Về bài Đình Nhân Hậu “lúng túng” trong phương án cứu chữa: UBND huyện Nam Đàn nói gì?

VHO- Chiều qua 5.12, Sở TT&TT, Sở VHTT Nghệ An cho biết, sau khi Văn Hóa có bài phản ánh Đình Nhân Hậu (Nghệ An) sắp sập, ai chịu trách nhiệm?, Đình Nhân Hậu “lúng túng” trong phương án cứu chữa…, UBND huyện Nam Đàn đã có văn bản số 361/UBND-VX gửi các Sở, ngành liên quan và Báo Văn Hóa, trong đó cảm ơn những nội dung mà báo đã phản ánh, đồng thời đề xuất một số giải pháp.

Về bài Đình Nhân Hậu “lúng túng” trong phương án cứu chữa: UBND huyện Nam Đàn nói gì? - Anh 1

Đình làng Nhân Hậu đang được quây bạt, gắn biển cảnh báo

 Văn bản của UBND huyện Nam Đàn cho biết, đình Nhân Hậu, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn có trong danh mục kiểm kê tại Quyết định số 1017/ QĐ.UBND.VX ngày 1.4.2011 của UBND tỉnh Nghệ An và Quyết định số 201/QĐ.UBND ngày 17.1.2018 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt danh mục kiểm kê di tích, danh thắng trên đại bàn tỉnh Nghệ An. Vị trí đình Nhân Hậu trước đây được xác định nằm ở phía trước mặt sân của Trường THCS Tân Dân, xã Hùng Tiến hiện nay. Giữa những năm 1980 của thế kỷ XX, đình được chuyển về chợ Cồn Bụt làm đình chợ, xóm Trung Cửu, ven quốc lộ 46 C khi chưa lấy ý kiến của người dân. Khi chợ Cồn Bụt mới được xây dựng (cách chợ cũ khoảng 150m) thì khu vực chợ cũ có đình Nhân Hậu bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Hơn 30 năm qua đình bị di dời làm đình chợ khiến người đi qua không biết đó là một di sản. Gần nửa thế kỷ, đình Nhân Hậu thiếu sự kiểm kê, gìn giữ, mái đình bị biến thành nơi họp chợ. Giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của ngôi đình cổ vẫn hiện hữu nhưng trong suốt một thời gian dài, không ai trông nom, bảo vệ và phát huy giá trị. Nhìn ngôi đình cổ hư hỏng nặng nề, có thể sập đổ trong nay mai, ai nấy đều rất đau lòng.

Văn bản cũng nêu rõ: “Do nguồn kinh phí còn khó khăn, vị trí cũ đã nằm trong khuôn viên Trường THCS Tân Dân và hiện nay đình Nhân Hậu nằm trong danh mục kiểm kê và chưa được phục dựng. Ngày 18.10.2023, UBND huyện Nam Đàn đã tổ chức làm việc để nghe xã Hùng Tiến báo cáo về phục dựng và tôn tạo đình Nhân Hậu, tuy nhiên xóm Nhân Hậu và xã Hùng Tiến còn khó khăn về việc huy động nguồn lực để thực hiện, UBND xã Hùng Tiến đã tiến hành cảnh báo và che bạt để khỏi mưa mục nát. Trong thời gian tới, UBND huyện Nam Đàn tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc xã Hùng Tiến, xác định vị trí, huy động xã hội hóa và trích ngân sách để phục dựng và tôn tạo đình Nhân Hậu theo nguyện vọng của nhân dân và đảm bảo việc bảo tồn các di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa”.

Về bài Đình Nhân Hậu “lúng túng” trong phương án cứu chữa: UBND huyện Nam Đàn nói gì? - Anh 2

 Công văn phản hồi gửi Báo Văn Hóa

Trao đổi vấn đề này, ông Hoàng Văn Kiểm, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Quốc gia cho biết: “Sau khi Văn Hóa phản ánh, chúng tôi đã nắm được thông tin và có buổi làm việc với địa phương. Đình Nhân hậu được tạo dựng từ thời Cảnh Hưng 1740 đến 1786, các đường nét kiến trúc đình mang đặc trưng truyền thống, những chiếc cột rui, mè… vẫn hiện rõ những nét chạm trổ tinh xảo, độc đáo, toát lên vẻ đẹp thâm nghiêm của một di sản. Trung tâm đã đưa thợ chuyên làm phục dựng các công trình đền, nhà thờ về khảo sát. Theo quan điểm chúng tôi, muốn bảo vệ đình thì phải hạ giải, rồi sửa lại, chỗ nào còn dùng được thì dùng, sau đó phục dựng lại ở địa điểm cũ gắn với tích của đình. Yêu cầu khi thay, sửa phải đảm bảo một cách chính xác nhất có thể. Nếu không có biện pháp bảo tồn, tôn tạo kịp thời thì di sản kiến trúc đặc sắc này sẽ thành gỗ mục nay mai”. 

PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc