Xung quanh việc tháo dỡ những ngôi đình, nhà thờ cổ đem bán: Người trong cuộc bật mí ...
VHO- Ban đầu cứ những tưởng N.V.A, trú ở xã H.M trên địa bàn một huyện ở Nam Định chỉ mua được duy nhất toàn bộ cấu kiện gỗ của ngôi đình Thanh Khê (xã Yên Nghĩa, huyện Ý Yên), nào ngờ trong ba xưởng của anh ta chứa vô vàn cấu kiện gỗ như cột cái, cột con, chân tảng đá, thượng lương, xà nách, cốn mê… và hàng chục bức chạm trổ tinh xảo, cùng với hàng trăm tấm ảnh cộng thêm lời kể chân thực, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng xen lẫn bức xúc.
Cột cái của ngôi đình đang bị rao bán hàng tỉ đồng có đường kính lớn, một người ôm không vừa Ảnh: N.H
Nghĩa là trong những năm qua N.V.A cùng với một số anh em họ đã mua được khá nhiều “bộ khung” ngôi đình, nhà thờ cổ, có niên đại hàng trăm năm thuộc nhiều địa phương khác nhau. Đáng chú nhất chúng tôi đã “tận mục sở thị” một ngôi đình cổ được mua cách đây vài năm, hiện đang rao bán với giá hàng tỉ đồng.
“Ở đây chủ yếu là đồ cổ, cũ”
Trở lại với vụ việc mua bán toàn bộ cấu kiện gỗ của đình Thanh Khê, dường như N.V.A đã tin chúng tôi là những người tìm đến mua đồ gỗ nhà cổ để về làm từ đường, vì đêm hôm trước chỉ mới trao đổi qua điện thoại, thì sáng sớm hôm sau chúng tôi đã có mặt tại nhà anh ta. Vì thế vừa gặp, không chút nghi ngờ A đã khẩn khoản mời đến các xưởng gỗ để kiểm tra như kiểu “nói có sách, mách có chứng”.
Xưởng gỗ đầu tiên A. đưa chúng tôi đến chỉ cách nhà hơn hai cây số. Xưởng khá rộng, bên trong chất đầy đồ gỗ cũ, cổ và những cấu kiện có chạm trổ. A. giải thích, khi mua được một ngôi đình hay nhà cổ sẽ có một thợ cả (thường gọi thợ mực thước) đến phân loại, cái nào có giá trị thì cất riêng, cột nào còn sử dụng được để ra một xưởng khác. Một ngôi đình được mua về sẽ phân chia ra nhiều bộ phận và để tại ít nhất ba xưởng khác nhau. Có như thế mới tránh được sự… “dòm ngó”. Nhận thấy bức cốn mê của đình Thanh Khê vừa được làm mới bằng cách dùng máy làm sạch rồi đánh bóng bề mặt đang dựng bên tường, chúng tôi nảy ý đề nghị A. đo chiều dài, rộng để ghi hình. Phía trong góc của xưởng này là hai bức được chạm trổ rồng năm móng, phượng… gắn trên xà nách của đình Thanh Khê. Ngay bên cạnh cơ man là cột quân hay còn gọi cột con, rui, mè, hoành của một di tích nào đó.
Gian hậu cung của một ngôi đình hiện đã được lắp dựng sau khi mua về, và đang được rao bán hàng tỉ đồng Ảnh: T.S
Xưởng gỗ thứ hai nằm cách xưởng gỗ đầu khoảng năm cây số, A. cho biết đây là xưởng lớn nhất để các loại cây cột cái (hay còn gọi cột lớn của đình) và vô số loại cột khác nhau. Đa số cột cái đều là gỗ lim, phần lớn bị tiêu tâm, có chiều dài từ 6-8m, đường kính khoảng 30-45cm, điều đó chứng tỏ đây là cấu kiện gỗ của một di tích nào đó đã được mua về. Thông thường, nếu là nhà dân thì chủ yếu là nhà thấp nên không thể có những cột cái to và dài như thế cùng với hệ thống chân tảng đá cổ. Chỉ tay về phía thanh gỗ to dài chưa được làm sạch bề mặt, Đ. anh rể của A. giới thiệu đây là câu đầu của đình Thanh Khê. Câu đầu này là chỗ để lắp dựng cốn mê đắp đồ án hồ phù hàm thọ. Tiến đến chỗ xà nách được chạm trổ rất tinh xảo, A. nói cái này cũng rất có giá trị vì hiếm có thợ bây giờ chạm trổ được như thế, nếu được thì cũng phải mất hàng tháng trời. “Xưởng này bọn em để đủ các loại gỗ nào là lim, sến, táu… của nhiều công trình khác nhau. Cột lim nào bị tiêu tâm thì sẽ khoét rỗng rồi đùn cột gỗ khác vào, đủ độ bền chắc. Cây cột dài ở kia là của một đình có sàn. Khi bọn em đến mua thì sàn bị hỏng hết cả. Chỉ còn lại bộ khung”, A. tiết lộ. “Còn ở xưởng này bọn em để rui, hoành, thượng lương… Như thế là đủ bộ khung của đình Thanh Khê. Nếu anh mua bọn em sẽ thay một số cấu kiện gỗ xoan, cột cái để cho nó đồng bộ”, A. nói đồng thời cho biết còn có hai xưởng nữa để một số nhà cổ khác (thực chất vẫn là đình).
Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy ở những xưởng gỗ của A. vừa giới thiệu đều có khá đủ các bộ phận của một ngôi đình. Một ngôi đình thường phải có ít nhất 22 bộ phận khác nhau như chân tảng đá, cột cái, cột con, đấu vuông, trụ trốn, cốn mê, thượng lương, câu đầu, xà nách…, thì tại các xưởng gỗ này có tương đối đầy đủ. Chỉ có điều, để xác định những cấu kiện gỗ cổ đang cất giữ ở trong kho xưởng có phải của một ngôi đình nào đó không thì chỉ có A mới biết tường tận, thậm chí là chi tiết. Bởi theo như A cho biết tất cả những đình hay nhà cổ mua về đều được lưu lại clip, ảnh trong máy điện thoại.
Nhiều loại cấu kiện gỗ của di tích đình tại một xưởng của N.V.A Ảnh: T.S
“Chắc chắn sang năm không có để mua”
Ngay trưa hôm đó, bên mâm cơm tại gia của A. còn có vợ, anh ta bắt đầu kể, mà nói như A. là “anh em mình ăn cơm, uống mấy chén rượu em mới kể cho anh biết chứ bình thường em không nói ra đâu. Những đồ cổ như này thì bọn em còn nhiều lắm”.
Cứ như không khảo mà khai, “người trong cuộc” N.V.A bắt đầu bật mí, rằng nếu biết sớm chúng tôi thì A. đã gọi mời mua cái đình năm kia đã “bốc” được cũng trên địa bàn tỉnh Nam Định. Vừa nói A. vừa mở điện thoại như chứng thực để chúng tôi xem ảnh những bức chạm trổ, chạm lộng của ngôi đình. Thông qua những bức ảnh ghi lại cấu kiện gỗ được chạm trổ, có bức chạm lộng tinh xảo như thế thì ắt hẳn đây là một ngôi đình cổ. Ngoài ra nhiều bức ảnh khác cho thấy có những cây cột cái rất lớn. Hiện ngôi đình mà A. vừa nói tới đã bán cho một người ở Vĩnh Phúc. Khi được hỏi vì sao mua được ngôi đình này, A. cho hay mua lại của một ông hàng xóm, với giá 700 triệu đồng, đến lúc trả tiền ông hàng xóm ra lộc cho 10 triệu…
Trong lúc cao hứng, A. chợt nhớ đến “còn một ngôi đình nữa thì mới khủng khiếp anh này”, rồi mở điện thoại cho chúng tôi xem từng bức ảnh chụp lại quá trình hạ giải, cũng như các cấu kiện gỗ có chạm khắc. “Ngôi đình này nói thật với anh là khi mua về, chú của em mua đúng 250 triệu. Cột cái của ngôi đình này có đường kính gần bằng một người ôm, cỡ khoảng gần 50cm. Cách đây ba năm, ngôi đình này được bán cho một ông Việt kiều Mỹ là 7,5 tỉ, ông đã đặt cọc 2 tỉ. Hình như ông ấy chết rồi anh ạ vì từ đấy đến nay bọn em liên lạc mãi không được, mà bọn em chỉ làm việc qua zalo. Có khả năng ông ấy chết lúc xảy ra Covid. Còn nhiều chuyện mà em nói ra cũng không thể tưởng tượng được. Hiện đình này đang ở đây, lát nữa mời anh đến xem, cách đây 7 cây thôi”, A. chia sẻ.
