Di sản liên tỉnh, liên trách nhiệm quản lý

VHO - Một trong những sự kiện tiêu biểu nhất của ngành di sản văn hóa nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung là vào tháng 9.2023, UNESCO đã quyết định ghi danh quần thể danh thắng Cát Bà của TP Hải Phòng trở thành bộ phận hữu cơ của Di sản Thiên nhiên Thế giới Hạ Long thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh.

Di sản liên tỉnh, liên trách nhiệm quản lý - Anh 1

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản Thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam Ảnh: Thế Phong

Tuy hai nhưng là một 

Trong thực tế, Hạ Long - Cát Bà đều  là những khu vực biển đảo nằm trong  vùng biển Đông Bắc, gọi chung là  vịnh Hạ Long, được xếp hạng là khu thắng cảnh quốc gia từ năm 1962.  Đây là khu vực rộng lớn có diện tích  khoảng 1.553 km² bao gồm 1.969 hòn  đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi  có những yếu tố ít nhiều tương đồng  về địa chất, địa mạo, cảnh quan, khí  hậu, đa dạng sinh học và văn hóa, với  vịnh Bái Tử Long phía Đông Bắc và  quần đảo Cát Bà phía Tây Nam.  
Lịch sử kiến tạo địa chất đá vôi của  vịnh đã trải qua khoảng 500 triệu  năm với những hoàn cảnh cổ địa lý rất khác nhau; và quá trình tiến hóa  karst đầy đủ trải qua trên 20 triệu  năm với sự kết hợp các yếu tố như  tầng đá vôi dày, khí hậu nóng ẩm và  tiến trình nâng kiến tạo chậm chạp  trên tổng thể. Vùng biển Hạ Long -  Cát Bà gồm nhiều hệ tầng trầm tích  lục nguyên và cacbonat, có tuổi từ  nguyên đại Cổ sinh đến Tân sinh.  Nhiều hệ tầng trầm tích ở khu vực này chứa đựng các vết tích cổ sinh vật  dưới các dạng hóa thạch khác nhau, trong đó có những nhóm ngành  động, thực vật đã tuyệt diệt hoặc gần  như tuyệt diệt trên trái đất.  
Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo đã khiến vịnh Hạ Long trở thành quần tụ của đa dạng sinh học bao gồm hệ sinh thái rừng  kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, hệ sinh thái biển và ven bờ với nhiều tiểu hệ sinh thái. Sở hữu khu rừng trên biển lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 17.000 ha cùng các hệ sinh thái  đa dạng, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát  Bà là điểm cư ngụ của 4.910 loài động  thực vật trên cạn và dưới biển, trong số này có tới 198 loài thuộc Danh mục Đỏ  IUCN, 51 loài đặc hữu. Diện tích rừng  nguyên sinh khoảng 1.045,2 ha trên  đảo Cát Bà là một trong những nhân  tố quan trọng làm nên giá trị sinh thái  và đa dạng sinh học của di sản. Đặc  biệt, Voọc Cát Bà (Trachypithecus  poliocephalus) là loài quý hiếm, nằm trong danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất và  được ghi vào Sách Đỏ thế giới. 
Những kết quả nghiên cứu, thám sát  khảo cổ học và văn hóa học cho thấy  sự hiện diện của những cư dân tiền sử  trên vùng vịnh Hạ Long từ khá sớm,  đã tạo lập những hình thái văn hóa  cổ đại tiếp nối nhau bao gồm văn hóa  Soi Nhụ trong khoảng 18.000 - 7.000  năm trước Công nguyên, văn hóa Cái  Bèo trong 7.000 - 5.000 năm trước  Công nguyên và văn hóa Hạ Long cách  ngày nay khoảng từ 3.500 - 5.000  năm. Tiến trình dựng nước và truyền  thống giữ nước của dân tộc Việt Nam  trong suốt hành trình lịch sử cũng  khẳng định vị trí tiền tiêu và vị thế văn  hóa của vịnh Hạ Long qua những địa  danh mà tên gọi gắn với điển tích còn  lưu truyền đến nay, như núi Bài Thơ,  hang Đầu Gỗ, Bãi Cháy, v.v... 
Hiện nay, vịnh Hạ Long và quần  đảo Cát Bà, Lan Hạ là một khu vực  phát triển năng động nhờ những điều  kiện và lợi thế sẵn có như có một tiềm  năng lớn về du lịch, nghiên cứu khoa  học, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản,  giao thông thủy đối với khu vực vùng  biển Đông Bắc Việt Nam nói riêng và  miền Bắc Việt Nam nói chung. 
Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trở thành Di sản Thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam là sự  khẳng định trong thực tế những giá  trị đặc sắc của khu vực biển đảo vùng  Đông Bắc nơi có vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO vinh danh do đáp ứng tiêu chí về giá trị thẩm mỹ (năm  1994) và giá trị địa chất (năm 2000).  Đồng thời, từ năm 2004, quần đảo  Cát Bà được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới và vịnh Lan Hạ được Hiệp hội Câu lạc  bộ các vịnh đẹp nhất thế giới xếp vào top những vịnh biển đẹp nhất thế  giới năm 2020.  

