung ương và một số tỉnh, thành lớn tham gia; báo chí địa phương tham gia chưa nhiều, còn ít tác phẩm chất lượng cao. Đây là vấn đề được kỳ vọng sẽ khắc phục trong những mùa tới.

Mặt khác, trong số gần 1.100 tác phẩm tham dự thì chiếm tỉ lệ khá lớn vẫn là các tác phẩm về văn hóa. Thể thao, du lịch dù là hai mảng giàu chất liệu, nhịp điệu sôi nổi nhưng mức độ phản ánh, khai thác chưa nhiều.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh, dù các cơ quan báo chí đã cố gắng khai thác, tìm tòi và phản ánh nhiều đề tài, nhiều lĩnh vực nhưng điều chúng tôi mong mỏi hơn cả là các tác phẩm cần đề xuất được giải pháp, gợi mở định hướng tháo gỡ khó khăn, hướng phát triển hiệu quả, toàn diện hơn cho các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Tuyến bài về người tốt việc tốt, mô hình điểm, cách làm hay, có sức lan tỏa và truyền cảm hứng... cũng rất cần thiết. Mùa giải đầu tiên còn thiếu vắng những tác phẩm hấp dẫn, chất lượng về đề tài này.

 Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ta dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực văn hóa thì sự ra đời của Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” là rất cần thiết. Ngay trong lần tổ chức đầu tiên với gần 1.100 tác phẩm tham dự, chúng tôi đánh giá đây là thành công của một giải thưởng báo chí chuyên ngành. Số tác phẩm tham dự là một bất ngờ. Hội đồng Giám khảo cũng rất bất ngờ khi số lượng tác phẩm ở các loại hình tham dự đều cao và đồng đều, đặc biệt có nhiều tác phẩm truyền hình tham dự Giải, số lượng gần tương đồng với thể loại báo in và báo điện tử.

Đặc thù của Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” đã tạo nét riêng và sức thu hút, nhưng cũng đặt ra nhiều cái khó với người cầm bút. Ông có đồng quan điểm này?

- Như tôi đã nói, văn hóa, thể thao và du lịch là lĩnh vực rất thú vị và có nhiều chất liệu hay. Đáng mừng là báo chí đã không lãng phí những đề tài này, có nhiều cách thể hiện sinh động, phong phú. Tuy nhiên, vẫn có những tác phẩm mức độ khai thác chưa sâu, chưa tương xứng với chất liệu sinh động đó.

Đơn cử như ở loại hình báo ảnh, chúng tôi kỳ vọng chất lượng phải tốt hơn. So với các lĩnh vực khác, văn hóa, du lịch, thể thao luôn chuyển động, có nhiều khoảnh khắc, sắc màu phong phú, nhưng chúng ta không có nhiều tác phẩm bắt được những khoảnh khắc vàng như vậy. Hy vọng từ mùa giải tới, trên nền tảng kết quả năm nay, báo chí sẽ tiếp tục quan tâm, khai thác sâu hơn nữa chất liệu đa dạng của cuộc sống nói chung, của đời sống văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng. Mỗi nhà báo đều có thể tìm ra trong khoảng sân rộng này những góc nhìn, đưa ra quan điểm, định hướng và thể hiện thành những bài viết, tuyến bài, phóng sự, phóng sự ảnh… đậm hơi thở cuộc sống, khẳng định những chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước trong sự quan tâm, đầu tư cho văn hóa, thể thao và du lịch.

 Bên cạnh những tác động khách quan, người viết báo về văn hóa, thể thao và du lịch cần phát huy tố chất gì để có được những tác phẩm thực sự chất lượng, thưa ông?

- Dù hoạt động trong lĩnh vực nào thì với một nhà báo, tố chất tò mò rất quan trọng. Có tò mò thì mới tìm hiểu, khám phá, tìm ra những thứ mà người khác chưa thấy, hoặc không thấy. Bên cạnh đó, đạo đức người làm báo là yếu tố vô cùng quan trọng. Khi phát hiện một vấn đề, người cầm bút phải thấy được trong đó trách nhiệm của mình đối với đất nước, với xã hội, với tờ báo và với độc giả, khán thính giả. Mỗi vấn đề cần được nói lên ở mức độ nào, cách thức truyền tải như thế nào đều thể hiện trách nhiệm của người làm báo với công chúng.

Một tố chất rất quan trọng nữa là tính nhân văn khi tác nghiệp. Đối với những vấn đề tiêu cực, rất cần các nhà báo vào cuộc điều tra, phản ánh. Tuy nhiên, tâm thế của người viết cần theo tinh thần xây dựng, trung thực, khách quan, không chỉ chú trọng khai thác tiêu cực đơn thuần mà quan trọng hơn là gợi mở giải pháp khắc phục bất cập, mặt trái. Kể cả khi ca ngợi, tuyên truyền những nội dung tích cực, điểm sáng cũng phải có chừng mực, tránh tình trạng thiên lệch, “tô hồng”, không đúng sự thật.

Một nhà báo nếu luôn nuôi dưỡng sự đam mê, mong muốn tìm hiểu những điều mới mẻ, trau dồi kỹ năng chuyên nghiệp, ứng xử văn hóa thì tác phẩm chắc chắn sẽ chạm vào cảm xúc công chúng, thực sự là những tác phẩm có hiệu ứng lan tỏa.

Để xây dựng và khẳng định thương hiệu, Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” trong những mùa tới cần chú trọng quan tâm, đầu tư hơn nữa những vấn đề gì, thưa ông?

- Chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về Giải thưởng. Thực tế là trên báo chí trong một năm có rất nhiều ảnh đẹp, bài hay, phóng sự tốt nhưng chưa chắc những tác phẩm đó đã được gửi đến cuộc thi. Có nhiều nội dung phản ánh những vấn đề được dư luận quan tâm, hiệu ứng cao nhưng cũng chưa chắc những tác phẩm này đã góp mặt trong Giải thưởng.

Mặt khác, về phía các cơ quan báo chí, các nhà báo cũng nên có sự chủ động, đầu tư hơn nữa khi chuẩn bị tác phẩm dự thi.

Công tác tổ chức cũng rất quan trọng. Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành và luôn chú trọng để công tác tổ chức các Giải thưởng ngày càng bài bản, chuyên nghiệp. Đối với Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch”, bên cạnh chất lượng các tác phẩm dự giải, chúng ta cũng cần đặc biệt quan tâm về công tác tổ chức nhằm vừa tạo sức lan tỏa, vừa dần khẳng định thương hiệu của một Giải thưởng báo chí quy mô lớn, có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông! 

 

THỨ TRƯỞNG TRỊNH THỊ THỦY: Thành tựu của Ngành có sự hỗ trợ, đồng hành đặc biệt hiệu quả từ báo chí

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: “Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trở thành chất liệu lôi cuốn cho báo chí” - Anh 2

 Khai mạc vòng Sơ khảo Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch”

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Trưởng BTC Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Nhất

Nhấn mạnh về ý nghĩa Giải thưởng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Trưởng BTC Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Nhất cho biết, trong những thành tựu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt được thời gian qua, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự phối hợp của các Ban, Bộ, ngành Trung ương; sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ làm văn hóa, thể thao và du lịch trên toàn quốc còn có sự hỗ trợ đặc biệt hiệu quả từ các cơ quan thông tấn báo chí, sự phối hợp, đồng hành đầy nhiệt huyết, tâm huyết của các nhà báo, phóng viên, biên tập viên từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” được ngành VHTTDL phát động và trao thưởng lần đầu tiên nhằm giới thiệu, quảng bá những kết quả, thành tựu của công tác văn hóa, thể thao và du lịch. Đồng thời, phát hiện những điển hình tiên tiến, những nhân tố mới, giàu sức sáng tạo; cổ vũ, động viên cán bộ toàn ngành chung sức, đồng lòng tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch. Đây cũng là cơ hội để các nhà báo, phóng viên, biên tập viên được trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, báo chí đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Ngay từ khi khởi động, BTC Giải thưởng mong muốn các cơ quan báo chí từ nhiều góc nhìn khác nhau sẽ khai thác, nêu bật những thành tựu của ngành, đặc biệt trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuộc sống; ánh sáng từ Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943; những vấn đề về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa; xây dựng và triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người gắn với việc phát huy, gìn giữ hệ giá trị gia đình; xây dựng môi trường văn hóa cơ sở gắn với công tác tổ chức cán bộ, phản ánh toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới tư duy và phương thức hoạt động của toàn ngành VHTTDL…

“Giải thưởng cũng kỳ vọng các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, từ đó “hiến kế”, đưa ra giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong các lĩnh vực hoạt động của ngành trong thời gian tới…”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh. 

 PHƯƠNG ANH - ĐÌNH TOÁN (thực hiện); ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc