Hát Kiều và hát ru Cảnh Dương là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

VHO - Hát Kiều và hát ru Cảnh Dương ở tỉnh Quảng Bình đã được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hát Kiều và hát ru Cảnh Dương là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Anh 1

Trích đoạn Hát Kiều ở Quảng Kim (Quảng Trạch)

Ngày 13.11, thông tin từ Sở VHTT Quảng Bình cho biết, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký Quyết định về việc công nhận hát Kiều (ở huyện Quảng Trạch, huyện Tuyên Hóa, TX. Ba Đồn) và hát ru Cảnh Dương (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Hát Kiều là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo gắn bó với đời sống tinh thần của người dân vùng bắc sông Gianh. Dù trải qua nhiều thăng trầm và biến thiên của lịch sử, những làn điệu Kiều vẫn có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng người dân ở các địa phương.

Từ kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, nhiều loại hình nghệ thuật được hình thành như ngâm Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều nhưng nghệ thuật hát Kiều lại thể hiện tính độc đáo và giàu sức sáng tạo hơn. Hát Kiều bao gồm hát, diễn xuất và làm trò… tập trung ở các xã: Quảng Kim, Quảng Phương (Quảng Trạch), Châu Hóa (Tuyên Hóa), Quảng Minh, Quảng Thủy (TX. Ba Đồn).

Hát Kiều và hát ru Cảnh Dương là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Anh 2

Nghệ nhân ưu tú Lê Thành Lộc, người gìn giữ và trao truyền nhiều làn điệu ru con ở Cảnh Dương

Cùng với hát Kiều, hát ru Cảnh Dương cũng là loại hình văn nghệ dân gian độc đáo. Đây là làn điệu hát ru trữ tình mang âm hưởng đặc biệt chỉ có ở làng quê miền biển Cảnh Dương. Cái hay của hát ru Cảnh Dương là những lời hát đậm chất văn hóa miền biển, sử dụng nhiều ngôn ngữ địa phương độc đáo như hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôồng bôồng...

Như vậy, đến thời điểm này, ở tỉnh Quảng Bình đã có 10 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

TÂN BÌNH

Ý kiến bạn đọc