Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi: Thành công cả về “chất” và “lượng”, vượt ngoài sự kỳ vọng

VHO - “Dù lần đầu tiên tổ chức nhưng Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” đã thành công cả về “chất” và “lượng”, vượt ngoài sự kỳ vọng. “Hiếm thấy một giải báo chí chuyên ngành nào lại có sức hút rộng rãi đến vậy, với gần 1.100 tác phẩm dự giải; từ các cơ quan báo chí trong toàn quốc, bao gồm các cơ quan báo chí lớn ở Trung ương cũng như các cơ quan báo chí ở các địa phương, vùng sâu, vùng xa…”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Nhất nhận định về chất lượng của Giải.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi: Thành công cả về “chất” và “lượng”, vượt ngoài sự kỳ vọng - Anh 1

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch" lần thứ Nhất 

 Giải thưởng thôi thúc các nhà báo tiếp tục cho ra đời những tác phẩm xuất sắc

Theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, tác phẩm dự Giải không chỉ nhiều về số lượng, đa dạng về đề tài mà còn đạt chất lượng chuyên môn tốt. Qua hai vòng chấm, Hội đồng giám khảo cho rằng, các tác phẩm đều bám sát các chủ đề lớn, phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của năm 2022-2023 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình.

“Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, có tính phát hiện, phản biện cao; đề xuất những giải pháp thực tế, cách làm hay, có sức lan tỏa. Nhiều tác phẩm phát hiện được những vấn đề mới, kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, cách thể hiện sinh động. Thậm chí, nêu được các giải pháp chớp thời cơ, khắc phục khó khăn, thách thức; dự báo những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Sau khi đăng tải, tác phẩm nhận được sự quan tâm rộng rãi của bạn đọc, có hiệu ứng tốt trong xã hội, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách. Đặc biệt, nhiều sự kiện, nhân vật... ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn hiểm trở cũng đã được các nhà báo quan tâm, phản ánh. Điều đó cho thấy lao động báo chí của các nhà báo trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình là rất đáng ghi nhận”, nhà báo Nguyễn Đức Lợi nhận định.

Sự thành công của Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Nhất còn đến từ sự xuất hiện nhiều tác phẩm hàn lâm, mang tính lý luận của các cơ quan báo chí Trung ương, tạp chí nghiên cứu. Không chỉ các cơ quan báo chí Trung ương, các cơ quan báo chí địa phương cũng có nhiều bài viết nêu cụ thể những vấn đề trong phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình gắn với từng cơ sở. Hai “luồng” này đều có những tác phẩm báo chí có chất lượng tốt.

“Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần đầu tiên đã “về đích”. Những tác phẩm báo chí được trao giải có thể xem như một sự thôi thúc với các nhà báo tiếp tục trăn trở, đầu tư, cho ra đời những tác phẩm xuất sắc về lĩnh vực này…”, ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi: Thành công cả về “chất” và “lượng”, vượt ngoài sự kỳ vọng - Anh 2

 Khai mạc vòng Sơ khảo Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch”

Nâng cao chất lượng Giải thưởng

Tuy nhiên nhà báo Nguyễn Đức Lợi cũng thẳng thắn cho rằng, trong lần tổ chức đầu tiên, Giải khó tránh được một số hạn chế. Đề tài người tốt, việc tốt lĩnh vực văn hóa còn ít; vẫn thiếu vắng các bài viết có chất lượng cao tôn vinh các nghệ nhân đỉnh cao, nhà văn hóa lớn, các thiết chế văn hóa mới, mô hình hay...

Bên cạnh đó, dù Giải lần này có sức bao quát nhiều lĩnh vực nhưng nhìn chung, văn hóa vẫn là lĩnh vực được tập trung triển khai nhiều nhất. Du lịch, thể thao và nhất là gia đình chưa nhận được nhiều sự quan tâm. “Phát triển kinh tế từ du lịch, phát triển thể dục thể thao quần chúng vì mục tiêu “dân giàu nước mạnh”, xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình... đều là những vấn đề rất được dư luận quan tâm nhưng thực tế Giải lần này chưa ghi nhận nhiều tác phẩm ở đề tài này. Một số tác phẩm dù nhận diện được vấn đề nhưng phong cách viết còn chung chung, chưa sâu sắc. Tất nhiên, vấn đề này cần có thời gian mới có thể “khỏa lấp” nhưng đã đến lúc, các tác giả phải ý thức được để dồn lực cho “khoảng trống” đó…”, nhà báo Nguyễn Đức Lợi nêu.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi khẳng định, thực tế này cho thấy rất cần có thêm những tác phẩm chất lượng về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Đây đều là những lĩnh vực được độc giả, dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua nhưng dường như, các tác phẩm hiện nay mới chỉ chủ yếu dừng ở phản ánh, chưa đi sâu để có được những góc nhìn sắc, những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

“Trong bối cảnh độc giả, khán giả, thính giả đang ngày càng khắt khe hơn, báo chí cũng cần thay đổi để đáp ứng nhu cầu chính đáng của bạn đọc. Những bài viết đi sâu vào những vấn đề, vụ việc cụ thể, mang hơi thở cuộc sống; áp dụng công nghệ hiện đại vào cách thể hiện... đều được đánh giá là những tác phẩm có chất lượng, dễ thu hút người đọc. Bạn đọc, khán thính giả đang rất cần những tác phẩm báo chí như vậy. Ở khía cạnh này, tôi cho rằng Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” như một “cú hích”, tạo động lực cho sự ra đời những tác phẩm hội đủ những yếu tố này…”, nhà báo Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Ông Lợi cũng cho rằng, để thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình có tính đặc thù riêng, trong nhiều trường hợp còn là thử thách, đòi hỏi người làm báo phải có sự học hỏi liên tục, đào sâu kiến thức. Có hiểu sâu thì mới có thể khai thác, bình luận, phân tích, đưa thông tin một cách chính xác, thuyết phục. Do đó, đội ngũ báo chí cần thường xuyên trau dồi, trang bị cho mình nền tảng kiến thức sâu rộng.

“Đặc biệt, làm báo một cách có văn hóa, không chạy theo gu thưởng thức nội dung dễ dãi cũng là cách để các tác giả, nhóm tác giả giữ vững ngòi bút; cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành cũng như hấp dẫn độc giả. Điều đó cũng góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng Giải thưởng vào những kỳ sau”, nhà báo Nguyễn Đức Lợi bày tỏ.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi: Thành công cả về “chất” và “lượng”, vượt ngoài sự kỳ vọng - Anh 3
 

Tác phẩm dự thi ở loại hình phát thanh - truyền hình mặc dù là năm đầu tiên nhưng có số lượng rất lớn so với các giải báo chí khác. Bên cạnh tính đa dạng về thể loại, tính vùng miền, loại hình phát thanh - truyền hình của Giải lần này còn ghi nhận sự phong phú, đa dạng đề tài. Ý nghĩa lịch sử và sức sống của Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943; câu chuyện về những người “giữ hồn” di sản; những nghệ nhân ở tuổi xưa nay hiếm vẫn nỗ lực bảo vệ, phát huy các giá trị của di sản; làm gì để “di tích” không bị biến thành “phế tích”; xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng; xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo... đều là những vấn đề được các tác giả, nhóm tác giả nhận diện sâu, phân tích kỹ trong tác phẩm.

Nhìn chung, các tác phẩm truyền hình dự Giải được giám khảo đánh giá đều là tác phẩm được khán giả quan tâm, tạo hiệu ứng tuyên truyền tốt. Nội dung sáng tạo, mới mẻ trong phát hiện đề tài. Cách kể chuyện hấp dẫn, có sức thuyết phục, nhuần nhuyễn trong sử dụng yếu tố đặc trưng của truyền hình đó là hình ảnh, lời bình, âm thanh.

Nhà báo TẠ BÍCH LOAN

(Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí, Đài Truyền hình Việt Nam, Ủy viên Hội đồng chung khảo)

NAM ANH - BẢO NGÂN; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc