Thi nhân Việt góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc: Từ bản lĩnh đến bản sắc

VHO - Thơ ca không chỉ là ngôn ngữ tâm hồn, cất lên tiếng nói ước mơ, thỏa mãn nhu cầu giải trí mà còn có vai trò quan trọng trong giáo dục thẩm mỹ, cổ vũ tinh thần lao động, chiến đấu và xây dựng Tổ quốc. Đặc biệt, đó là nét đẹp góp phần làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Thi nhân Việt góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc: Từ bản lĩnh đến bản sắc - Anh 1

 Bản lĩnh của nhà thơ trong sáng tác thơ ca góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống (ảnh minh họa)

Muốn giữ gìn bản sắc ấy, mỗi nhà thơ phải có trong mình bản lĩnh, bản sắc riêng. Thế nhưng, điều đó là không dễ dàng đối với người cầm bút. Bởi, bản lĩnh là một phẩm chất đặc biệt cần phải mài giũa, trui rèn và thử thách qua thời gian. 
Theo nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong kho tàng văn chương, rất nhiều tác phẩm thể hiện sự dũng cảm trường tồn với thời gian. Những tác phẩm ấy xuất phát từ bản lĩnh của nhà thơ. Bản lĩnh không phải sự mù quáng, cố chấp, bảo thủ, mà là sự tự tin vào tính thiện lương, chất thơ của mình. Từ đó, họ tạo ra “chất” riêng, chính là bản sắc cho các tác phẩm và những tác phẩm thơ ca mang đậm giá trị nhân văn, đưa con người đến với ánh sáng chân, thiện, mỹ.
“Giờ đây, bản sắc đứng trước những vấn đề đáng suy ngẫm, nhất là trong thời điểm tính toàn cầu không thể đảo ngược, biên giới văn hóa được xóa nhòa. Ở cuộc hội nhập ấy, bản sắc sẽ trở thành thế mạnh để từng cá nhân, cộng đồng tạo dựng vị trí không thể thay thế và tạo nên sự khác biệt”, nhà thơ Nguyễn Bình Phương nêu quan điểm.
Nhà phê bình văn học Hoàng Kim Ngọc nhận định, bản lĩnh nhà thơ được thể hiện ở sự lao động hết mình, tự tin, dấn thân cho nghệ thuật; dám vượt lên cái cũ để đổi mới; đột phá, kiên trì, bền bỉ xác lập hướng đi cho thơ mình. Bản lĩnh của nhà thơ còn là việc chống lại cái ác và tôn vinh vẻ đẹp nhân văn để không một thế lực nào có thể bắt họ nói những điều giả dối, trái với lương tâm. 
Còn nhà thơ Nguyễn Quang Hưng thì cho rằng, vấn đề bản lĩnh, cá tính sáng tạo của nhà thơ lâu nay được nhắc đến nhiều, khi văn đàn tìm và mong thấy được những giọng thơ mới mẻ, đặc sắc, có nét riêng không trộn lẫn. Tất nhiên, không dễ để lọc được những gương mặt, giọng điệu như thế cũng như chỉ rõ bản lĩnh, cá tính của họ trong đời sống thơ trùng điệp, lẫn lộn hôm nay. Chính bối cảnh đó đặt nhà thơ đối diện với những “va đập” không nhỏ của truyền thông, của sự khen, chê mà nhiều khi, khen cũng thái quá và chê cũng dữ dằn.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Quang Hưng, các nhà thơ cần có bản lĩnh để kiên định trên con đường đi tìm, xác định cá tính sáng tạo của mình và giữ gìn cá tính đó. Ngược lại, nhà thơ có thể định hình cá tính sáng tạo và ngày càng làm vững vàng hơn bản lĩnh của mình thông qua việc tiếp tục làm cho cá tính đó thăng hoa, phát huy trong mỗi tác phẩm. “Nhưng cũng phải nói rằng, nhà thơ không thể có bản lĩnh hay cá tính ngay từ ban đầu mà phải qua quá trình học hỏi, thử sức, rèn luyện, tìm đường. Chặng đường ấy hết sức gian truân mà nhiều khi phải đối mặt với cả sự nghi ngờ, xem thường, tẩy chay. Nhưng tất cả sau quá trình học hỏi, nhà thơ sẽ rèn được bản lĩnh”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng bày tỏ.
Đồng quan điểm, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khẳng định, bản lĩnh là điều không dễ dàng có ngay đối với người cầm bút. Đó là một phẩm chất đặc biệt phải mài giũa, thử thách qua thời gian. Ở một góc nhìn sâu xa hơn, bản lĩnh của người viết còn phụ thuộc vào vốn sống, tài năng và năng lượng sáng tạo nghệ thuật. Điều này đòi hỏi mỗi nhà thơ phải không ngừng học hỏi. Nếu thiếu những yếu tố này, bản lĩnh ấy khó có thể định hình trên con đường đầy khó khăn, gian truân, thử thách của thơ ca đích thực.
Mở rộng vấn đề, nhà thơ Nguyễn Bình Phương nêu, bản lĩnh của nhà thơ còn là khả năng biết khước từ cái cũ, lối mòn và nói không với những gì không phù hợp với văn hóa dân tộc. Tức là vừa phải biết tiếp nhận những giá trị mới nhưng không được phép quên đi những gì thuộc về truyền thống. Để làm được điều này, nhà thơ buộc phải có bản lĩnh. Có bản lĩnh thì mới bảo vệ, phát huy được bản sắc. Nhất là trong thời đại hiện nay, trí tuệ nhân tạo bắt đầu len lỏi và làm thay con người thì việc nhà thơ có bản lĩnh, bản sắc là điều vô cùng quan trọng. Theo nhà phê bình văn học Hoàng Kim Ngọc, nhà thơ bản lĩnh là phải luôn ý thức được trong hoàn cảnh thế giới phẳng với những vấn đề toàn cầu hiện nay, phải biết cách tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, để không sa vào vọng ngoại. Đồng thời, phải luôn thường trực trong suy nghĩ câu hỏi làm thế nào để giữ được bản sắc, căn tính Việt; giúp thơ Việt Nam có bản sắc riêng khác với thơ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản hay Hàn Quốc...
Nêu cụ thể, nhà thơ Bùi Tuyết Mai (dân tộc Mường) khẳng định, bản lĩnh một nhà thơ là khi nhà thơ đó kiên định với hướng đi quyết tâm đưa bản sắc văn hóa dân tộc vào trong các tác phẩm của mình. Bà cho hay với việc đưa ngôn ngữ, những giá trị văn hóa lâu nay là hồn cốt của người Mường, những tác phẩm của bà được giới chuyên môn đánh giá có hàm lượng nghệ thuật cao. Các bài thơ ấy thể hiện được tính thời đại mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc; tạo sức lan tỏa trong việc quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của người Mường. 


 ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc