20 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO: Nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia

VHO- Giới chuyên gia nhận định, 20 năm thực hiện Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, Việt Nam đã và đang đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực, trách nhiệm trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.

20 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO: Nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia - Anh 1

Din xưng Chu văn ca các cung văn ti Hà Ni

 Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Nam Định vừa phối hợp tổ chức Hội nghị - Hội thảo - Thực hành di sản Kỷ niệm 20 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2003-2023), đánh giá hiệu quả thực hiện công ước đối với Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, tại Nam Định.

Khẳng định vai trò quốc tế của Việt Nam

Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, từ năm 2005, khi bắt đầu tham gia Công ước 2003, Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong việc thực hiện và thúc đẩy sự phát triển của Công ước tại Việt Nam. Sau 18 năm tham gia, Việt Nam vinh dự hai lần trúng cử là thành viên Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003; có 15 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện và danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Các di sản được ghi danh đều thực hiện bài bản việc bảo vệ và phát huy theo các Chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản cam kết với UNESCO sau khi được ghi danh.

Theo bà Hiền, nhiều hoạt động tại các địa phương đã góp phần quan trọng, tạo điều kiện để các nghệ nhân duy trì, thường xuyên thực hành di sản, có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thực hành di sản tại cộng đồng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Thông qua đó, di sản văn hóa đã được bảo vệ và phát huy tốt mặc dù còn gặp không ít khó khăn và thách thức. Minh chứng rõ nhất là các cộng đồng có di sản vẫn thường xuyên thực hành, bảo vệ di sản của mình. “Việc các di sản văn hóa được ghi danh ở các cấp độ; các nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa được phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT đã khơi dậy niềm tự hào, khuyến khích các cộng đồng có di sản, chính quyền địa phương và xã hội tự nguyện, chủ động tham gia bảo vệ di sản, đẩy mạnh giới thiệu di sản văn hóa, tạo thêm động lực trong quá trình xã hội hóa các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa...”, bà Hiền nhấn mạnh.

Năm 2022, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào Ủy ban liên Chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Công ước 2003. Đây là vinh dự, niềm tự hào và cũng là trọng trách lớn; thể hiện nỗ lực không ngừng của các cá nhân, tổ chức liên quan. Kết quả này cũng khẳng định cam kết của Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của UNESCO và Công ước 2003, cũng như tự cường mạnh mẽ trong việc đóng góp vào bảo vệ sự đa dạng văn hóa và phát triển bền vững di sản văn hóa phi vật thể trên thế giới. Đồng thời, là tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ, ghi nhận những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, cũng như góp phần đảm bảo nguyên tắc luân chuyển công bằng giữa các quốc gia thành viên, đảm bảo tất cả các cộng đồng trên toàn cầu đều có tiếng nói. Theo Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền, kinh nghiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua sẽ tiếp tục được phát huy và lan toả tới bạn bè quốc tế.

Sự kiện nổi bật thể hiện vai trò, đóng góp hết sức quan trọng của Việt Nam với UNESCO là những nỗ lực của chúng ta trong việc đưa di sản Hát Xoan ra khỏi Danh sách cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc UNESCO ghi danh di sản thế giới cả ở lĩnh vực di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thường đi liền với tỉ lệ tăng nhanh về số lượng khách du lịch, vừa giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư địa phương tại nơi có di sản. PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia khẳng định, với nỗ lực không ngừng, trách nhiệm và tình yêu di sản văn hóa phi vật thể; thông qua tăng cường thực hiện và hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa, Việt Nam cam kết mạnh mẽ việc thực hiện Công ước 2003 của UNESCO.

Đồng thời, thông qua những hành động, việc làm cụ thể, Việt Nam đã và đang đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.

20 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO: Nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia - Anh 2

Hot đng trin lãm ti Hi ngh - hi tho

Chấn chỉnh lệch lạc, biến tướng

Công tác quản lý nhà nước về di sản cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhận thức của công chúng, cộng đồng và một bộ phận cán bộ về di sản phi vật thể , đặc biệt là các di sản thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng như Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Thực hành Then Tày, Nùng, Thái… còn hạn chế.

Cục Di sản văn hóa lưu ý, một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về các giá trị của các di sản thuộc loại hình này nên hoạt động lễ hội, biểu đạt văn hóa liên quan tới tín ngưỡng tuy sôi động trở lại nhưng một số giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc có lúc bị biến tướng, sai lệch. Một số các “con nhang đệ tử” theo dự các giá hầu không vì mục đích tìm hiểu những giá trị văn hóa truyền thống đích thực trong tín ngưỡng thờ Mẫu, dẫn đến biểu hiện thương mại hóa các khóa lễ hầu đồng; gây tốn kém, lãng phí. Nhiều biểu hiện biến tướng, lệch chuẩn được nêu rõ như thực hành không đúng không gian và lợi dụng danh hiệu của di sản, của các nghệ nhân; hoạt động giao lưu trình diễn tín ngưỡng và biểu đạt văn hóa mang tính thiêng ồ ạt, tuỳ tiện; các hoạt động tiêu cực, không đúng nguyên tắc thực hành của di sản dẫn tới nguy cơ làm giảm tính thiêng, trần tục hóa tín ngưỡng, lãng phí tiền, gây xung đột giữa các CLB, nhóm và cá nhân người thực hành di sản.

Đại diện Sở VHTTDL Nam Định cho biết, từ năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định đến năm 2030”. Bên cạnh đó, Sở VHTTDL phối hợp Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thành lập Hội Bảo vệ và phát huy giá trị “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” ở Nam Định. Tuy nhiên, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tại Nam Định cũng gặp phải một số khó khăn. Các chủ thể nắm giữ và thực hành di sản, được coi là “báu vật nhân văn sống” thì phần lớn tuổi cao, sức yếu nên việc tư liệu hóa, truyền dạy gặp nhiều thách thức. Việc vinh danh các nghệ nhân nhiều đóng góp chưa kịp thời; chưa xây dựng chế độ đãi ngộ với các NNND, NNƯT, nghệ nhân truyền dạy…

Đại diện Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn cho biết, việc quản lý di sản này tại địa phương cũng đang gặp khó khăn như chưa nhận diện đúng về giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu; triển khai hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản theo tinh thần Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO thiếu đồng bộ, thống nhất trong tư duy, nhận thức, hành động của các tổ chức, cá nhân…, gây ra lo ngại về biến tướng có thể đang tồn tại trong hầu đồng - nghi thức văn hóa hạt nhân của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Một bộ phận không nhỏ các tổ chức, cá nhân, trong đó có nhiều thanh đồng còn nhận thức chưa đúng, đầy đủ về thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, dẫn đến làm lệch lạc, “méo mó” giá trị văn hóa đặc trưng của tín ngưỡng này. NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng (Hà Nội) cũng nhận định, từ khi di sản này được ghi danh, hiện tượng biến tướng của thực hành nghi lễ hầu đồng đã diễn ra rất phổ biến. Thậm chí, thực hành hầu đồng “méo mó”, “sai lệch” còn xuất hiện trong khuôn khổ một số hội nghị, tọa đàm...

Trong khi đó, việc nhận diện, xử lý các hành vi biến tướng, lệch chuẩn trong thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ còn rất khó khăn. Các hiện tượng mê tín dị đoan và tín ngưỡng gắn bó hữu cơ với nhau, khó có thể tách rời để nhận diện, xác định rõ thế nào là mê tín, thế nào là tín ngưỡng và ở mức độ, cấp độ nào sẽ trở thành mê tín dị đoan. Do vậy, việc phòng chống và xử lý các hình thức mê tín dị đoan còn gặp nhiều lúng túng, vướng mắc, chưa đồng nhất ngay cả với các nhà quản lý và các nhà khoa học. 

Việc các di sản văn hóa được ghi danh ở các cấp độ; các nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa được phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT đã khơi dậy niềm tự hào, khuyến khích các cộng đồng có di sản, chính quyền địa phương và xã hội tự nguyện, chủ động tham gia bảo vệ di sản, đẩy mạnh giới thiệu di sản văn hóa…

(Cục trưởng Cục Di sản văn hóa LÊ THỊ THU HIỀN)

 

PHƯƠNG ANH; ảnh: VIỆT THẮNG

Ý kiến bạn đọc