Huế xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

VHO - Ngày 12.1, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đang hoàn thiện các hồ sơ trình Bộ VHTTDL về đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đối với lễ hội truyền thống Điện Huệ Nam, ẩm thực Bún bò Huế, Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế.

Huế xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Anh 1

Du khách tham quan không gian trưng bày áo dài truyền thống tại Huế

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm : Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam (được đưa vào Danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012); Ca Huế (năm 2015); nghề dệt Dèng của người Tà Ôi (năm 2016); lễ hội Aza Koonh của của người Pa Cô, huyện A Lưới (năm 2019). Thời gian qua, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này đã được gìn giữ, bảo tôn và phát huy hiệu quả, góp phần khai thác phục vụ các hoạt động văn hóa du lịch và lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng.

Trong năm 2023 vừa qua, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai việc xây dựng và hiện đang đẩy mạnh hoàn thiện hồ sơ cho lễ hội truyền thống Điện Huệ Nam (còn gọi là Điện Hòn Chén), hồ sơ khoa học về “Ẩm thực Bún bò Huế”, “Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế” đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Đồng thời, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tiếp tục kiểm kê, sưu tầm, nhận diện giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế để xây dựng hồ sơ khoa học “Nghệ thuật Ca Huế” đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Được biết, Sở VHTT cũng phối hợp với UBND huyện Phong Điền vừa khởi động việc lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt đối với làng cổ Phước Tích. Đây là làng cổ thứ 2 của cả nước sau làng cổ Đường Lâm, được công nhận là di tích quốc gia vào năm 2009. Thời gian qua, công tác bảo tồn các công trình kiến trúc truyền thống đặc trưng (như: nhà rường, đình, miếu, nhà thờ họ…) và không gian cảnh quan tại Phước Tích được chính quyền địa phương quan tâm; góp phần giữ gìn và phát huy giá trị di tích hiệu quả.

Tin, ảnh: S.THÙY

Ý kiến bạn đọc