Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội

VHO - Ngày 22.12, tại thành phố Ninh Bình, Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế nhìn từ quản trị vùng và địa phương" với sự tham dự của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế.

Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội - Anh 1

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đồng chủ trì thảo luận phiên chuyên đề

Đồng chủ trì Hội thảo có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Nguyễn Ngọc Hà; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc; Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Nguyễn Quang Ngọc.

Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội; Bộ VHTTDL; lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; Hội Khảo cổ học Việt Nam; Hội Di sản văn hóa Việt Nam; Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo nhấn mạnh: Ninh Bình-vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa, với tài nguyên di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, đa dạng, có giá trị nổi bật, mang bản sắc văn hóa đặc sắc riêng có, hội tụ đầy đủ tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Với địa thế, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa nổi bật; cách đây hơn 3 vạn năm, Ninh Bình từng là nơi cư trú của người tiền sử, thế kỷ X nơi đây được chọn làm quốc đô đầu tiên của Nhà nước Đại Cồ Việt, gắn liền với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại: Đinh - Tiền Lê - Lý. Ninh Bình sở hữu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, di sản kép đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện nay của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; Vườn Quốc gia Cúc Phương là Vườn Quốc gia đầu tiên ở Việt Nam, với hệ thực vật, động vật phong phú, đặc sắc và đa dạng, được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) bầu chọn và vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á trong 5 năm liên tiếp vừa qua; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư được ghi nhận là mẫu mực trong nghệ thuật kiến trúc các công trình đền thờ ở Việt Nam; Di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước lưu giữ trên 50 bài thơ khắc và hàng trăm bài thơ vịnh là nguồn dữ liệu quan trọng trong kho tàng văn học nước ta; 5 bảo vật quốc gia lưu giữ những giá trị nổi bật về nghệ thuật, văn hóa và lịch sử; cùng với đó là gần 2.000 di tích và danh thắng, trên 400 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu gồm những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất, nghệ thuật diễn xướng dân gian, nghề thủ công truyền thống, các tri thức dân gian và các phong tục, tập quán tốt đẹp của con người vùng đất Cố đô.

Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội - Anh 2

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu khai mạc Hội thảo

Đây là những giá trị căn cốt của không gian văn hóa Cố đô xưa, được người dân Ninh Bình các thế hệ gìn giữ, lưu truyền, phát huy trong suốt hành trình lịch sử của vùng đất, của dân tộc; là bằng chứng về sự trường tồn của lịch sử, bản sắc tộc người và sáng tạo văn hóa của người dân Ninh Bình; cũng là tiềm năng, nguồn lực và động lực để Ninh Bình phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững, xây dựng thương hiệu di sản văn hóa có tính nhận diện và cạnh tranh cao; nhằm thực hiện thành công những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ có tính chiến lược mà tỉnh Ninh Bình đang tập trung thực hiện hiện nay, đó là "Xây dựng tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, về cơ bản đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hình mẫu tiêu biểu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và phát triển. Định hình tính chất, chức năng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa của quốc gia và quốc tế; trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại hàng đầu của đất nước; địa bàn vững chắc về quốc phòng, an ninh. Xác lập vị trí đầu tàu và mắt xích trọng yếu kết nối mạng lưới các di sản, thành phố sáng tạo của vùng và liên vùng, quốc gia và quốc tế, hội nhập sâu rộng vào mạng lưới các đô thị di sản sở hữu danh hiệu UNESCO trên thế giới. Gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa và dịch vụ hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, con người, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng xã hội phồn vinh, nhân dân hạnh phúc".

Xác định di sản là thế mạnh của tỉnh Ninh Bình trong phát triển kinh tế-xã hội, nhiều năm trở lại đây Ninh Bình đã coi trọng, đầu tư các nguồn lực cho văn hóa, chủ động, tích cực thực hiện nhiều biện pháp, cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh không ít mâu thuẫn, xung đột, đòi hỏi các cấp chính quyền phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện cơ chế, chính sách, mở rộng hợp tác trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương trong vùng, trong nước, quốc tế để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản và phát triển kinh tế-xã hội. Mối quan hệ này nếu được giải quyết tốt sẽ tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển, nhưng nếu không tốt sẽ dẫn đến tình trạng di sản được bảo vệ nhưng không đóng góp được cho sự phát triển hoặc sự phát triển làm cho di sản mai một.

Xuất phát từ thực trạng và yêu cầu thực tiễn trên, tỉnh Ninh Bình phối hợp với Tạp chí Cộng sản và Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương” với mục tiêu xác định các định hướng và giải pháp có thể giải quyết hài hòa, hiệu quả mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở quản trị vùng, liên vùng và địa phương; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng, kinh nghiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong thực hiện việc phục dựng, bảo tồn di sản gắn với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, của khu vực và cả nước.

Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội - Anh 3

Toàn cảnh Hội thảo

Đề dẫn tại Hội thảo, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Nguyễn Ngọc Hà cho biết, hiện nay, cách tiếp cận về vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chưa sát với thực tiễn; chưa có những đầu tư xứng đáng cả về kinh phí lẫn nguồn lực để phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa một cách xứng đáng.

Điều đó dẫn đến việc có thể phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa tốt nhưng lại chưa khai thác được giá trị kinh tế - xã hội của chúng; hoặc ngược lại, có thể tạo ra những giá trị kinh tế cao nhưng lại gây tổn hại đến các di sản văn hóa khi bị khai thác quá mức; hay phục dựng, bảo tồn không phù hợp với tính chất của một di sản văn hóa. Bên cạnh đó, việc giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội chưa được đặt trong các chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương, của vùng.

Điều này đòi hỏi từ phương diện quản trị vùng và địa phương phải có quan điểm, chủ trương, chính sách đúng đắn giải quyết hài hòa, hiệu quả mối quan hệ biện chứng giữa chúng, nhằm phản ánh quy luật phát triển của văn hóa Việt Nam trong tiến trình xây dựng đất nước; giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế nói chung, giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội nói riêng; đồng thời, khẳng định vai trò quan trọng của phát triển địa phương, liên kết vùng trong tổng thể phát triển quốc gia.

Hội  thảo là dịp để các triết gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà lãnh đạo, nhà quản trị cùng nhau thảo luận, tìm đến các giải pháp cơ bản nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phục dựng, phát huy các di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận 3 nội dung: Nhận thức chung và thực tiễn giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội nhìn từ quản trị vùng và địa phương; kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam và tỉnh Ninh Bình trong quản trị mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.

QUANG THÁI

Ý kiến bạn đọc