Khi sáng tạo “đánh thức” di sản

VHO- Khai mạc vào cuối tuần qua, trong hai ngày đầu tiên, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã đón khoảng 2 vạn lượt khách đến tham quan những không gian sáng tạo độc đáo của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Địa chỉ hút khách không kém là Tháp nước Hàng Đậu, với trên 3.000 lượt khách tham quan kể từ thời điểm mở cửa.

Khi sáng tạo “đánh thức” di sản - Anh 1

Trên chuyến tàu Hành trình di sản 
Từ những di sản ngủ yên trong nhiều thập kỷ, những sáng tạo độc đáo đã thổi hồn, “đánh thức” ký ức, khiến các không gian cũ kỹ, cổ kính như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu bừng tỉnh, trở thành những điểm đến, công viên nghệ thuật chưa từng có giữa lòng Hà Nội.
Từ nhà máy cũ thành sân khấu nghệ thuật
Tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 đã diễn ra sôi động. Trước đó, chuyến tàu Hành trình di sản chở những vị khách đầu tiên từ ga Hà Nội đến ga Gia Lâm đã chính thức lăn bánh. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy dự và ấn nút khai mạc lễ hội.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết: Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO (UCCN) trong lĩnh vực Thiết kế từ năm 2019. Từ đó đến nay, mặc dù có hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều hoạt động bị đình trệ, Hà Nội đã có nhiều hoạt động để cụ thể hóa những cam kết xây dựng Thành phố sáng tạo. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 có nội dung trọng tâm hướng đến câu chuyện ứng xử với di sản công nghiệp. Ngoài không gian chính là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, các hoạt động của Lễ hội còn được tổ chức tại tháp nước Hàng Đậu, ga Long Biên, ga Gia Lâm… đều là những di sản công nghiệp gắn bó với Hà Nội trong nhiều thập kỷ. 

Khi sáng tạo “đánh thức” di sản - Anh 2

 Sắp đặt nghệ thuật tại không gian Nhà máy Xe lửa Gia Lâm

“Nhà máy Xe lửa Gia Lâm ra đời cách đây gần 120 năm. Nơi đây từng là những phân xưởng do người Pháp quản lý, rồi nhà máy về tay chính quyền Cách mạng, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử ngành đường sắt nước ta. Hệ thống nhà xưởng, máy móc hiện tại được xây dựng, lắp đặt hơn 40 năm trước. Nhắc lại lịch sử của nhà máy là dịp để chúng ta có thể cảm nhận rõ hơn chủ đề của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo năm 2023 - chủ đề “Dòng chảy”…”, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà. Điều ít ai hình dung là từ một không gian cũ kỹ, người dân gần như không ai tìm đến thì tới Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm nay, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm lại “biến hình”, trở thành không gian triển lãm sáng tạo độc đáo, với những góc trải nghiệm thú vị và đặc biệt, còn là sân khấu để những giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo trong dòng chảy ngàn năm được thăng hoa. Khán giả ngay trong đêm khai mạc cũng không khó để nhận thấy không gian sân khấu chính được thiết kế với triết lý “nương theo cảnh quan”, nhằm tôn vinh và hòa mình vào bối cảnh địa lý đặc thù di sản công nghiệp của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Thiết kế ánh sáng đa điểm, tạo ấn tượng mạnh về mặt thị giác, tạo điểm nhấn cho không gian tổng thể của sân khấu chính. Bên cạnh đó, ánh sáng phản chiếu lên kết cấu không gian với mỗi tác phẩm trình diễn đã mang lại cảm xúc cuốn hút ở mọi điểm nhìn.
Đông đảo du khách và người dân Hà Nội, trong đó có các gia đình nhiều thế hệ đã tìm đến những địa chỉ này để khám phá, trải nghiệm. Nhu cầu được vui chơi trong các không gian sáng tạo mới mẻ vốn thiếu vắng lâu nay, đến lễ hội lần này đã phần nào được thỏa mãn. BTC lễ hội cũng chia sẻ bất ngờ trước sự đón nhận cởi mở và hào hứng của công chúng. Cùng với sân khấu chính và các triển lãm, sắp đặt tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, chuyến tàu “Hành trình di sản” kết nối từ ga Long Biên đến ga Gia Lâm dù chỉ kéo dài chừng 15 phút nhưng cũng mang lại ít nhiều cảm xúc thú vị. Chạy qua cây cầu Long Biên lịch sử, chuyến tàu lăn bánh đã kết nối những biểu tượng di sản của Thủ đô, mang theo ký ức truyền thống và đương đại của Hà Nội qua những bức tranh, không gian văn hóa, âm nhạc ấm áp, những giai điệu về nhịp sống Hà Nội xưa và nay... Dẫu chưa thực sự có nhiều trải nghiệm đậm bản sắc sáng tạo, kết nối các không gian di sản được thể hiện rõ nét như tên gọi nhưng “Hành trình di sản” trên chuyến tàu cũng đã khơi gợi những cảm xúc mới lạ của hành khách.
Tại Tháp nước Hàng Đậu, được “đánh thức” sau gần nhiều thập kỷ “ngủ quên”, những ngày qua, du khách cũng đã xếp hàng để được vào bên trong, chiêm ngưỡng không gian nghệ thuật được lấy cảm hứng từ quan niệm Á Đông do các KTS tài năng sáng tạo.

Khi sáng tạo “đánh thức” di sản - Anh 3

 Từ Nhà máy Xe lửa cũ kỹ trở thành sân khấu trình diễn nghệ thuật đặc sắc

Truyền cảm hứng sáng tạo
Hội nghị diễn đàn Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á trong khuôn khổ Lễ hội cũng đã chia sẻ nhiều thông điệp, kinh nghiệm hay trong việc phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa của các Thành phố sáng tạo ở nhiều quốc gia.
Mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN) được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế, với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Đến nay, mạng lưới đã có sự tham gia của 350 thành phố thuộc hơn 100 quốc gia. Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập UCCN và cũng là thành phố đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Khẳng định việc gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là bước tiến của Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, sau gần 4 năm, Hà Nội đã thực hiện đầy đủ các nội dung, sáng kiến và cam kết với UNESCO khi ứng cử gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo. Hà Nội cũng hình thành mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ, củng cố mạng lưới các không gian sáng tạo trên địa bàn, đặc biệt, hằng năm đều tổ chức các Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội. 
Đại diện các Thành phố sáng tạo Kuching (Malaysia); Bangkok, Sukhothai, Phetchaburi (Thái Lan)… tại Hội nghị đã chia sẻ những cách làm riêng để phát huy thương hiệu Thành phố sáng tạo; đồng thời đề cao giá trị của sự kết nối, hợp tác giữa các thành phố, vận dụng sáng tạo vào từng nơi. Nhiều đại biểu cho rằng, để phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa của các Thành phố sáng tạo, cần phải có cơ chế, chính sách thuận lợi, có sự hỗ trợ của chính quyền về mặt bằng, sản xuất, quảng bá sản phẩm sáng tạo, qua đó lan tỏa tinh thần, bản sắc của Thành phố sáng tạo trong tiến trình hội nhập, phát triển kinh tế, xã hội. Chủ tịch Hội UNESCO Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng, việc chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy sáng kiến để xây dựng và phát huy hiệu quả giá trị trong Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO có ý nghĩa rất lớn. Với Việt Nam, sau Hà Nội thì Hội An, Đà Lạt cũng đã được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo. Vinh dự này cũng đòi hỏi mỗi địa phương phải có chuyển biến rõ ràng trong nhận thức về giá trị của việc tham gia mạng lưới chung, của sự liên kết và hợp tác giữa các Thành phố sáng tạo, hướng tới sự phát triển bền vững.
Kéo dài trong một tuần lễ (17-26.11), Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 gồm chuỗi 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc, hơn 20 trưng bày và triển lãm, hơn 20 hội thảo, tọa đàm, 9 hoạt động giới thiệu nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo được tổ chức tại nhiều địa điểm, không gian đặc biệt. Không chỉ “đánh thức” những di sản ngủ quên, chuỗi hoạt động với sự đón nhận, hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, du khách trong và ngoài nước đã khẳng định giá trị của những ý tưởng sáng tạo trong đời sống, đóng góp thiết thực vào mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô từ thương hiệu “Thành phố sáng tạo”. 

BẢO NGÂN

Ý kiến bạn đọc