Cấu kiện gỗ của ngôi đình đang bị rao bán hàng tỉ đồng vẫn còn chắc chắn, vững chãi Ảnh: T.S
Quả đúng như A. nói, sau một hồi chạy ngoằn ngoèo trên những con đường liên xã nhưng cùng một huyện, chúng tôi đỗ xe trước một ngôi nhà được che phủ bởi rặng tre cao vút, bên ngoài có cổng tò vò được đắp đá giả cổ. Trước ngôi nhà, phía đối diện chủ nhân của nó xếp dựng hàng chục đá tảng chân cột với đủ kích thước, cái lớn nhất cũng có đường kính 50cm. “Phía sau bức tường cao này là ngôi đình cổ đã được bán cho ông Việt kiều Mỹ. Hiện chúng em liên lạc không được với ông ấy, nên giờ sẽ bán với giá 6,5 tỉ. Anh vào xem thì mê luôn”, A. giới thiệu. Sau một lúc có người đàn ông trạc ngoài 50 tuổi ra mở cửa. Qua một khoảng sân rộng, ngôi đình cổ hiện ra trước mắt chúng tôi. Đình có kiểu dáng chữ Đinh, 5 gian hai chái và có hậu cung (chúng tôi giả thiết đình này trước thờ thần, sau thờ Phật, nghĩa là tiền Thần hậu Phật). Toàn bộ cấu kiện gỗ của ngôi đình còn rất chắc chắn, trên các bức cốn mê, cửa nách đều có những bức chạm trổ có giá trị nghệ thuật cao. Gian hậu cung có bức cửa võng cũng được chạm trổ hết sức tinh xảo. Hàng cột cái đều rất cao, đường kính bằng một người lớn ôm. Một số góc của ngôi đình xuất hiện một số tượng Phật cổ.
“Đình này chú em mua cách đây vài năm cũng ở tỉnh này. Anh xem có mê không, các bức xà nách, cốn mê đều chạm trổ nhé. Cửa võng ở gian hậu cung thì hết chê. Cột cái toàn là gỗ lim. Bây giờ ai mua được thì rất có giá trị bởi có bói cũng không ra đâu”, A. phân tích và không quên chua: “Em nói thật nhá, ai mà có tiền, có miếng đất cỡ hai, ba nghìn m2, rồi mua cái đình này về để dựng thì quá tuyệt luôn. Anh giới thiệu được, em để giá 6,2 tỉ thôi, bao gồm cả công vận chuyển, lắp dựng”. Trong quá trình hơn 20 năm tác nghiệp, chúng tôi cũng đã đến tham quan biết bao ngôi đình ở miền Bắc, miền Trung nhưng quả thực chúng tôi phải ngẩn ngơ và vô cùng tiếc nuối trước ngôi đình này vì nó còn vững chãi, khang trang và mang chứa trong mình nó biết bao giá trị văn hóa, nghệ thuật và tâm linh. Thực tế ngôi đình chưa có dấu hiệu xuống cấp để tiến hành hạ giải sau đó tu bổ, tôn tạo nhằm kéo dài tuổi thọ cho công trình. Vậy nên trong chúng tôi cứ réo rắt câu hỏi, vì sao một ngôi đình còn đẹp đến thế mà người ta đang tâm đem bán toàn bộ cấu kiện cùng với sập gụ, hương án, hoành phi, mâm bồng…?
Như biết được nổi băn khoăn của chúng tôi, A. thản nhiên giải thích: “Nó đang ở trong quá trình từ gỗ chuyển sang bê tông hóa, đang trong giai đoạn nhập nhèm cho nên bọn em có chân rết thành ra mới mua được đồ cổ. Chắc chắn từ sang năm trở đi sẽ gần như không có mà mua”.
(Còn tiếp)
Phóng sự điều tra của NGUYỄN THANH SƯƠNG