Nghi vấn “biển thủ” tiền công đức tại đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An): Chi cho việc ăn sáng, nấu cháo đêm…?

VHO - Sau những nghi vấn về việc nhân viên quản lý đền Ông Hoàng Mười thuộc xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) “biển thủ” tiền công đức, công an đã vào cuộc xác minh.

Nghi vấn “biển thủ” tiền công đức tại đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An): Chi cho việc ăn sáng, nấu cháo đêm…? - Anh 1

Tiền lễ đặt lộn xộn không có người nhắc nhở bỏ vào hòm công đức tại đền Ông Hoàng Mười

 Dư luận đang hết sức băn khoăn về việc có hay không sự buông lỏng quản lý, tạo “lỗ hổng” để người làm việc tại đền thực hiện hành vi xấu.

Thủ đoạn tinh vi

Theo ghi nhận của phóng viên Văn Hóa, những ngày đầu năm mới, di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền ông Hoàng Mười ở Hưng Nguyên thu hút hàng nghìn du khách thập phương về hành hương, tham quan, chiêm bái, dâng lễ. Tuy nhiên đã có nhiều hình ảnh bất cập tại đền như tiền công đức bỏ rơi vãi ngoài hòm công đức. Tiền công đức chưa kiểm đếm đã đưa vào phòng không có camera giám sát. Du khách vào làm lễ tại đền chưa có người hướng dẫn chỗ đặt lễ và nhắc nhở bỏ tiền công đức vào hòm công đức theo quy định…

Nghi vấn “biển thủ” tiền công đức tại đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An): Chi cho việc ăn sáng, nấu cháo đêm…? - Anh 2

 Hòm công đức đền Ông Hoàng Mười chưa kiểm đếm đã đưa vào phòng không có camera giám sát

Vừa qua, tại đền xuất hiện đoạn video phản ánh về việc một số cán bộ trực tại đền Ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên) có dấu hiệu lấy tiền công đức đã gây xôn xao dư luận. Đoạn video có nội dung nhân viên Ban quản lý tại đền có nhiệm vụ lấy tiền mà du khách để trên các bàn thờ trong đền rồi bỏ vào trong các két sắt công đức. Tuy nhiên, một số người làm việc tại đền đã lấy tiền trên các bàn thờ rồi nhét vào vỏ hộp bánh quy đã bóc sẵn. Những người này (xưng là nhân viên Ban quản lý và bảo vệ) sau đó đã đưa về cất tại giường của cá nhân và cho biết dùng số tiền đó để chi vào việc ăn sáng, nấu cháo ăn đêm cho anh em Ban quản lý làm việc trong đền (?!).

Trao đổi về sự việc này, ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cho biết, ngay khi nắm được thông tin, huyện đã yêu cầu Ban quản lý đền Ông Hoàng Mười báo cáo, tường trình sự việc. Để làm rõ có hành vi “biển thủ” tiền công đức hay không, huyện đã đề nghị công an vào cuộc xác minh làm rõ. Ông Hà cũng thừa nhận, theo như đoạn video phản ánh của cơ quan báo chí, nhóm người này là cán bộ trực tại Ban quản lý đền. Nếu xảy ra sự việc sai phạm, các cá nhân sẽ bị xử lý nghiêm, sai đến đâu huyện sẽ xử lý đến đấy đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý.

Ông Bùi Công Vinh, Phó Giám đốc Sở VHTT Nghệ An cho biết, Sở đã nhanh chóng vào cuộc về vấn đề phản ánh sự việc có những hình ảnh chưa đẹp về tiền công đức tại đền Ông Hoàng Mười. Sở đã có công văn số 468/SVHTT-TTR yêu cầu, đề nghị UBND huyện Hưng Nguyên chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh và xử lý sai phạm (nếu có) theo quy định pháp luật. Báo cáo kết quả về cụ thể sự việc và gửi báo cáo về Sở vào đầu tháng 3.2024.

Nghi vấn “biển thủ” tiền công đức tại đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An): Chi cho việc ăn sáng, nấu cháo đêm…? - Anh 3
 

Hình ảnh từ video ghi lại cảnh người làm việc tại đền thu gom tiền khách cúng trên các bàn thờ rồi bỏ một ít tiền vào vỏ hộp bánh quy, mang về giường cá nhân để cất (Ảnh cắt từ clip)

Lặp lại “vết xe đổ”

Đền Ông Hoàng Mười thuộc địa phận làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên đã tồn tại hơn 400 năm. Đền thờ Quan Hoàng Mười cùng các vị phúc thần như Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Tứ phủ, Song Đồng Ngọc Nữ, Lê Khôi, Quận công Trịnh Trung... Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học và nghệ thuật, đền Ông Hoàng Mười được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh năm 2002 và công nhận điểm du lịch văn hoá tâm linh năm 2018.

Trước đây, “Sai phạm quản lý tiền công đức tại đền Ông Hoàng Mười” đã được Văn Hóa phản ánh vào năm 2013. Thời điểm đó, Ban quản lý di tích lịch sử, văn hóa đền Ông Hoàng Mười thường xuyên chở tiền công đức ra ngoài để “thuê người kiểm đếm”. Lý do bao biện cho hành vi của Ban quản lý là công ty kiểm đếm cần nhiều tiền lẻ để phụ tiền cho khách hàng, Ban quản lý có chín người mà không giao họ kiểm tiền do thành viên có một số người tuổi cao nên ngồi lâu bị đau lưng. Ngay sau đó, cơ quan chức năng của huyện Hưng Nguyên đã vào cuộc nhằm chấn chỉnh Ban quản lý đền, bảo vệ nguồn thu từ tiền công đức hằng năm. Theo đó, huyện Hưng Nguyên trực tiếp quản lý thay vì xã Hưng Thịnh như trước đây.

Theo ông Nguyễn Kim Khánh, Phó Ban quản lý đền cho biết, trước đây, trong 11 năm, tiền công đức thu được nộp vào Kho bạc Nhà nước tổng cộng 1,5 tỉ đồng, từ khi có Ban quản lý mới vào năm 2014, bình quân mỗi năm số tiền công đức thu về là hơn 11 tỉ đồng; năm 2023 là 17 tỉ đồng. Sự thay đổi từ Ban quản lý đã mang lại một hiệu ứng tích cực, số tiền công đức gấp hàng trăm lần trước đây. Hiện tại đền có 14 hòm công đức đặt tại 13 cung và nơi Ban quản lý làm việc. Ngày bình thường, cứ cuối ngày là kiểm đếm tiền công đức và nộp Kho bạc nhà nước. Riêng những ngày chuẩn bị giỗ ông Hoàng Mười (10-10 âm lịch) có rất đông du khách thập phương về thăm viếng, hầu đồng nên không thể kiểm đếm tiền trong ngày. Về việc thu gom tiền công đức trên các bàn thờ đưa vào két sắt tại đền được giao cho anh em làm trong Ban quản lý. “Khi được hỏi số tiền thu gom có được kiểm soát và đưa hết vào két, chúng tôi làm việc dựa vào tin tưởng là chính”, Phó Ban quản lý đền thẳng thắn cho biết.

Nghi vấn “biển thủ” tiền công đức tại đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An): Chi cho việc ăn sáng, nấu cháo đêm…? - Anh 4

Tiền được đổ ra từ hộp bánh quy mà người làm trong đền đã cất giấu (Ảnh: cắt từ clip)

Rời đền, chúng tôi nhớ đến những lời gửi gắm của ông Nguyễn Đình Tường (người chống tiêu cực trong vụ Chở tiền công đức ra ngoài để “thuê người kiểm đếm”) nhắn gửi: Tiền công đức mang một ý nghĩa tâm linh lớn, vậy mà người ta bất chấp đạo lý, pháp luật, không sợ tâm linh, dám “ăn” những đồng tiền như thế thì đó là việc trái đạo. Không thể nói chuyện đạo lý, cũng không đánh thức được cái tâm của sự “tham nhũng” này. Những hình ảnh, video gây bức xúc, những người ăn cơm nhà đền mà lại làm việc trái pháp luật đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong việc cần siết chặt quản lý tiền công đức. Chỉ có thay đổi phương thức quản lý, sử dụng người liêm chính, loại trừ môi trường sinh ra lòng tham và cốt yếu phải công khai, minh bạch từ nguồn tiền thu được đến việc quản lý sử dụng tiền đó vào mục đích chính đáng thì “của chùa” mới không thất thoát.

Đặc biệt, cần tuân thủ quy định số lượng đặt hòm công đức và việc công khai quản lý và sử dụng tiền công đức để cho những kẻ “buôn thần, bán thánh” không có đất hoành hành. 

Tạm đình chỉ đối với 2 trường hợp có liên quan

Theo nguồn tin của Văn Hóa, chiều qua 29.2, UBND huyện Hưng Nguyên tổ chức cuộc họp để nghe các bên liên quan báo cáo xung quanh việc báo chí phản ánh thủ đoạn biển thủ tiền công đức tại đền Ông Hoàng Mười. Được biết ngày 25.2, ca trực tại đền gồm có thành viên Ban quản lý, tổ tác nghiệp và tổ bảo vệ (6 người). Theo quy chế hoạt động của Ban quản lý, ca trực phải có trách nhiệm gom tiền giọt dầu trên các ban thờ bỏ vào thùng giọt dầu. Trong quá trình thu gom tiền giọt dầu đã xẩy ra sự việc như báo chí phản ánh.

Sau khi báo chí đăng tải, phát sóng, để xác minh làm rõ sự việc nói trên UBND huyện Hưng Nguyên đã có văn bản số 337/UBND ngày 28.2 về việc yêu cầu báo cáo sự tại đền Ông Hoàng Mười, đồng thời ban hành Quyết định số 234/QĐ- UBND ngày 28.2 về việc thành lập đoàn xác minh nội dung phản ánh về thủ đoạn biển thủ tiền công đức tại đền Ông Hoàng Mười. Theo đó, sáng ngày 29.2 Ban quản lý di tích đền Ông Hoàng Mười tiến hành họp để làm rõ sự việc và khắc phục một số tồn tại: Tiến hành lắp hệ thống camera tại phòng sinh hoạt chung của ca trực (nơi có thùng niêm phong nguồn tiền công đức) để đảm bảo công tác quản lý, giám sát, đồng thời tạm đình chỉ công việc đối với 2 trường hợp có liên quan.

 

 PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc