Thanh, kiểm tra chuyên ngành VHTTDL năm 2023: Kịp thời phát hiện sai phạm, xử phạt hơn 14 tỉ đồng

VHO - Ngày 14.3 tại TP. Cần Thơ, Thanh tra Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024; tập huấn nghiệp vụ thanh tra và tổng kết công tác thi đua- khen thưởng thanh tra chuyên ngành năm 2023. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông dự và chủ trì Hội nghị.

Thanh, kiểm tra chuyên ngành VHTTDL năm 2023: Kịp thời phát hiện sai phạm, xử phạt hơn 14 tỉ đồng - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông dự và chủ trì Hội nghị

Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện; đại diện Thanh tra Chính phủ; đại diện các cơ quan chức năng Bộ VHTTDL; lãnh đạo  Sở VHTTDL, Sở VHTT một số tỉnh, thành phố; đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực VHTTDL …

Tháo gỡ những “điểm nghẽn”

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông ghi nhận, hoạt động thanh tra chuyên ngành VHTTDL thời gian qua đã có nhiều cố gắng. Qua các cuộc thanh tra tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa phương đã kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm, góp phần tích cực vào triển khai các nhiệm vụ chính trị của ngành trong thời gian qua. Đặc biệt, công tác thanh, kiểm tra được thực hiện hiệu quả ở các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm như bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, bản quyền tác giả, lễ hội, dịch vụ du lịch, thể dục thể thao…

Năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo hướng dẫn chuyên môn của Thanh tra Chính phủ, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Thanh tra Bộ xây dựng Kế hoạch thanh tra chuyên ngành, đồng thời hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch với nhiều nội dung đổi mới, mở rộng nội dung thanh tra nhằm phát hiện kịp thời, đề xuất tháo gỡ những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chỉ đạo,  để triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành trong năm 2024, hội nghị cần trao đổi, thảo luận nhằm đánh giá khái quát công tác thanh tra hành chính năm 2023, công khai kế hoạch thanh tra hành chính năm 2024 đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành về số lượng cuộc thanh tra, về các đơn vị là đối tượng thanh tra, về thời gian thanh tra và về nội dung, cách thức tiến hành thanh tra để các đơn vị có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa các nội dung theo yêu cầu.

Làm rõ những nội dung cần tập trung cho công tác thanh tra chuyên ngành VHTTDL năm 2024 nhằm vừa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước của ngành, vừa tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp trong lĩnh vực VHTTDL phát triển  trong bối cảnh năm 2024 được dự báo còn nhiều khó khăn.

Lãnh đạo Bộ cũng nhấn mạnh, Hội nghị cần trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra chuyên ngành VHTTDL, từ thể chế pháp lý, nguồn lực đến điều kiện đảm bảo, trên cơ sở đó thống nhất các kiến nghị để đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Năm 2023, Thanh tra chuyên ngành VHTTDL đã hoàn thành 100% kế hoạch công tác và các nhiệm vụ đột xuất được giao. Hơn 1.200 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành được thành lập trên toàn quốc; thanh tra, kiểm tra hơn 12.100 tổ chức, cá nhân; phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính hơn 810 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền xử phạt hơn 14 tỉ đồng.

Thanh, kiểm tra chuyên ngành VHTTDL năm 2023: Kịp thời phát hiện sai phạm, xử phạt hơn 14 tỉ đồng - Anh 2

Trong đó, Thanh tra Bộ đã triển khai 61 đoàn thanh tra chuyên ngành, 10 đoàn kiểm tra đối với 21 cơ quan quản lý nhà nước về VHTTDL và trên 300 tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Thanh tra Bộ cũng đã làm việc với 11 tổ chức để giải quyết các vụ việc vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo, phổ biến phim. Thanh tra Sở đã triển khai và chủ trì, phối hợp lực lượng kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với hơn 11.800 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính hơn 800 trường hợp, tổng số tiền phạt hơn 13 tỉ đồng.

Báo cáo của Thanh tra Bộ cũng cho biết, Thanh tra ngành VHTTDL đã chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra; kiên quyết, kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đã thực hiện theo đúng quy định của Luật Thanh tra năm 2022, Luật Xử lí vi phạm hành chính, các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo, quyền tác giả, quyền liên quan... Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lí nhà nước trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lí nhà nước của ngành.

Riêng trong lĩnh vực quản lí, tổ chức lễ hội; bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, qua hoạt động thanh, kiểm tra cho thấy, về cơ bản, các lễ hội, di tích đã thực hiện các quy định pháp luật về tổ chức lễ hội, quản lí di tích, tình trạng thực hành mê tín, dị đoan, đốt vàng mã, mất an ninh trật tự đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, tại một số di tích, công tác phòng chống cháy nổ chưa đảm bảo, chưa quan tâm đầu tư trang thiết bị chữa cháy; còn tiếp nhận đồ vật không nằm trong danh mục hồ sơ xếp hạng… Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở đã yêu cầu chính quyền địa phương, BQL di tích, BTC các lễ hội tiếp tục công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở du khách giữ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, không tiếp tay hoặc thực hành các hoạt động mê tín dị đoan, khắc phục kịp thời các tồn tại, chấp hành nghiêm quy định pháp luật trong quá trình hoạt động.

Trong các lĩnh vực nóng như biểu diễn nghệ thuật; hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; quảng cáo; quyền tác giả, quyền liên quan; lĩnh vực thể thao, du lịch..., hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật chuyên ngành được triển khai thường xuyên, quyết liệt để kịp thời phát hiện những sai phạm; chấn chỉnh và xử phạt các hành vi vi phạm…

Khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước

Một số bất cập, hạn chế trong công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành VHTTDL cũng được nêu rõ. Theo đó, nhiệm vụ thanh tra chưa đảm bảo về thời gian theo kế hoạch, phải lùi thời gian thực hiện do phải thực hiện một số nhiệm vụ đột xuất; việc ban hành kết luận thanh tra của một số đoàn thanh tra còn chậm, chưa đảm bảo thời gian theo quy định.

 Nguồn lực dành cho Thanh tra Sở tại một số địa phương còn hạn chế về biên chế, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc nên việc triển khai hoạt động thanh tra gặp khó khăn. Báo cáo của nhiều địa phương chưa thể hiện số liệu cụ thể về số lượng đối tượng thanh tra, kiểm tra, số lượng tổ chức, cá nhân bị xử phạt, số tiền xử phạt vi phạm hành chính theo từng lĩnh vực hoạt động của ngành nên công tác tổng hợp số liệu báo cáo còn gặp khó khăn, số liệu chưa cụ thể, chính xác theo từng lĩnh vực hoạt động.

Thanh, kiểm tra chuyên ngành VHTTDL năm 2023: Kịp thời phát hiện sai phạm, xử phạt hơn 14 tỉ đồng - Anh 3

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, một số vướng mắc, bất cập cũng được chỉ rõ. Đơn cử, trong lĩnh vực văn hóa, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14.12.2020 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn chưa quy định về việc trẻ em tham gia biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi người đẹp, trình diễn thời trang; một số cụm từ chưa được giải thích như "vui chơi", "giải trí"; Nghị định phân cấp cho địa phương cấp phép đối với các cuộc thi người đẹp, trong trường hợp 1 cuộc thi tổ chức tại nhiều địa phương thì sẽ mất nhiều thời gian để thực hiện thủ tục hành chính để xin văn bản chấp thuận tại các địa phương nơi tổ chức.

 Luật Quảng cáo chưa quy định về phương tiện quảng cáo trên môi trường mạng, internet; chưa quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian; chưa giải thích một số từ như "khẩu hiệu", "thương hiệu"...

Một số quy định của Luật Du lịch chưa cụ thể, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện trong thực tiễn như: quy định về việc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế hỗ trợ khách du lịch làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, hải quan; quy định về hành vi quản lý khách du lịch, phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch…

Tại Hội nghị, các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 cũng được xác định rõ. Trong đó, nhấn mạnh mục tiêu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lí vi phạm qua thanh tra.

Tăng cường thanh tra việc thực hiện quy định pháp luật chuyên ngành tại các cơ quan quản lí về văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực công tác quản lí nhà nước, trong đó tập trung thanh tra việc thực hiện các thủ tục hành chính; thẩm định, thỏa thuận chuyên môn, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa và tập thể thao thường xuyên, gia đình thể thao...

Thanh, kiểm tra chuyên ngành VHTTDL năm 2023: Kịp thời phát hiện sai phạm, xử phạt hơn 14 tỉ đồng - Anh 4

Thứ trưởng Tạ Quang Đông và các đại biểu dự Hội nghị

Chú trọng thanh tra các lĩnh vực, hoạt động hay xảy ra vi phạm, gây mất an toàn cho người tham gia như bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền tác giả, quyền liên quan; hoạt động quảng cáo; hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tổ chức thi người đẹp, người mẫu; kinh doanh hoạt động thể thao; kinh doanh dịch vụ lữ hành; kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch; hoạt động hướng dẫn du lịch...

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp trong việc triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra giữa Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở và các cơ quan, tổ chức có liên quan; xử lí kịp thời khi phát hiện chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

“Đây là hội nghị hết sức quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh toàn ngành đang tích cực chuyển đổi tư duy từ “làm văn hoá” sang “quản lý nhà nước về văn hoá”. Đây cũng là Hội nghị thanh tra chuyên ngành đầu tiên có mời các lãnh đạo Sở, đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực VHTTDL tham gia. Những thảo luận, đóng góp ý kiến chính là những bài học quý, giúp công tác thanh tra chuyên ngành VHTTDL ngày càng được tăng cường trong thời gian tới”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

TÂM AN

 

 

Ý kiến bạn đọc