Những thách thức đang đặt ra

Rõ ràng là việc có những di sản  văn hóa và thiên nhiên là Di sản Thế  giới đã góp phần tôn vinh vị thế của  các địa phương trong xếp hạng quốc gia về kinh tế xã hội. Mặt khác, tạo  thêm nguồn lợi kinh tế đáng kể từ  khai thác kinh doanh du lịch. Những  năm qua các hoạt động từ kinh tế du  lịch tại Hạ Long của Quảng Ninh và  Cát Bà của Hải Phòng đã và đang thu  được những hiệu quả rất đáng khích  lệ. Việc mở rộng địa giới khu di sản  thế giới liên tỉnh sẽ loại bỏ tình trạng  ngăn sông cấm chợ, giúp các thủ tục  hành chính giữa Quảng Ninh và Hải  Phòng được khơi thông, tạo động lực  phát triển trong tương lai.  
Tuy nhiên, đi đôi với những vinh  dự và tiềm năng to lớn mà di sản liên  tỉnh đem lại, trách nhiệm quản lý bảo  tồn các di sản đặc sắc này cũng nặng  nề hơn và phức tạp hơn trước những  điều kiện mới và thách thức mới về  bảo tồn di sản bền vững, đó là: Khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh  và TP Hải Phòng hiện có mức tăng  trưởng rất nhanh về sự phát triển  cơ sở hạ tầng, đặc biệt về mặt giao  thông, tàu biển, khai thác than và các  ngành du lịch, dịch vụ. Việc mở rộng  khu di sản thiên nhiên tại Cát Bà, Lan  Hạ sẽ khiến cho sự bùng nổ số lượng  du khách đột biến dẫn đến tình trạng  quá tải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến  môi trường. 
Tình trạng lấn biển, sự phát triển  mở rộng đô thị và sự gia tăng dân số  cơ học, việc xây dựng bến cảng và nhà  máy; các hoạt động du lịch và dịch vụ,  rác thải trong sinh hoạt và chế xuất,  sự khai thác và đánh bắt tận diệt thủy  sản và nuôi trồng hải sản đã không  chỉ còn là nguy cơ, mà sự ô nhiễm môi  trường do chất thải công nghiệp và sự  biến đổi cảnh quan của vịnh Hạ Long  đã ở mức báo động.  
Để hạn chế những tác động tiêu cực  của những hiện tượng này, cần khẩn  trương triển khai những trách nhiệm  đã xác định trong Kế hoạch quản lý di  sản của hai tỉnh và thành phố như đã  cam kết trong hồ sơ đề cử, đặc biệt là  “Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi  Danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long  giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến  năm 2050”.  Về mặt chủ quan, mặc dù trong  quá trình xây dựng hồ sơ đề cử, lãnh  đạo hai tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng đã cam kết phối hợp quản lý  bảo vệ và phát huy giá trị di sản, tuy  nhiên sự phối hợp này mới chỉ hạn  chế trong các cơ quan lãnh đạo. Phải  tập trung quản lý bằng mô hình quản  lý chung và quán triệt trách nhiệm  quản lý đến từng đơn vị và cá nhân  làm nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá  trị di sản. 
Việc thực thi trách nhiệm liên tỉnh  của Quảng Ninh và Hải Phòng sẽ  chứng minh trong thực tế những cam  kết của Việt Nam trong việc quản lý  các di sản đang trong quá trình đề  cử với UNESCO, đặc biệt là quần  thể di tích Yên Tử. Quần thể Di tích  và danh thắng Yên Tử là một đề cử  chuỗi di tích liên hoàn, bao gồm các  di tích và danh thắng trên địa bàn 3  tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải  Dương, được phân bố thành 3 khu  vực chính: 
- Khu di tích Yên Tử - Đông Triều  (Quảng Ninh). 
- Khu di tích Tây Yên Tử (Bắc Giang). 
- Khu di tích Côn Sơn - Thanh Mai - Kiếp Bạc (Hải Dương). 
Hiện nay, Bộ VHTTDL đã và đang tích cực chỉ đạo, phối hợp với UBND  ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và  Hải Dương chủ động trong việc bảo  vệ tính nguyên vẹn của Quần thể Di  tích và danh thắng Yên Tử thông qua  các hành lang pháp lý là các luật có  liên quan của Nhà nước, các Nghị  định của Chính phủ như: Luật Di sản  Văn hóa, Luật Bảo vệ và phát triển  rừng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật  Du lịch, Luật đa dạng sinh học... 
Trong bối cảnh này, những hiệu  quả quản lý khu di sản liên tỉnh của  Quảng Ninh và Hải Phòng lại càng  có ý nghĩa trong quyết định ghi danh  của UNESCO đối với quần thể di tích  Yên Tử trên địa bàn các tỉnh Quảng  Ninh, Bắc Giang và Hải Dương,  Quần thể di tích Óc Eo trên địa bàn  các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên  Giang và các di sản khác mà Việt  Nam đang triển khai việc xây dựng  hồ sơ đề cử trong tương lai. Đồng  thời, những nỗ lực liên trách nhiệm  này còn là bài học kinh nghiệm hữu  ích trong việc kết hợp quản lý, bảo vệ  và phát huy giá trị Di sản thế giới nói  riêng, di tích lịch sử - văn hóa, danh  lam thắng cảnh nói chung ở Việt  Nam trong những năm tới.

GS.TS TRƯƠNG QUỐC BÌNH  

Ý kiến bạn đọc